Ông Thăng Văn Báo là một đại diện tiêu biểu của người dân tộc thiểu số (Sán Dìu), điển hình cho hộ kinh doanh, làm nông nghiệp giỏi ở thôn Muối - địa phương nơi ông sinh sống, đồng thời cũng là người được báo cáo thành tích tại Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II. Ông cũng là một trong các gương mặt điển hình tham gia trong buổi giao lưu trực tuyến Gặp gỡ các đại biểu dự Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II tại Tòa soạn Báo Nhân Dân.
Người thay đổi cơ cấu nông nghiệp thôn Muối
Ông Báo là một người chiến sĩ, từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Tháng 2-1986, ông xuất ngũ về địa phương, xây dựng gia đình. Trong khoảng tám năm, kể từ khi xuất ngũ, gia đình ông chủ yếu làm nông nghiệp, trồng cây hoa màu và chăn nuôi nhỏ lẻ, hầu hết là cây giá trị, sản lượng thấp, thu nhập bình quân chỉ đủ ăn, chứ không dư giả.
Trăn trở về bài toán kinh tế của gia đình, ông Thăng Văn Báo cũng làm thêm nương, thêm rẫy nhưng vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Đến năm 1994 được Đảng, nhà nước và các cấp chính quyền quan tâm, cùng với quyết tâm muốn vươn lên trong cuộc sống, ông đã thay đổi tư duy và hình thức canh tác. Ông góp công vận động, thay đổi nhận thức của người dân trong thôn chuyển đổi từ trồng hoa màu sang trồng cây vải thiều. Ban đầu chỉ một vài hộ tham gia, nhưng về sau, nhận thấy sự cải thiện rõ rệt về kinh tế của việc trồng vải, phần lớn người dân trong thôn nghe theo, thay đổi cơ cấu trồng trọt.
Ông Thăng Văn Báo chia sẻ: “Vận động người dân tộc thiểu số, kiến thức chưa nhiều, là một việc không hề dễ dàng. Mình phải là người đi tiên phong, phải làm gương, làm mẫu cho bà con, để họ nhìn thấy lợi ích từ việc thay đổi, họ mới sẵn sàng nghe và làm theo…”.
Nhờ người dân thôn Muối tích cực học hỏi, tham gia các lớp tập huấn về nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng các kỹ thuật học được vào việc tỉa cành, bón phân, dùng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, cho nên cây vải trồng ở đây trở thành đặc sản với quả to, mẫu mã đẹp, hạt nhỏ, thơm, ngọt đặc biệt... Kỹ thuật trồng vải của bà con thôn Muối cũng được ông Thăng Văn Báo phổ biến và hướng dẫn tận tình để ngày càng nâng cao và phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường hiện nay.
Ông tự hào: “Tổng thu nhập hàng năm của gia đình tôi đạt 350 triệu đồng, bình quân thu nhập sau khi trừ chi phí đạt 45 triệu đồng/khẩu/năm. Hàng năm, gia đình tôi luôn đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương, thu nhập năm sau luôn cao hơn năm trước”.
Với vai trò, trách nhiệm là đại biểu Hội đồng nhân dân xã, Trưởng thôn, ông là người luôn mong muốn chia sẻ thành công, kinh nghiệm của mình cho bà con trong thôn, để mọi nhà đều được no đủ. Học hỏi từ tấm gương đi trước của ông, người dân thôn Muối giờ đây đã có kỹ thuật trồng trọt tốt, nâng cao năng suất và sản lượng vải thiều hàng năm. Tới nay, bình quân thu nhập đầu người các hộ trong thôn đạt 56 triệu đồng/người/năm. Từ đó, từng bước hình thành mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, hỗ trợ lẫn nhau để phát triển kinh tế thôn, xóm, góp phần xây dựng địa phương ngày càng văn minh, giàu đẹp. Năm 2019, thôn Muối đón tiếp nhiều đoàn khách từ Trung ương, tới các bộ, ngành về thăm quan.
Vận động dân hiến đất làm hơn 1.100 mét đường
Trước đây, giao thông của thôn có đôi chút khó khăn, khi được chính quyền địa phương cấp kinh phí làm đường, ông Thăng Văn Báo lại một lần nữa đứng ra vận động bà con góp đất hoặc tiền. Để thôn có một con đường đẹp, đi lại thuận tiện, dễ dàng, người dân thôn Muối không ngần ngại góp đất làm đường.
Cụ thể, ông Báo vận động 328 hộ dân hiến đất với diện tích 31.611 mét vuông, 40 hộ tự tháo dỡ vành lao với chiều dài 1.948,9 mét, tám hộ tự tháo dỡ cổng vào nhà, các hộ dân trong thôn đối ứng 5,5 tỷ đồng cứng hóa 18.543 mét (bình quân 13,8 triệu đồng/hộ, 3,2 triệu đồng/khẩu) trong việc xây dựng đường giao thông theo Nghị quyết số 07 của Hội đồng nhân dân tỉnh từ cổng thôn Muối đến Quốc lộ 31 với chiều dài 1.115 mét, chiều rộng 5 mét.
