Cuộc bàn giao "đặc biệt" của tuyến đầu điều trị Covid-19

NDO -

Các bệnh viện lớn chi viện cho TP Hồ Chí Minh đã bàn giao lại các trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 cho ngành y tế thành phố tiếp quản. Họ đã hoàn thành sứ mệnh của lực lượng chi viện với tất cả những kỹ thuật chuyên môn cao nhất và sự hy sinh, cống hiến không mệt mỏi trong suốt hơn 2 tháng qua.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn tin tưởng năng lực y tế của TP Hồ Chí Minh đảm đương sau khi lực lượng chi viện được rút về.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn tin tưởng năng lực y tế của TP Hồ Chí Minh đảm đương sau khi lực lượng chi viện được rút về.

NGÀY TRỞ VỀ CHIẾN THẮNG

Theo kế hoạch rút lực lượng y tế chi viện, trước ngày 15/10, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận bàn giao trung tâm hồi sức của Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nhân Dân Gia định tiếp nhận bàn giao từ Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Nhân Dân 115 tiếp nhận bàn giao từ Bệnh viện Trung ương Huế.

Là đơn vị triển khai sớm nhất, sáng 13/10, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 42 bệnh nhân được bàn giao từ Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Việt Đức.

Tại lễ bàn giao của Bệnh viện Việt Đức ngày 13/10, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình xúc động chia sẻ: "Trong khó khăn, dịch bệnh tôi càng hiểu thêm lời thêm lời thề Hippocrates, mạnh mẽ và hùng dũng thế nào. Tôi đã được chứng kiến từng nhân viên y tế lăn xả, nhận bệnh, kiểm tra hệ thống oxy, lọc máu… chỗ người ta sợ nhất thì nhân viên y tế vẫn lao vào để cứu bệnh nhân, kỷ niệm này không gì tả xiết được".

TS, BS Lưu Quang Thùy, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 Bệnh viện Việt Đức cho biết, trung tâm đã được thiết lập, chính thức đi vào hoạt động và nhận bệnh nhân đầu tiên ngày 11/8. Trung tâm huy động gần 700 nhân viên y tế, trong đó có 605 người của Bệnh viện Việt Đức.

Xây dựng trung tâm từ con số 0, các nhân viên y tế ngày đêm làm việc, học tập với các chuyên gia truyền nhiễm để nâng cao chất lượng điều trị. Bệnh viện cũng đã xây dựng 30 quy trình để vận hành hoạt động của trung tâm, từ lúc người bệnh Covid-19 nhập viện đến khi ra viện, thậm chí cả quy trình xử lý bệnh nhân tử vong, trao trả tài sản, di vật… Cho đến nay, tròn 2 tháng, trung tâm đã điều trị được 971 bệnh nhân nặng; có gần 600 bệnh nhân ra viện.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức cũng hỗ trợ chuyên môn cho 8 bệnh viện trên địa bàn huyện Bình Chánh và quận Bình Tân, hai vùng tâm dịch của TP Hồ Chí Minh. Công việc giữa cuối tháng 8 đầu tháng 9 vô cùng căng thẳng, số lượng bệnh nhân trên địa bàn quá lớn, có những ngày thành phố lên tới hơn 10.000 ca nhiễm, tử vong hơn 300 người. Số lượng bệnh nhân cực kỳ lớn, đặc biệt là các bệnh nhân cần được điều trị tại tầng 3. Tuy nhiên, trung tâm vẫn đứng vững, bình tĩnh nhận tiếp nhận người bệnh và tích cực điều trị chăm sóc người bệnh Covid-19 đến ngày hôm nay.

Cuộc bàn giao lịch sử của tuyến đầu điều trị Covid-19 -0
 Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Việt Đức chỉ còn lại 40 trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch.

“Chúng tôi động viên nhau đồng sức đồng lòng xây dựng trung tâm với mục đích giảm tử vong cho người bệnh Covid-19. Đến ngày hôm nay, có thể coi như chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, chỉ còn lại một số ít bệnh nhân nặng sẽ được bàn giao về Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh để đoàn bác sĩ có thể quay về Hà Nội”, bác sĩ Thùy chia sẻ.

Tại Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến 16 của Bệnh viện Bạch Mai sáng nay cũng đã diễn ra lễ bàn giao trung tâm cho Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

TS, BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 Bạch Mai tại TP Hồ Chí Minh cho biết, ngày 3/8, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận trung tâm hồi sức và trong hơn 2 tháng qua, đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trung tâm đã tiếp nhận hơn 1.300 bệnh nhân Covid-19 nặng, trong đó có 363 ca đã được điều trị qua cơn nguy kịch, chuyển xuống tuyến dưới để tiếp tục điều trị; 213 ca đã được ra viện trong niềm vui và hạnh phúc của người thân và các thầy thuốc, trong đó nhiều ca nguy kịch đã được cứu sống ngoạn mục.

“Chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vượt tất cả tiêu chí chúng ta kỳ vọng liên quan đến áp dụng điều trị, triển khai kỹ thuật hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh. Nhiều kỹ thuật, thủ thuật, những biện pháp điều trị mới lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam đã được triển khai tại trung tâm”, bác sĩ Sơn cho biết.

Bệnh viện cũng chuyển giao hỗ trợ cho các tuyến dưới về mặt chuyên môn, sẵn sàng tiếp nhận các bệnh nhân tuyến dưới chuyển lên và điều trị tối đa cho bệnh nhân tại trung tâm. Việc hỗ trợ này đã giúp cho các tuyến giảm được căng thẳng giai đoạn đầu. Cùng với việc được đào tạo tốt hơn, các nhân viên y tế tuyến dưới tự tin hơn trong tiếp tục điều trị cho bệnh nhân.

Cuộc bàn giao lịch sử của tuyến đầu điều trị Covid-19 -0
 Lực lượng chi viện đã hoàn thành sứ mệnh cùng TP Hồ Chí Minh chống dịch hơn 2 tháng qua.

BS Sơn tâm sự, giai đoạn đầu tiên khi nhận nhiệm vụ thành lập trung tâm hồi sức trên nền tảng cơ sở vật chất rất thiếu thốn, bệnh viện đã phải chuyển rất nhiều trang thiết bị máy móc, thiết lập hệ thống hồi sức cấp cứu và xây dựng quy trình làm việc rất vất vả.

“Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến đại dịch có quy mô ảnh hưởng sâu rộng như vậy tại TP Hồ Chí Minh. Từ con số 0 chúng tôi đã xây dựng hệ thống làm việc ăn khớp tất cả các công đoạn tại trung tâm. Đây là giai đoạn rất vất vả, trải qua nhiều thăng trầm, biến cố để có được một trung tâm tiếp nhận với số lượng bệnh nhân rất lớn”, BS Sơn nói.

Để giúp người bệnh vượt qua được bệnh tật, Bệnh viện Bạch  Mai đã triển khai nhóm tư vấn tâm lý ngay từ giai đoạn đầu của dịch. Nhờ đó, hầu hết trường hợp căng thẳng dù là người bệnh hay nhân viên y tế đều được điều trị bình ổn tâm lý.

Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng tri ân những ân tình và sự sẻ chia của đồng nghiệp Bệnh viện Bạch Mai với nhân dân thành phố: “Có thể 20-30 năm sau chúng ta sẽ nhìn đây như một công trình của thế kỷ. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần, chúng ta đã hoàn thành một trung tâm hồi sức với quy mô 360 giường ICU và 1 bệnh viện dã chiến 2.600 giường. Đặc biệt, nguồn nhân lực Bệnh viện Bạch Mai huy động vào là những thầy thuốc tinh nhuệ nhất, chia sẻ với TP Hồ Chí Minh”.

Qua cuộc chiến này, BS Sơn đánh giá cao sự đoàn kết, đồng lòng của nhân viên y tế Bạch Mai. Tất cả đều phấn đấu tới đích chung là điều trị bệnh nhân tốt nhất, chăm sóc bệnh nhân tốt nhất, giảm tỷ lệ tử vong và đặc biệt làm sao hỗ trợ cho thành phố trên phương diện y tế tốt nhất. “Ý chí của Bạch Mai và niềm tin của Bạch Mai rất quan trọng trong đợt chống dịch”.

BS Sơn bày tỏ: “Chuyến trở về này mang theo nhiều cảm giác vui vẻ, hạnh phúc vì đã giúp được thành phố vượt qua được sự khốc liệt của đại dịch. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không tránh những đau xót vì đã có nhiều bệnh nhân mình chưa thể cứu chữa hết. Chúng tôi cũng bùi ngùi khi có cảm giác mình mất đi cái gì đó khi đã gắn bó với thành phố trong suốt những ngày tháng hối hả vừa qua. Tôi nghĩ, những kỷ niệm này sẽ in mãi trong trí nhớ và trái tim thành viên đoàn công tác”. 

Cuộc bàn giao
Đại diện Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã ký đề án và biên bản bàn giao Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 cho Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Đánh giá cao sự chi viện của lực lượng y tế tuyến Trung ương và các tỉnh, thành phố, PGS, TS Lê Minh Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, cái được lớn nhất trong cuộc chiến này, chính là mọi người đều vượt qua được chính mình, học hỏi được mọi người chung quanh, cảm nhận được tình đồng đội trân quý khi cùng kề vai sát cánh trong những hoàn cảnh cam go nhất. 

