Cứu sống bệnh nhân Covid-19 bằng mọi giá

NDO -

Bằng nỗ lực hết mình, đội ngũ y bác sĩ tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Đà Nẵng đang chạy đua với thời gian để giành giật lại sự sống cho bệnh nhân.

Đà Nẵng nỗ lực điều trị bệnh nhân Covid-19 với nhiều bệnh nền.
Đà Nẵng nỗ lực điều trị bệnh nhân Covid-19 với nhiều bệnh nền.

Nỗ lực giảm tỉ lệ tử vong

Mỗi lần cứu sống được bệnh nhân đều trở thành động lực để các y bác sĩ tuyến đầu có thêm nguồn động viên, tiếp tục cống hiến hết mình.

Hiện Đà Nẵng đang áp dụng phân tầng điều trị bệnh nhân Covid-19 ở mức trên bệnh nhân tại 3 bệnh viện gồm Bệnh viện dã chiến ký túc xá phía tây (điều trị bệnh nhân không triệu chứng, triệu chứng nhẹ); Trung tâm y tế huyện Hòa Vang (điều trị bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, ưu tiên sản phụ) và Bệnh viện Phổi (điều trị bệnh nhân triệu chứng nặng, bệnh nặng, bệnh nguy kịch). Hiện các bệnh viện đang điều trị cho 1.681 bệnh nhân mắc Covid-19.

Nhiều ngày qua, đội ngũ y bác sĩ và ê-kip hồi sức tích cực của Bệnh viện Đà Nẵng luôn túc trực 24/24 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, với tâm niệm bằng mọi giá giành lại sự sống cho bệnh nhân. Hiện nơi đây đang điều trị 75 bệnh nhân, trong đó có 65 ca bệnh nặng. Nặng nhất là các trường hợp thở máy và ECMO oxy hóa màng ngoài cơ thể, các bệnh nhân thở máy xâm lấn và lọc máu liên tục. Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho biết: một ca điều trị kéo dài khi bệnh nhân có chuyển biến nặng, tiên lượng xấu, để cứu sống, phải sử dụng đến máy thở, ECMO, hay sử dụng thiết bị thở oxy dòng cao HFNC với chi phí tiền tỷ. Việc sớm phân tầng điều trị, sẽ nhanh chóng giảm các ca biến chứng nặng, mang lại nhiều cơ hội sống cho bệnh nhân.

Rất nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 mang bệnh nền biến chứng nặng, đã được các y bác sĩ chạy đua từng giây, từng phút cứu sống trong gang tấc. Như bệnh nhân 101 tuổi N.T.B trú xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, có tiền sử huyết áp và suy thận; bệnh nhân N.C (86 tuổi, ở tổ 7, thôn An Ngãi Tây, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) vào viện điều trị Covid-19 với bệnh kèm theo là u ác tiến tuyền liệt; bệnh nhân T.T.M (92 tuổi, ở phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) vào viện ngày 21/8 với bệnh lý kèm theo là đái tháo đường không phụ thuộc insuline và tăng huyết áp; Bệnh nhân  N.T.M (23 tuổi, trú Quế Long, Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), nhiễm Covid-19 và bị hội chứng bão cytokine, đã phải qua 3 lần lọc máu thở oxy dòng cao, dùng kháng sinh phổ rộng phối hợp…

Đồng hồ chỉ 23 giờ đêm, bác sĩ Phạm Minh An, 29 tuổi, Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đà Nẵng, vừa kết thúc một đợt thăm khám cho các bệnh nhân nặng. Công việc đó, bác sĩ An cùng các đồng nghiệp đã thực hiện hơn hai tháng nay tại Bệnh viện phổi Đà Nẵng, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh tại Đà Nẵng.

Năm 2020, khi Đà Nẵng trở thành tâm dịch, bác sĩ Phạm Minh An, là một trong những y bác sĩ của bệnh viện Đà Nẵng, bắt đầu cuộc chiến chăm sóc, điều trị trực tiếp cho các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, có bệnh nền. Đã quen với cường độ và yêu cầu nghiêm ngặt, khắt khe của công việc tại phòng bệnh nặng hồi sức tích cực. Nhưng hiện tại, áp lực lớn hơn khi số ca nhiễm tăng cao, nhiều bệnh nhân trở nặng quá nhanh buộc phải can thiệp bằng máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại.

Hai tháng qua, bác sĩ An cùng đồng nghiệp trực chiến tại Bệnh viện Phổi. Tất cả thay nhau chăm sóc toàn diện và theo dõi từng chuyển biến của các bệnh nhân. Trực tiếp phụ trách một nhóm điều trị bệnh nặng, ngoài việc trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, điện thoại bác sĩ An luôn phải mở 24/24 để kịp thời có mặt, hỗ trợ các đồng nghiệp xử lý các tình huống bệnh nguy kịch.

“Đã quá quen với áp lực tuyến đầu nơi lằn ranh sinh tử của một đời người. Nếu được gửi một điều ước lúc này, em chỉ mong sao tất cả bệnh nhân đều được điều trị khỏi bệnh, ít bệnh nặng. Là bác sĩ, điều trị bệnh nặng không buồn, không lo lắng nhưng khi đã làm hết sức mình mà bệnh nhân vẫn tử vong, đó là nỗi đau, nỗi buồn quá lớn”, bác sĩ Phạm Minh An xúc động nói.

Những ngày này, khi Đà Nẵng đang giãn cách toàn thành phố. An nói rằng, ở tuyến đầu vất vả mấy cũng vượt qua, áp lực mấy cũng chịu được, nhưng An không dấu được cảm xúc của mình rằng “giờ em rất nhớ vợ bầu thôi. Vợ em đang mang thai con đầu lòng!”.

Ca mổ cứu sống trẻ sơ sinh bị ngạt thở, mắc Covid-19

Chị L. T. M. M (26 tuổi, mã BN 411171), được xác định mắc Covid-19 cùng ngày sinh con (27/8). Chị L. T. M. M có tiền sử đái tháo đường từ tuần 25 của thai kỳ, đặc biệt, có cả tình trạng suy thai mạn tính.

Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Hoà Vang khẳng định: “Quyết định mổ chủ động của chúng tôi lúc đó nhằm bảo đảm an toàn cao cho cả thai phụ đang là bệnh nhân Covid-19 và trẻ sơ sinh. Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã hỗ trợ kịp thời và nhanh chóng vận chuyển nhiều dụng cụ phẫu thuật, các thiết bị chăm sóc chuyên dụng trong sản nhi đến Trung tâm y tế huyện Hoà Vang. Và ca mổ can thiệp phẫu thuật bắt con rất thành công”.

Đúng 20 giờ đêm 27/8, ca mổ diễn ra thành công nhưng sau sinh, trẻ không thở. Ngay lập tức các y bác sĩ đã tiến hành hồi sức bóp bóng, đặt nội khí quản thở máy, trẻ dần cải thiện hơn, có nhịp tự thở hiệu quả. Sau đó rút nội khí quản cho trẻ thở không xâm lấn qua ngạnh mũi và chuyển phòng hồi sức sơ sinh. Bé đẻ non 35 tuần, cân nặng 2.000 kg, trẻ bị thiểu ối, suy thai và nhiễm trùng từ trong bụng mẹ, vừa chào đời đã hạ đường huyết, phơi nhiễm Covid-19, biến chứng suy hô hấp nặng… Nhưng tất cả đã qua, niềm hạnh phúc nhân lên, khi cả mẹ và em bé đã được điều trị khỏi bệnh và xuất viện ngày 5/9.

Đầu tuyến, có những lặng thầm không thể đong đếm, đội ngũ các y bác sĩ Đà Nẵng đang dồn sức để điều trị cho bệnh nhân Covid-19, bất kể ngày đêm. Có những hy sinh, không thể nói bằng lời.