Gỡ khó cho tiêu thụ nông sản

Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 tiếp tục làm gián đoạn hoạt động tiêu thụ nông sản trong nước cũng như xuất khẩu sang hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Dưa hấu được bày bán tại siêu thị Hapromart Thành Công (Hà Nội).
Dưa hấu được bày bán tại siêu thị Hapromart Thành Công (Hà Nội).

Cụ thể, tháng 2-2021, ách tắc trong khâu lưu thông do dịch Covid-19 khiến cho các loại rau vụ đông tại Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và các huyện vùng ven Hà Nội bị dư thừa cục bộ. Còn ở thời điểm hiện tại, dịch bệnh cũng khiến nhiều nông sản đứng trước nguy cơ tồn hàng, mất giá, như mận tam hoa ở Lào Cai, Sơn La; khoai lang tím ở Vĩnh Long; xoài ở Khánh Hòa… Trong khi đó, đối với xuất khẩu, hàng nông sản cũng đang gặp nhiều vướng mắc do hàng rào kỹ thuật được bổ sung ngày càng nhiều từ các nước nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo đó, ngoài các vấn đề về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm…, thì giờ đây các lô hàng còn phải bảo đảm đáp ứng được những yêu cầu khắt khe nhất về vệ sinh an toàn dịch bệnh. Không những thế, mỗi quốc gia lại áp dụng những biện pháp phòng ngừa riêng, đòi hỏi mỗi lô hàng xuất khẩu phải tuân thủ theo những quy định khác nhau. Thêm vào đó, hàng đông lạnh cũng được yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 theo từng lô gây ra nhiều khó khăn, chậm trễ trong lưu thông hàng hóa. Riêng đối với Trung Quốc, cũng do dịch Covid-19 nên việc thực hiện các quy trình tiến tới ký nghị định thư xuất khẩu một số loại nông sản chính ngạch sang thị trường này vẫn chưa thực hiện được, khiến cho hoạt động xuất khẩu càng gặp khó khăn hơn, nhất là trong điều kiện Trung Quốc đang thắt chặt các yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và an toàn dịch bệnh.

Trước những vướng mắc đó, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức các hội nghị trực tuyến toàn quốc, hội thảo, các cuộc họp nhằm tháo gỡ vướng mắc về kỹ thuật và thị trường nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19. Theo đó, hiện các cơ quan chức năng đang gấp rút thực hiện các giải pháp như đàm phán để giảm bớt những yêu cầu về kiểm dịch hàng hóa liên quan đến vấn đề dịch bệnh; khởi động các điểm kết nối tiêu thụ nông sản; hỗ trợ doanh nghiệp thu mua, kiểm dịch nhanh để có "giấy thông hành" xuất khẩu cũng như tiêu thụ tại thị trường trong nước; hướng dẫn triển khai nhanh, đúng và đủ những yêu cầu bắt buộc từ phía nhà nhập khẩu về chất lượng sản phẩm, điều kiện an toàn dịch bệnh... Một trong những hiệu quả mới nhất từ những nỗ lực này là Trung Quốc đã đồng ý xem xét cho Việt Nam xuất khẩu tạm thời sản phẩm khoai lang sang thị trường này với điều kiện toàn bộ vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói được kiểm tra và triển khai các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm không nhiễm 10 loại sinh vật gây hại. Tuy nhiên, hiện nay một số tỉnh trọng điểm trồng khoai lang vẫn chưa có cơ sở đóng gói nên yêu cầu đặt ra là phải thiết lập những cơ sở đóng gói trong thời gian sớm nhất để tận dụng cơ hội xuất khẩu trước khi có nghị định thư.

Dịch Covid-19 được dự báo còn kéo dài và diễn biến phức tạp, chắc chắn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh tiêu thụ theo hướng vận động, hỗ trợ... sẽ chỉ là giải pháp tạm thời, mang tính thời điểm. Chính vì vậy, về lâu dài, các địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất cần rất tích cực trong việc phối hợp các cơ quan chức năng ở trung ương để hoàn thiện các hồ sơ kỹ thuật của từng vùng trồng, từng cơ sở đóng gói nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời các yêu cầu của nhà nhập khẩu. Cùng với đó là triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để bảo đảm an toàn cho các vùng sản xuất, nhất là các vùng nguyên liệu lớn phục vụ cho xuất khẩu.