Trong cuộc chiến với biến chủng Delta, ngành y tế đã tuột khỏi tay rất nhiều người bệnh. Với các bác sĩ như bác sĩ Khôi, bác sĩ Sơn, chuyện mất mát tử vong không phải chỉ nằm ở con số, mà bởi sự mất mát trong chính trái tim thầy thuốc. “Nếu không quá tải, có lẽ nhiều trường hợp có thể cứu được. Nhưng trong tình huống đó, chúng tôi đã không thể làm gì hơn, đó là một cảm giác tác động tâm lý rất lớn và khốc liệt”, bác sĩ Khôi tâm sự.

SẴN SÀNG TIẾP QUẢN VÀ TIẾP TỤC PHỤNG SỰ NGƯỜI BỆNH

Hoàn thành việc tiếp nhận bệnh nhân tại trung tâm của Bệnh viện Việt Đức, PGS, TS Lê Minh Khôi cho biết, trong chiều 13/10, trung tâm đã đưa các máy móc hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 sang để tiếp nhận nhận bàn giao 42 bệnh nhân nặng, nguy kịch. Trong số này, có khoảng 10 bệnh nhân thở máy.

Cuộc bàn giao lịch sử của tuyến đầu điều trị Covid-19 -0
 Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh tiếp nhận bàn giao của Bệnh viện Việt Đức.

Đến sáng nay, 15/10, trung tâm đã hoàn thành việc vận chuyển toàn bộ số bệnh nhân, trong đó có khoảng 50 ca đang thở máy từ mặt trận phía tây thành phố (Bệnh viện Quốc tế City) về trung tâm hồi sức của Bệnh viện Việt Đức đặt tại Bệnh viện dã chiến 13.

Bác sĩ Khôi bày tỏ, với những nỗ lực và cố gắng của đồng đội, cùng thành tích mà trung tâm đã đạt được như tiếp nhận 681 bệnh nhân nặng và cho xuất viện 392 trường hợp, riêng số ca thở máy đã xuất viện 65 ca, ca thở HFNC xuất viện 155 ca, trung tâm sẵn sàng tiếp quản mặt trận điều trị ở phía nam thành phố được bàn giao từ Bệnh viện Việt Đức.

Bác sĩ Khôi cho biết, có rất nhiều người đã nhiều tháng qua không về nhà vẫn tiếp tục xung phong để bám trụ mặt trận phía nam thành phố. “Có người đi từ Bắc Giang về Củ Chi, Cần Giờ và về trung tâm nhận nhiệm vụ. Khi tiếp nhận trung tâm tại Bệnh viện Việt Đức, họ tiếp tục lên đường. Có rất nhiều bác sĩ trẻ dù con còn nhỏ nhưng vẫn xung phong ra trận, nhớ con khóc vẫn tiếp tục chiến đấu. Đó là điều đáng quý”, bác sĩ Khôi tâm sự.

Cuộc bàn giao
 Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh vận chuyển bệnh nhân về trung tâm của Bệnh viện Việt Đức.

Hoàn thành nhiệm vụ chi viện, TS, BS Đỗ Ngọc Sơn bày tỏ, trước mắt, TP Hồ Chí Minh sẽ vẫn có một số khó khăn do lực y tế tham gia chống dịch thời gian dài đã rất mệt mỏi. Mặc dù số lượng bệnh nhân giảm rất nhiều, nhưng tại một số quận trung tâm lớn và rải rác trong thành phố, việc điều trị cho bệnh nhân và điều động nhân lực cho hệ thống sẽ gặp một số khó khăn nhất định.

"Tuy nhiên, tôi nghĩ thành phố đã có kinh nghiệm chống dịch, lực lượng y tế học hỏi được nhiều bài học cho bản thân, cùng những kinh nghiệm đã trải qua, họ sẽ tự tin điều trị bệnh nhân Covid-19. Bệnh viện Bạch Mai sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ thành phố qua các kênh đào tạo cho các bệnh viện quận, huyện thuộc Bệnh viện Bạch Mai quản lý", bác sĩ Sơn nói.

TS, BS Lưu Quang Thùy cũng có chia sẻ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hệ thống y tế và toàn thể người dân TP Hồ Chí Minh để đẩy lùi đại dịch, thành phố đã đi qua những ngày khốc liệt nhất. Bác sĩ Thùy có niềm tin, TP Hồ Chí Minh sẽ hồi sinh trong thời gian tới.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, thời gian qua, có lúc TP Hồ Chí Minh rất khó khăn, dịch bùng phát rất mạnh, nhưng nhân viên y tế của thành phố và lực lượng chi viện đã kề vai sát cánh để có kết quả tốt đẹp hiện tại. 7 trung tâm hồi sức đã được thiết lập để cứu bệnh nhân nặng và nguy kịch. Bộ Y tế tin tưởng năng lực y tế của TP Hồ Chí Minh đảm đương sau khi lực lượng chi viện được rút về.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan