Cựu chiến binh thi đua làm giàu và xây dựng quê hương

Trở về cuộc sống đời thường sau những năm tháng cống hiến tuổi xuân, sức trẻ để bảo vệ Tổ quốc, các thế hệ cựu chiến binh tỉnh Kiên Giang hôm nay luôn tìm cách phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
0:00 / 0:00
0:00
Cựu chiến binh Phạm Hiếu Giáp (bên phải), nuôi 6 nhà yến, cho thu nhập bình quân gần 2 tỷ đồng/năm.
Cựu chiến binh Phạm Hiếu Giáp (bên phải), nuôi 6 nhà yến, cho thu nhập bình quân gần 2 tỷ đồng/năm.

Các phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”; “Cựu chiến binh gương mẫu”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được các cấp Hội và hội viên Cựu chiến binh tham gia tạo sức lan tỏa rộng khắp...

Thi đua làm giàu

Rời quân ngũ sau khi đã làm tròn trách nhiệm với đất nước, ông Phạm Hiếu Giáp (63 tuổi, quê ở tỉnh Thái Bình) về ấp Tân Hưng, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang mua hơn 30 công (sào) đất để trồng lúa.

Đầu những năm 2000, phong trào nuôi yến ở Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển mạnh, ông Giáp lặn lội đến học hỏi và trở thành một trong những người đi đầu trong việc nuôi yến lấy tổ ở Kiên Giang từ năm 2009.

Hiện nay, gia đình ông Giáp có sáu nhà yến, tổng diện tích sàn hơn 600 m2, mỗi năm thu hoạch hơn 100 kg tổ yến thô, đạt lợi nhuận gần 2 tỷ đồng.

Ông Giáp kể: “Khoảng 12-13 năm trước, người dân nói tôi làm nhà cho “chim trời, cá nước”. Tôi đã chứng minh cho bà con thấy nghề “hái lộc trời” này cho thu nhập cao và ổn định”.

Thấy ông Giáp nuôi yến hiệu quả, người dân trong và ngoài tỉnh Kiên Giang đến thuê ông làm nhà yến. Vậy là gia đình ông Giáp có thêm nghề thiết kế, xây dựng, cung cấp thiết bị xây nhà yến.

Căn nhà đồ sộ trị giá hàng tỷ đồng của ông Phạm Hiếu Giáp cách xa dân cư, hằng ngày đón tiếp nhiều người đến học hỏi và được ông chia sẻ kinh nghiệm xây nhà, nuôi yến và làm giàu từ yến...

Đã chạng vạng tối nhưng ông Đặng Văn Khiêm ở khu phố Phước Thới, thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang vẫn miệt mài thu gom cây chuối, vớt lục bình chuẩn bị cho đàn heo gần 100 con ăn.

Ông Khiêm tham gia bộ đội địa phương từ lúc 16 tuổi, nay đã 75 tuổi nhưng vẫn còn rắn rỏi. Ông Khiêm chia sẻ: “Giống heo rừng lai này tuy dễ nuôi, nhưng phải biết tập tính của chúng, chịu khó tìm cây, cỏ cho chúng ăn, vừa đỡ tốn chi phí, heo lại không bị bệnh”.

Mô hình nuôi heo rừng lai sinh sản như một duyên tình cờ với gia đình ông Khiêm.

Ông Khiêm nhớ lại: “Cuối năm 2017, qua các phương tiện thông tin đại chúng, biết được một số địa phương ở miền Đông Nam Bộ nuôi heo rừng lai hiệu quả, tôi tìm đến học hỏi rồi xây chuồng, mang bốn con giống về nuôi sinh sản. Năm thứ hai, đàn heo sinh sản 16 con, tôi tiếp tục giữ lại làm giống…”.

Hiện, gia đình ông Khiêm luôn duy trì đàn heo rừng lai gần 50 con, trong đó có 14 con nái sinh sản. Ngoài bán giống, mỗi năm ông Khiêm còn bán trung bình 60 con heo thịt, ước lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/năm...

Hội Cựu chiến binh tỉnh Kiên Giang hiện có 16 tổ chức hội cấp huyện, 177 tổ chức hội cơ sở, 970 chi hội với hơn 23.000 hội viên. Để giúp hội viên có vốn đầu tư phát triển các ngành nghề sản xuất, kinh doanh gia đình, từ năm 2018 đến nay, Hội nhận vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 600 tỷ đồng cho 6.414 lượt hội viên vay.

Toàn tỉnh có 555 chi hội thành lập tổ góp vốn xoay vòng không lãi hoặc lãi suất thấp để giúp nhau giảm nghèo với số tiền 24 tỷ đồng; cùng với đó, phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ, kiến thức làm kinh tế, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới...

