Phim kỹ thuật số trong bối cảnh mới

Thời gian qua, phim kỹ thuật số phổ biến trên nền tảng công nghệ đã tăng nhanh về số lượng và phong phú về đề tài, thể loại.

Các nhà làm phim sẽ giảm bớt thời gian, chi phí và công sức khi sử dụng thiết bị quay kỹ thuật. (Ảnh: Cảnh trong phim "Hương vị tình thân" - Nguồn: VFC)
Các nhà làm phim sẽ giảm bớt thời gian, chi phí và công sức khi sử dụng thiết bị quay kỹ thuật. (Ảnh: Cảnh trong phim "Hương vị tình thân" - Nguồn: VFC)

Theo thống kê từ Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), chỉ riêng sáu tháng đầu năm 2021, đã có khoảng 20 phim kỹ thuật số trong nước được cấp phép phổ biến, trong đó có những phim từng thu hút chú ý của công chúng thời điểm ra rạp trước khi dịch bệnh bùng phát, như: “Khúc mưa” (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng), “Bố già” (đạo diễn Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng), “Gái già lắm chiêu V - Những cuộc đời vương giả” (đạo diễn Bảo Nhân và Nam Cito)... Ngoài ra, còn có các phim mới: “Kiều @”, “Thiên thần hộ mệnh”, “Trạng Tí phiêu lưu ký”, “Bẫy ngọt ngào”, “1990”, “Tim hằn vết sẹo”, “Điên tối”, “Biệt đội hotgirl”… 

Có thể nói, sự xuất hiện của phim kỹ thuật số trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài như hiện nay là hướng phát triển phù hợp, bảo đảm để tác phẩm điện ảnh đến được với công chúng khi nhiều rạp chiếu phim đang phải đóng cửa, giúp các đơn vị thu lại một phần kinh phí đã được đầu tư, đồng thời cũng cho thấy xu thế chung của quá trình hội nhập, phát triển công nghiệp điện ảnh.

Trên nền tảng số, các phim kỹ thuật số hầu hết đều thu hút lượng lớn khán giả ở cả hai hình thức: Thu phí và miễn phí. Tuy nhiên, bước phát triển này cũng đang bộc lộ nhiều nguy cơ, trong đó có vấn đề kiểm soát phạm vi phổ biến và bảo vệ bản quyền.

Căn cứ thống kê danh mục phim kỹ thuật số được Cục Điện ảnh, công bố theo từng tháng, có hai vấn đề nổi cộm: Phim Việt Nam được phân loại không phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 16 và 18 tuổi chiếm tỷ lệ cao; số lượng phim kỹ thuật số nước ngoài được phổ biến cao gấp khoảng ba lần phim trong nước.

Cụ thể, có thời điểm không có phim kỹ thuật số trong nước được cấp phép mà chỉ có phim nước ngoài, như tháng 5/2021 với 11 phim kỹ thuật số của các nước: Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Na Uy…

Về mặt nội dung, phần lớn phim kỹ thuật số trong nước thuộc thể loại: Giải trí, hành động, kinh dị… hướng tới mục đích gây tò mò cho khán giả. Ngoài một số bộ phim hiếm hoi đã ra rạp, đạt doanh thu cao, được đánh giá khá tốt về nội dung, hoặc hy hữu, chỉ có một bộ phim đề tài hậu chiến của Điện ảnh Quân đội nhân dân là phim “Khúc mưa” của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, còn lại các phim có chất lượng trung bình, nhiều phim lạm dụng yếu tố bạo lực, cảnh nóng, tình huống gây sốc… Đây cũng là lý do danh mục phim kỹ thuật số trong nước xuất hiện dày đặc thông báo phân loại “không phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 16 và 18 tuổi”.

Về phía ngược lại, phần lớn phim kỹ thuật số nước ngoài được cấp phép có thể phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng khán giả, trong đó có nhiều phim được phân loại không phổ biến đến khán giả dưới 13 tuổi. Như vậy, có thể thấy sự gia tăng về số lượng là tín hiệu của sự chuyển biến, song yếu tố chất lượng của từng tác phẩm điện ảnh và sự cân đối về mặt đề tài, thể loại vẫn còn là thách thức cho mảng phim kỹ thuật số trong nước. Bên cạnh đó, theo cảnh báo từ giới chuyên môn, quá trình phổ biến phim trên nền tảng số có thể dẫn tới nhiều nguy cơ trong vấn đề kiểm soát phạm vi, đối tượng phổ biến và bảo vệ bản quyền.

Hiện chưa có cơ chế chặt chẽ kiểm soát các bộ phim được phân loại khán giả theo độ tuổi khác nhau, chủ yếu vẫn là hình thức khán giả trước khi xem phim tự xác nhận độ tuổi. Trong khi doanh thu từ nền tảng số chưa cao, nhưng phim kỹ thuật số đã và đang đứng trước thách thức lớn về xâm phạm bản quyền.

Nhiều đơn vị làm phim ký hợp đồng phổ biến với đối tác cụ thể, kèm theo nhiều điều khoản, song chỉ vài giờ đồng hồ sau khi phim được phát sóng đã bị nhiều trang phim lậu đánh cắp bản quyền, tự do khai thác. Thời gian tới, phim kỹ thuật số được dự đoán tiếp tục tăng nhanh về số lượng, càng cần thiết có những cơ chế, giải pháp cụ thể để mảng phim này phát triển mạnh mẽ, chất lượng hơn.