Chú trọng thi công truyền thống trong tu bổ di tích

Tại Dự thảo Thông tư quy định chi tiết về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (Dự thảo thông tư) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang được lấy ý kiến rộng rãi, yêu cầu hoạt động thi công tu bổ di tích phải bảo đảm một số nguyên tắc; trong đó cần ưu tiên sử dụng phương pháp thi công truyền thống, chú trọng bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo vệ cấu kiện, thành phần kiến trúc trong suốt quá trình thi công tu bổ.

Đây là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh lâu nay tình trạng tu bổ di tích còn diễn ra tùy tiện, cẩu thả, nhiều sai phạm.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã có những nỗ lực nhất định trong công tác tu bổ di tích, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc của dân tộc. Song không ít vụ việc sai phạm khiến dư luận bức xúc, như việc tu bổ các chùa Hương, Trăm Gian, Khúc Thủy; đình Lương Xá (Hà Nội); chùa Bổ Đà, đình Ngọ Xá (Bắc Giang)...

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do công tác quản lý tu bổ, tôn tạo còn nhiều hạn chế, thực hiện chưa nghiêm các quy định của Nhà nước và pháp luật về di sản, như: thi công không đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt, làm sai lệch yếu tố gốc cấu thành và biến dạng di tích; nhiều trường hợp tôn tạo di tích khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; có nơi dịch chuyển vị trí công trình, mở rộng diện tích, thay đổi kiểu dáng kiến trúc, chuyển chất liệu từ gỗ sang bê-tông hoặc xây dựng thêm công trình phụ trợ... Đáng chú ý, những sai phạm trong việc thi công bằng các phương pháp hiện đại một cách tùy tiện dẫn đến sai lệch, phá vỡ kiến trúc truyền thống làm mất đi hồn cốt, giá trị của di tích, di sản. Câu chuyện bê-tông hóa đình Lương Xá, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) là thí dụ điển hình.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có nhiều di tích được phục dựng vẫn bảo đảm được những nét thiết kế theo kiến trúc truyền thống, như chính điện của khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa). Trong điều kiện di tích thì nhiều mà kinh phí nhà nước cho hoạt động trùng tu lại hạn hẹp, sự hỗ trợ từ nguồn tiền xã hội hóa là rất cần thiết. Nhưng cũng chính là nguyên nhân của tình trạng sai phạm trong hoạt động tu bổ. Bởi lẽ việc tham gia của các nhà tài trợ thường dẫn đến sự lấn át của họ trong thiết kế xây dựng, trùng tu; xảy ra tình trạng nhiều di tích bị làm mới theo xu hướng hoành tráng. Vì thế, rất cần sự giám sát chặt chẽ từ các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn; ngay cả những nhà thiết kế, thi công khi thực hiện việc trùng tu cần chấp hành nghiêm Luật Di sản văn hóa, đồng thời phải là người có tâm với di sản chứ không chỉ làm theo nhu cầu của nhà đầu tư.

Từ thực tế nêu trên, một số vấn đề cần thiết trong chủ trương ưu tiên phương pháp thi công truyền thống được Dự thảo thông tư đặt ra. Đó là khi có những phát sinh, phát hiện mới về di tích khác với thiết kế bản vẽ thi công tu bổ đã được phê duyệt thì đơn vị thi công và giám sát phải kịp thời thông báo với chủ đầu tư dự án. Trong trường hợp điều chỉnh thiết kế, chủ đầu tư phải xem xét điều chỉnh thời gian thi công để bảo đảm chất lượng công trình. Hoạt động thi công tu bổ di tích phải được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về xây dựng thực hiện, dưới sự giám sát của cộng đồng dân cư nơi có di tích.

Bên cạnh đó, phải thường xuyên tham vấn ý kiến nhân chứng lịch sử, chuyên gia, nghệ nhân và cộng đồng dân cư trong suốt quá trình thi công; ghi nhận đầy đủ trong nhật ký công trình và hồ sơ hoàn công mọi hoạt động thi công tu bổ đã thực hiện tại công trường. Việc giám sát thi công được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về xây dựng thực hiện, theo các nguyên tắc về giám sát thi công và quy định về giám sát đầu tư của cộng đồng. Trường hợp tu bổ tại chỗ hoặc tháo rời một số cấu kiện, thành phần kiến trúc cũng đòi hỏi các điều kiện cụ thể nhằm bảo đảm không ảnh hưởng đến đặc điểm, giá trị của cấu kiện, thành phần kiến trúc...

Có thể thấy, cùng với nhiều quy định, điều kiện khác, ưu tiên sử dụng phương pháp thi công truyền thống là một chủ trương rất quan trọng, cần thiết nhằm bảo đảm hoạt động tu bổ di tích, di sản chấp hành đúng pháp luật về bảo tồn di sản, hạn chế những mất mát đáng tiếc nguồn tài sản văn hóa, lịch sử quý giá của nước nhà.