Đến nay, Hội Cựu chiến binh Kiên Giang xây dựng được 27 hợp tác xã, 40 tổ hợp tác, 27 trang trại, 1.238 gia trại, 65 doanh nghiệp và 296 cơ sở kinh doanh nhỏ, giải quyết việc làm cho hàng nghìn hội viên và con em.

Điều này góp phần kéo giảm số hội viên Cựu chiến binh nghèo chỉ còn 241 hộ, chiếm 1,05%; hộ khá, giàu tăng 3,13%. Đến cuối năm 2022, gần 3.000 lượt hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp...

Tích cực xây dựng quê hương

Đầu tháng 9/2023, chúng tôi gặp ông Lê Quang Núi tại nhà riêng ở ấp Hòa Thành, xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Mấy ngày trước, ông Núi tất bật đi vận động tập (vở), viết (bút), cặp sách cho học sinh trên địa bàn huyện nhân dịp khai giảng năm học mới.

Người đảng viên 58 tuổi đảng, 80 tuổi đời này ghi chú vào cuốn tập cũ các con số rất chi tiết: 300 quyển tập, 90 cặp da học sinh, 10 chiếc xe đạp... Thông qua các mối quan hệ, ông Núi đã vận động nhà hảo tâm xây dựng hai cây cầu bằng thép bắc ngang vàm Kinh Tắc, xã Vĩnh Bình Nam trị giá gần ba tỷ đồng.

“Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi được nhiều người cho ở nhờ, chia sẻ từng miếng ăn. Giờ tuổi cao nhưng có điều kiện, tôi nguyện giúp đỡ người nghèo để trả ơn người dân từng che chở, đùm bọc bộ đội - ông bộc bạch.

Ông Lê Quang Núi còn tích cực vận động tặng quà Tết cho hộ nghèo, xây nhà đại đoàn kết và cho hộ nghèo mượn vốn để phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hộ dân gần nhà ông Núi ở ấp Hòa Thành như bà Sơn Thị Thanh, ông Cao Hoàng Nguyên, anh Đặng Thanh Vân luôn xem ông như ân nhân, điểm tựa để vươn lên thoát nghèo.

Sinh ra trong gia đình có 10 anh, chị, em, ông Lê Quang Núi chịu cảnh nghèo khó như nhiều gia đình khác thời loạn lạc. Có tới sáu thành viên trong gia đình ông Núi tham gia cách mạng để giải phóng quê hương.

Riêng ông, suốt cuộc đời binh nghiệp đã tham gia hàng trăm trận đánh ác liệt với bảy lần bị thương, giờ là thương binh hạng 3/4. Ông Lê Quang Núi được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương, huy hiệu các loại...

Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Tòng ở ấp An Lợi, xã Định An, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, sau khi phát triển kinh tế gia đình khá giả đã tích cực tham gia công tác xã hội, chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng cho hội viên và người dân cải thiện cuộc sống.

Ông Tòng luôn năng nổ và đầy trách nhiệm với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh và Nông dân ấp An Lợi, trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, người dân thực hiện tốt các cuộc vận động, chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phổ biến những cách làm hay, mô hình làm ăn hiệu quả.

Nhiều hội viên, người dân tin tưởng làm theo và từng bước thoát nghèo, làm giàu, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương...

Phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nhiều cấp Hội, hội viên Cựu chiến binh tỉnh Kiên Giang đã gương mẫu đi đầu trong các phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Hàng trăm cây cầu, hàng ki-lô-mét đường giao thông nông thôn, hàng chục nghìn mét vuông đất do chính hội viên Cựu chiến binh tỉnh Kiên Giang tham gia đóng góp để mở rộng lộ, xây dựng trường học, trồng cây xanh, bảo vệ cảnh quan môi trường...

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Kiên Giang,Trần Thiện Mỹ cho biết, nhiều hội viên Cựu chiến binh đã thể hiện bản lĩnh, tinh thần tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế gia đình.

Thực tế, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả, thu nhập từ 200 đến 500 triệu đồng/năm từ chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh. Từ đó, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người ở Kiên Giang năm 2023 ước đạt 74 triệu đồng (tăng 17 triệu đồng so với năm 2020).

Đến nay, toàn tỉnh Kiên Giang có 108/116 xã, 5/15 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới; đang trình Hội đồng Trung ương xét công nhận thêm hai huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

“Chúng tôi phấn đấu cuối năm 2023 này, tỷ lệ hội viên nghèo còn 1%; số hộ Cựu chiến binh khá, giàu đạt 50% trở lên và 90% trở lên huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn không còn hộ Cựu chiến binh nghèo. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào Cựu chiến binh gương mẫu trong xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng tỉnh Kiên Giang ngày càng giàu, đẹp”, ông Trần Thiện Mỹ cho biết thêm...