Chị C.J.Yu., 34 tuổi, quốc tịch Đài Loan (Trung Quốc), đang công tác tại Bình Dương và Đồng Nai. Tại Đài Loan (Trung Quốc), chị được chẩn đoán lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung và được cho điều trị nội khoa (uống thuốc) trong thời gian 5 tháng.
Khi đến Việt Nam công tác, chị đang dùng thuốc theo toa và tình trạng vẫn ổn định. Đến ngày 23/6, chị bị xuất huyết âm đạo nhưng một phần vì bận công việc, một phần vì ngại với đồng nghiệp nên chị bỏ qua.
Tuy nhiên, đến khoảng 10 giờ sáng ngày 26/6, chị C.J.Yu. bị xuất huyết nặng, sốt mất máu được đồng nghiệp đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Mỹ Đức, Phú Nhuận.
Nhận định đây là một trường hợp bệnh nặng và khẩn cấp, ê-kíp trực tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận đã kích hoạt hệ thống báo động đỏ nội viện và tiến hành xử trí theo phác đồ chống sốc.
Chị C.J.Yu được truyền dịch, sử dụng thuốc cầm máu và truyền 2 đơn vị máu từ ngân hàng máu của bệnh viện. Mặc dù chị đã phần nào tỉnh táo, tiếp xúc tốt nhưng xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân vẫn trong tình trạng thiếu máu nặng và chỉ trong đêm 26/6, khoảng 1,3 lít máu tiếp tục chảy ra từ âm đạo.
Tại thời điểm này, chị C.J.Yu được chẩn đoán là một trường hợp cường kinh (ra máu âm đạo lượng nhiều), thiếu máu nặng trên bệnh nhân adenomyosis không đáp ứng với điều trị nội (dùng thuốc uống).
Dưới sự chủ trì của Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thuỷ, các bác sĩ xác định phải lập tức mổ cấp cứu để kiểm tra, có khả năng phải cắt bỏ tử cung do bệnh nhân bị mất máu quá nhiều. Nếu không phẫu thuật kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn đông máu (máu chảy mà không cầm được), từ đó dẫn đến suy gan, suy thận và ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.
Đây là một tình huống khó khăn cho đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận, cả về pháp lý (chị C.J.Yu là người nước ngoài, lại không có người thân đi cùng) lẫn chuyên môn (bệnh nhân đã lập gia đình mà chưa có con nên việc phải cắt bỏ tử cung là một quyết định rất lớn).
Các bác sĩ và nhân viên y tế Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận đã nỗ lực thuyết phục, giải thích cặn kẽ về tình trạng bệnh, các nguy cơ và lợi ích của các phương án. Sau khi trao đổi với gia đình qua Facetime, chị đã quyết định đặt hết niềm tin vào các bác sĩ tại bệnh viện và đồng ý làm phẫu thuật.
Đúng 12 giờ 40 phút ngày 27/6, ê-kíp phẫu thuật do Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy làm phẫu thuật viên chính đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Mặc dù tâm thế của ê-kíp phẫu thuật là nỗ lực tối đa để giữ lại tử cung cho chị C.J.Yu nhưng toàn bộ tử cung đã bị biến dạng vì các khối u có kích thước từ 2cm đến 7cm nằm khắp nơi trong tử cung. Nếu tiếp tục bóc tách các khối u này để giữ tử cung thì nguy cơ rất cao.
Sau khi khảo sát và cân nhắc hết các khả năng, ê-kíp phẫu thuật đã quyết định phải cắt bỏ tử cung, giữ lại hai buồng trứng với hy vọng chị C.J.Yu có khả năng điều trị thụ tinh trong ống nghiệm bằng phương pháp mang thai hộ sau này.
Sau 5 ngày được điều trị và chăm sóc tại bệnh viện, sức khỏe chị đã dần hồi phục, ăn uống ngon hơn, sắc mặt tươi tắn hồng hào hơn rất nhiều.
Tiến sĩ Huỳnh Thị Thu Thuỷ cho biết, lạc nội mạc tử cung trong cơ là một bệnh lý phổ biến, xuất hiện ở khoảng 30-60% phụ nữ thuộc lứa tuổi sinh sản. Đây là một bệnh lý lành tính nhưng có thể ảnh hưởng đến khả năng có con cũng như ảnh hưởng đến sức khoẻ của người phụ nữ như trong trường hợp chị C.J.Yu. Do đó, khám phụ khoa định kỳ là hết sức cần thiết.