Nhớ lại những ngày đầu kháng chiến, một vấn đề đặt ra là, nhân dân ta còn đói ăn, thiếu mặc, vậy phải xây dựng một nền kinh tế - xã hội như thế nào để có thể ăn no, đánh thắng? Bài toán đặt ra đã được Ðảng và toàn dân ta giải đáp một cách xuất sắc, đem lại thành công.
Kinh nghiệm lịch sử xa xưa cho thấy: Trong kháng chiến chống Nguyên - Mông thế kỷ 13, nhà Trần đã xây dựng được một xã hội vững mạnh, như Anh hùng dân tộc Hưng Ðạo Ðại Vương đã khái quát là: Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước đấu sức lại mà đánh nên đã giành đại thắng. Ðến kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn dân xây dựng một xã hội, trong đó: "Nhân dân ta đã kết thành một khối rắn như đá, vững như đồng... Nhờ sự đoàn kết chặt chẽ và anh dũng hy sinh của toàn quân và dân ta, chúng ta đã đại thắng". Vậy chúng ta đã làm gì để có được khối đoàn kết "rắn như đá, vững như đồng", giành được thắng lợi cho kháng chiến ?
1 - Trước hết là chăm lo cải thiện đời sống nhân dân: Ðể đạt được mục tiêu chung là "diệt ngoại xâm" trước hết phải chăm lo "diệt đói, diệt dốt". Ba mục tiêu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra cho thi đua yêu nước là "diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm". Trách nhiệm trước hết thuộc về Chính phủ. Nếu dân đói là Chính phủ có lỗi. Nếu dân dốt là Chính phủ có lỗi. Toàn dân thi đua tăng gia sản xuất, tăng gia sản xuất nhiều, tăng gia sản xuất mãi. Nhờ vậy mà từ nhà nông, đến nhà khoa học, các nhà văn hóa nghệ thuật, mọi người đều chăm lo phục vụ nông nghiệp, dần tiến tới đủ ăn, đủ mặc cho nhân dân và quân đội. Một số lượng rất lớn lương thực, thực phẩm cung cấp cho chiến dịch Ðiện Biên Phủ đã chứng minh cho thành công về kinh tế của chúng ta. Những anh hùng, chiến sĩ thi đua nông nghiệp, mà tiêu biểu là Hoàng Hanh, Trịnh Xuân Bái đã xuất hiện trong một phong trào thi đua "diệt giặc dốt" để thắng ngoại xâm như thế.
Thi đua "diệt dốt" cũng sôi nổi không kém gì "diệt đói". Toàn dân tham gia phong trào "xóa nạn mù chữ". Nhà nhà lo học, người người lo học. Học trên đồng ruộng, học cạnh chiến trường. Những sáng tạo trong dạy và học vỡ lòng rất lý thú đã đi vào lịch sử. Người biết chữ dạy người chưa biết, người biết nhiều dạy người biết ít. Chỉ qua hai năm, đã có những huyện, những tỉnh, như tỉnh Thái Bình được công nhận thoát nạn mù chữ.
2 - Xây dựng nền kinh tế: Thực hiện Chương trình cứu nước của Mặt trận Việt Minh được đề ra từ Cách mạng Tháng Tám là: Sau khi giành được độc lập phải kiến thiết, nền "tân dân chủ" tức nền "dân chủ mới" còn gọi là nền "dân chủ nhân dân", bốn thành phần kinh tế tương ứng với bốn giai tầng xã hội là: công nhân, nông dân, tiểu tư sản và tư sản dân tộc. Ðiều quan trọng trong xây dựng đời sống xã hội là phát huy tác dụng của các thành phần kinh tế kể trên. Kinh tế kháng chiến căn bản là tự cấp, tự túc nhưng được tự do phát triển đã bảo đảm được nhu cầu kháng chiến và sinh hoạt tối thiểu của nhân dân... Chúng ta đã phát huy được tác dụng của một số nhà tư sản dân tộc như Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà và nhiều người khác. Ðáng kể như ở vùng tự do Liên khu 5, tuy bốn bề bị địch bao vây, phong tỏa, nhưng đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân vẫn được bảo đảm. Tự do sáng tạo của nhân dân đã góp phần đáng kể vào việc vượt qua khó khăn về kinh tế - xã hội trong kháng chiến.
3 - Thực hiện "công bằng xã hội thời chiến": Bình diện của công bằng xã hội lúc đó là "nghĩa vụ ngang nhau, quyền lợi như nhau". Mọi người, không phân biệt gái trai, già trẻ, giàu nghèo, thành thị nông thôn, miền xuôi miền ngược đều có nghĩa vụ kháng chiến. Mặt khác, quyền lợi được hưởng theo sức lao động và cống hiến xã hội của mình, từng bước xóa bỏ bóc lột, bất công. Vì vậy, khoảng cách giàu nghèo vùng, miền không lớn, khoảng cách giữa nông dân với địa chủ được giảm dần bằng những biện pháp giảm tô, giảm tức, được Chính phủ ban hành từ 1945 - 1949. Do chính sách "thuế nông nghiệp": thu theo lũy tiến lợi tức, nhiều địa chủ đã "hiến điền", được Chính phủ chấp nhận. Vì vậy ruộng đất đã chuyển dịch một phần từ địa chủ, phú nông về tay nông dân lao động. Tới cuối năm 1953 Ðảng và Chính phủ phát động cuộc đấu tranh giảm tô, tiếp theo là cải cách ruộng đất nhằm giải quyết công bằng xã hội trong đời sống kinh tế ở nông thôn.
Nét đặc sắc trong bảo đảm công bằng xã hội lúc đó là kiên quyết chống tham nhũng. Vụ án xử tử đại tá Trần Dụ Châu là biểu hiện điển hình của quyết tâm chống tham nhũng của Ðảng và Chính phủ. Ðồng thời sự giám sát của toàn dân đối với các ngành kinh tế, hành chính sự nghiệp, quản lý xã hội, đã có tác dụng rất lớn.
4 - Xây dựng nền văn hóa kháng chiến: "Diệt đói, diệt dốt" thành công đã tạo điều kiện cho cuộc sống văn hóa, nghệ thuật, khoa học từng bước được nâng cao... xóa nạn mù chữ đi đôi với phát triển bình dân học vụ. Phát triển hệ giáo dục phổ thông
9 năm ba cấp một, hai và ba, đồng thời với mở một số trường dự bị đại học. Cùng với giáo dục, văn hóa - văn nghệ và khoa học - kỹ thuật cũng từng bước phát triển và nâng cao. Các đại hội văn hóa, văn nghệ toàn quốc, các vụ, cục khoa học - kỹ thuật, được thành lập, rồi đến Ban văn sử địa trung ương ra đời năm 1953, đánh dấu sự tăng trưởng về giáo dục văn hóa khoa học trong kháng chiến. Trí thức cũ được bồi dưỡng và trọng dụng, trí thức kháng chiến kiến quốc còn lưu danh đến hiện nay như Trần Ðại Nghĩa, Trần Huy Liệu, Tôn Quang Phiệt, Ðặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Trần Ðức Thảo, Vũ Ngọc Phan, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Huyên, Lương Ðịnh Của, Ðặng Văn Ngữ, Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Lân, Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Ðỗ Nhuận ... Anh hùng, chiến sĩ thi đua đã xuất hiện trong trí thức và văn nghệ sĩ.
Mấy nét lớn kể trên cho phép chúng ta có thể khái quát lại là Việt Nam thời kháng chiến chống thực dân Pháp đã có một cuộc sống đồng cam cộng khổ, dân chủ, công bằng, đoàn kết keo sơn. Ðường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Ðảng và vai trò tiền phong gương mẫu, hy sinh chiến đấu của đảng viên đã góp phần quyết định nhất vào thắng lợi.
Ngày nay chúng ta đang ở trong một thời kỳ mới: Phấn đấu để có được "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Mặt đối lập với các mục tiêu trên chính là "dân nghèo, nước yếu, xã hội mất dân chủ, chưa công bằng và thiếu văn minh". Qua hơn 20 năm đổi mới, chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn trong cuộc đấu tranh này. Nhưng trước mắt nguy cơ, thách thức còn nhiều. Ðại hội X của Ðảng đã chỉ rõ: "Nước ta đang đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp, không thể coi thường bất cứ thách thức nào. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại. Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng...".
Trong các nguy cơ, thách thức đó thì nạn tham nhũng, lãng phí vẫn còn trầm trọng, khoảng cách giữa giàu nghèo và sự chênh lệch giữa các vùng miền vẫn còn tồn tại nặng nề.
Với việc hội nhập quốc tế một cách sáng tạo, đưa đến sự tăng trưởng kinh tế một cách bền vững và với quyết tâm bài trừ tham nhũng, lãng phí, chúng ta tin rằng, nhiệm vụ giảm khoảng cách giàu và sự chênh lệch giữa các vùng, miền nhất định sẽ đem lại hiệu quả. Những bài học lịch sử "đoàn kết rắn như đá, vững như đồng" trong kháng chiến chống thực dân Pháp đang cổ vũ chúng ta.