Cứu sống bệnh nhân cùng lúc mắc 3 bệnh nguy kịch

NDO - Mắc pheochromocytoma và basedow kèm nhiễm khuẩn huyết, đe dọa tính mạng, nữ bệnh nhân 40 tuổi đã được các bác sĩ Khoa Nội tiết-Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai điều trị thành công.
0:00 / 0:00
0:00
Bệnh nhân đã trải qua nhiều ngày điều trị tích cực tại bệnh viện.
Bệnh nhân đã trải qua nhiều ngày điều trị tích cực tại bệnh viện.

Bệnh nhân Lô Thị Quyên (40 tuổi, dân tộc Thái, quê ở bản Kim khê, xã Châu Kim, huyện Quế Phong, tỉnh nghệ An) mắc basedow 10 năm trước, đã được điều trị nhưng bệnh chưa ổn định. Sau đó, chị phát hiện bị tăng huyết áp và nhịp tim cao.

6 tháng trước, bệnh nhân bị nôn mửa và ngất nhưng do điều kiện kinh tế không cho phép nên không đi khám. Tới khi mệt nhiều, sức khỏe bị suy giảm nghiêm trọng, chị mới quyết định vào viện điều trị.

Ngày 27/6, chị vào điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình, được phát hiện có u thượng thận kích thước 12 cm nên chị Quyên được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức để phẫu thuật. Tuy nhiên do có nhiều bệnh lý kèm theo nên chị Quyên chưa thể phẫu thuật.

Đến ngày 10/7, các bác sĩ ở Bệnh viện Việt Đức quyết định chuyển chị Quyên sang Bệnh viện Bạch Mai - nơi có nhiều chuyên khoa đầu ngành để có thể phối hợp điều trị cho bệnh nhân.

Từ Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân Quyên được chuyển lên Khoa Nội tiết-Đái tháo đường với những triệu chứng tim mạch nặng: nhịp tim nhanh thường xuyên ở mức 130-140 lần/phút, huyết áp dao động thất thường, lúc cao vọt lên đến 220/110 mmHg, lúc tụt xuống 70/40 mmHg.

Ngoài ra, bệnh nhân còn bị sốt cao 40 độ liên tục, rét run… Tình trạng bệnh nhân lúc đó cực kỳ nguy hiểm, có nguy cơ xuất huyết não và tử vong bất cứ lúc nào.

Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Vũ Thị Thục Trang, Khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai - người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân - cho biết: Chị Quyên là một trong những bệnh nhân khó và phức tạp mà Khoa Nội tiết từng điều trị.

"Trường hợp này là một ca bệnh khó và rất nặng, cần phải khẩn trương chẩn đoán và điều trị kịp thời. Cả khoa đã hội chẩn cấp cứu và hoạch định chiến lược điều trị cho bệnh nhân. Đồng loạt các chỉ định xét nghiệm, siêu âm, chụp chiếu được tiến hành khẩn cấp… Kết quả xét nghiệm và thăm dò cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị mắc pheochromocytoma trên nền basedow", bác sĩ Trang cho hay.

Các bác sĩ đã kịp thời cho thuốc chẹn alpha, thuốc kháng giáp trạng, truyền dịch để kiểm soát huyết áp và các triệu chứng tim mạch.

Tuy nhiên, trong quá trình điều trị có những thời điểm huyết áp của bệnh nhân tăng vọt lên hơn 200/100mmHg, nguy cơ đe dọa xuất huyết não, tử vong.

Ngay sau đó, huyết áp bệnh nhân lại tụt nhanh xuống 70/40mmHg, thêm vào đó tim bệnh nhân luôn đập với tần số lên đến 140 chu kỳ/ phút, có nguy cơ suy tim cấp.

Có những thời điểm, bệnh nhân sốt cao, sốt rét run liên tục, nhiệt độ lên đến 41 độ C. Kết quả cấy máu phát hiện bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết do Acinetobacter baumannii - là loại vi khuẩn rất nguy hiểm.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân Quyên có đến 3 bệnh nặng cùng lúc là khối u thượng thận (Pheochromocytoma) kích thước lên đến 12 cm, cường giáp nặng kéo dài nhiều năm và nhiễm khuẩn huyết nặng.

Pheochromocytoma là một dạng u phần tủy của tuyến thượng thận, tăng tiết các hormone gây tăng huyết áp cơn, xảy ra ở khoảng 0,2% số bệnh nhân bị tăng huyết áp. Basedow là bệnh cường giáp gây tim đập nhanh, gầy sút, rối loạn thần kinh và tiêu hóa...

Theo chuyên gia này, sự chồng chéo của các triệu chứng liên quan đến hai bệnh pheochromocytoma và basedow có thể làm sai lệch chẩn đoán giữa hai bệnh, trong khi biến chứng của một trong hai bệnh đều có thể gây ra tử vong rất cao.

Về vấn đề tiên lượng, cả hai bệnh lý đều tác động nghiêm trọng đến hệ tim mạch, những khó khăn trong việc điều trị đồng thời có thể làm xấu đi tiên lượng.

Phương pháp điều trị tốt nhất là cắt bỏ khối u thượng thận càng sớm càng tốt, nhưng không thể thực hiện được khi bệnh nhân vẫn cường giáp và còn sốt.

"Chúng tôi phải điều trị đồng thời 3 bệnh cùng lúc và tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể trạng cho người bệnh. Bên cạnh đó, giám sát theo dõi từng chỉ số, từng diễn biến nhỏ nhất của người bệnh.

Sau 3 tuần điều trị tích cực, khi tình trạng cường giáp giảm, hết nhiễm khuẩn, huyết áp được kiểm soát ổn định, bệnh nhân được phẫu thuật cắt u thượng thận thành công tại Khoa Phẫu thuật Gan mật tụy", bác sĩ Bảy cho hay.