Cuộc chiến giữ rừng

Không chỉ riêng Tây Nguyên, nạn phá rừng và xâm chiếm đất rừng trong cả nước đang nóng lên từng ngày. Sức nóng của cuộc chiến giữ rừng được truyền thông đại chúng liên tục phản ánh và cảnh báo.
0:00 / 0:00
0:00

Ở đâu đó, lâm tặc ngang nhiên triệt hạ và vận chuyển lâm sản trái phép ngay sát nơi đặt trạm quản lý bảo vệ rừng vì ở đó, lực lượng giữ rừng đã trở nên bất lực hay thậm chí thành những kẻ đồng lõa, cùng chia chác nguồn lợi bất hợp pháp.

Ở đâu đó, xưởng chế biến lâm sản của những đầu nậu tiêu thụ gỗ lậu nằm chềnh ềnh với máy móc cưa xẻ ầm ầm giữa thanh thiên bạch nhật hay trụ sở của ngành chức năng.

Ở đâu đó, những kẻ phá rừng đã trở thành những thế lực côn đồ, đầu gấu, bất chấp pháp luật, dùng hung khí tấn công lực lượng chức năng ngay tại hiện trường phá rừng, thậm chí đốt phá cả cơ quan quản lý bảo vệ rừng và gây thương tích cho người giữ rừng…

Cuộc chiến giữ rừng ngày càng nóng bỏng. Tài nguyên quốc gia bị xâm hại nghiêm trọng và trôi về túi riêng của những kẻ tư lợi trái phép.

Trên những cánh rừng, máu của người giữ rừng đã đổ xuống, tính mạng của họ và ngay cả nhân cách chức phận của họ thường xuyên bị đe dọa từ phía bọn lâm tặc đang càng ngày càng hung hãn hơn, thực hiện nhiều thủ đoạn trắng trợn và tinh vi hơn.

Những báo cáo mới nhất của ngành kiểm lâm các tỉnh Tây Nguyên đều thể hiện tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng có chiều hướng gia tăng và phức tạp hơn những năm trước.

Ở một số điểm nóng phá rừng, trong nhiều năm qua, lâm tặc ngang nhiên phóng xe vận chuyển lâm sản qua các trạm kiểm soát.

Khi lực lượng kiểm lâm báo hiệu kiểm tra, không những không chấp hành mà chúng còn tông gãy barie và làm bị thương cả nhân viên kiểm lâm.

Có xã, huyện, trong thời gian qua, người dân đã lấn chiếm hàng chục, hàng trăm héc-ta rừng để canh tác nông nghiệp.

Ở nơi khác thì hàng chục héc-ta rừng bị triệt hạ để lấy gỗ, chiếm đất, sang nhượng đất rừng trái phép, trong đó có nhiều cán bộ địa phương vì tư lợi cũng góp tay phá rừng.

Họ thường là những người giấu mặt, thuê người khác triệt hạ rừng rồi bao chiếm đất rừng làm vườn hoặc sang nhượng thu lợi...

Rừng là tài nguyên vô giá, là không gian sinh tồn và nhân văn, là bầu phổi điều hòa nhịp thở tự nhiên của quốc gia.

Nhưng tại sao dù đã thực thi rất nhiều giải pháp mà rừng vẫn không ngừng bị xâm hại, triệt hạ?

Tại sao những kẻ phá rừng ngày càng trở nên hung hãn bất chấp luật pháp? Những bất cập này đang đòi hỏi có những giải pháp, cách thức và quyết tâm cao hơn trong việc gìn giữ và bảo vệ rừng.