Đây là con đường giúp nhân dân thôn Muối đi lại thuận tiện và là niềm tự hào của tất cả người dân trong thôn. Thôn Muối là thôn đầu tiên của xã Giáp Sơn đạt các tiêu chí nông thôn mới, và đang trên đà tiến tới mô hình nông thôn mới kiểu mẫu.
Năm 2007, ông Thăng Văn Báo được bầu làm Chi hội trưởng hội Cựu chiến binh địa phương. Đến năm 2011 ông được bầu làm “Người uy tín” trong thôn, đại biểu Hội đồng Nhân dân xã. Từ năm 2013 đến nay, ông được bà con tin tưởng, bầu làm trưởng thôn. Dù ở vị trí nào, ông cũng luôn làm hết trách nhiệm của mình, nhiệt tình trong việc thay đổi diện mạo cho thôn Muối, cũng như góp phần hỗ trợ cải thiện kinh tế cho bà con.
Ông Thăng Văn Báo cũng đã vận động các gia đình cho trẻ em đi học đầy đủ. Tại thôn, chính quyền đã hỗ trợ xây một trường mầm non và một trường tiểu học. Người dân thôn Muối không còn nhà tạm, nhà dột nát, kể cả ở những hộ còn khó khăn. Ông không giấu niềm tự hào cho hay: “Thôn có 399 hộ, cho tới nay chỉ còn sáu hộ nghèo. Những hộ nghèo này luôn được nhận sự hỗ trợ Đảng và các cấp chính quyền, ngoài ra thôn cũng có một quỹ để giúp đỡ, động viên bà con vươn lên vượt khó”.
Ông vận động bà con tham gia bảo hiểm và xây nhà tiêu hợp vệ sinh. “Trước đây một phần do kinh tế khó khăn, một phần do lối suy nghĩ còn lạc hậu của bà con, nhiều gia đình chưa xây nhà tiêu hợp vệ sinh, dẫn đến tình trạng môi trường bị ô nhiễm. Có người lại ngại đi khám chữa bệnh tại trạm xá mà tự chữa trị ở nhà. Nay y tế thôn phát triển, nhờ tuyên truyền, vận động nên người dân đã thay đổi nhận thức về việc bảo vệ môi trường, thường xuyên làm vệ sinh nơi ở, xây nhà tiêu hợp vệ sinh. Nước sạch đã về đến tận thôn nên tình trạng người dân mắc bệnh do nguồn nước, do vệ sinh không còn”, ông chia sẻ.
Đau đáu giữ gìn văn hóa dân tộc Sán Dìu
Khi được bầu làm Trưởng thôn, điều khó khăn nhất đối với ông là thôn Muối chưa có nhà sinh hoạt văn hóa. Trước băn khoăn này, ông lại cùng các cán bộ thôn, xã đi vận động bà con xây dựng nhà văn hóa. Hằng năm, nơi đây trở thành địa điểm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn và ý nghĩa được người dân đón chờ.
Ông cho biết, hoạt động bóng chuyền cho các lớp thanh, thiếu niên thường xuyên diễn ra. Hoạt động bóng đá, với cơ cấu giải thưởng nhỏ của thôn được ông đứng ra tổ chức vào dịp Tết, một phần nâng cao sức khỏe cho thanh niên trong thôn, một phần giúp họ tránh xa bia rượu, sinh hoạt lành mạnh hơn trong những ngày Tết cổ truyền dân tộc.
Người Sán Dìu có hình thức hát đối nam nữ (Soọng Cô), ông Báo cho biết, ông cùng chính quyền xã đang cố gắng giữ gìn và lưu truyền loại hình nghệ thuật này cho các thế hệ trẻ mai sau. Ngoài ra ông còn tổ chức nhiều buổi giao lưu giữa nhiều thế hệ trong thôn để tìm hiểu về những giá trị văn hóa truyền thống còn lại của người Sán Dìu.
Dân tộc Sán Dìu chỉ có nói, hát, không có chữ viết riêng. Ông Báo lại thành lập câu lạc bộ dạy chữ Nho cho người cao tuổi và các em nhỏ. Phụ nữ Sán Dìu thường mặc chiếc váy đặc trưng của dân tộc mình, với những nét riêng độc đáo, váy màu đen, không khâu, thường là hai hoặc bốn mảnh đính trên một cạp. Họ quấn xà cạp bằng vải màu trắng hoặc nâu. Đàn ông thường mặc quần áo nâu hoặc đen, bên trong mặc áo trắng để gìn giữ văn hóa trang phục cổ của người Sán Dìu. Ông Báo cũng hy vọng dưới đà hội nhập nhanh chóng của thôn Muối, lớp trẻ ngày nay vẫn nên cố gắng lưu giữ và mặc những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Tuy tuổi đã cao, nhưng ông Báo vẫn tích cực tham gia các công tác xã hội ở thôn Muối. Người lính già năm xưa chia sẻ, có thể sau này ông không còn đủ sức khỏe để làm các công tác cộng đồng, ông cũng sẽ cố gắng dìu dắt lớp trẻ để họ có thể nối tiếp phong trào phát triển nông thôn mới. Ông vẫn luôn là “Người uy tín” trong lòng người dân, tấm gương điển hình người dân tộc thiểu số trong sản xuất kinh doanh giỏi và vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới.