Bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động

Từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) cũng như đời sống, việc làm của người lao động (NLÐ). Ở một khía cạnh khác, dịch bệnh cũng làm thay đổi tư duy, cách làm, thói quen của con người trong nhiều lĩnh vực, trong đó công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLÐ) đã có nhiều chuyển biến, sáng tạo theo hướng tích cực hơn.

Trước ảnh hưởng không nhỏ của dịch bệnh đến đời sống, việc làm, thu nhập của NLÐ, Tổng Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) Việt Nam xác định công tác bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của NLÐ được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cấp công đoàn. Vì thế, ngay từ những ngày đầu dịch bệnh xuất hiện, Tổng LÐLÐ đã quán triệt tinh thần, mỗi cấp công đoàn, mỗi cán bộ công đoàn phải coi việc phòng, chống dịch Covid-19 như "chống giặc", hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng cho NLÐ. Cùng với đó là bảo đảm việc làm, thu nhập và quyền lợi của NLÐ.

Hơn lúc nào hết, vai trò của công đoàn cơ sở (CÐCS) được khẳng định khi đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch, phương án làm việc, vệ sinh khử khuẩn thường xuyên nơi làm việc, kiểm soát chặt chẽ cũng như tăng cường dinh dưỡng trong bữa ăn ca, cung cấp nước sạch, hệ thống khử khuẩn, bảo đảm sức khỏe cho đoàn viên, NLÐ. Cán bộ công đoàn thật sự là cầu nối tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh cho gia đình và cộng đồng. Hưởng ứng các hoạt động nhân Tháng hành động về ATVSLÐ năm 2020, các cấp công đoàn đã có những sáng tạo, đổi mới, thích nghi với hoàn cảnh.

Ở cấp Tổng LÐLÐ, Ðoàn Chủ tịch bổ sung nội dung, xác định "Ðẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLÐ gắn với phòng, chống Covid-19 tại nơi làm việc’’ là chủ đề hành động. Có thể nói điểm nhấn công tác ATVSLÐ năm 2020 với trọng tâm là cải thiện điều kiện lao động, tăng cường công tác kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLÐ để giảm thiểu TNLÐ, bệnh nghề nghiệp gắn với phòng, chống Covid-19 tại nơi làm việc, đã góp phần bảo vệ sức khỏe, an toàn cho NLÐ, an toàn DN.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, gắn với hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLÐ năm 2021 chủ đề "Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLÐ và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên", tổ chức công đoàn cần tiếp tục xác định công tác ATVSLÐ gắn với phòng, chống dịch bệnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; dành nguồn lực đủ mạnh cho công tác ATVSLÐ, nhất là các địa phương có nhiều DN, khu công nghiệp, đông CNLÐ; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng về công tác ATVSLÐ, phòng, chống dịch Covid-19 cho cán bộ làm công tác ATVSLÐ. Tổ chức công đoàn cần đẩy mạnh công tác giám sát, tăng cường phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLÐ, nhất là chiến dịch thanh tra lao động năm 2021 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì; kịp thời đề xuất khen thưởng các đơn vị, người sử dụng lao động chấp hành tốt, đồng thời kiến nghị xử lý nghiêm minh, kịp thời các chủ sử dụng lao động, đơn vị vi phạm pháp luật về ATVSLÐ và phòng, chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, công đoàn cấp trên hỗ trợ, hướng dẫn CÐCS thực hiện các quyền, trách nhiệm được quy định trong Luật ATVSLÐ. CÐCS chủ động phối hợp, đôn đốc người sử dụng lao động rà soát các quy trình, biện pháp làm việc bảo đảm ATVSLÐ; tổ chức đánh giá quản lý các nguy cơ mất ATVSLÐ gắn với phòng, chống dịch Covid-19; tập huấn, hướng dẫn, khuyến khích NLÐ phát hiện các nguy cơ mất ATVSLÐ, đề xuất các giải pháp cải thiện điều kiện làm việc; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng về ATVSLÐ và tạo cơ chế thuận lợi cũng như phụ cấp cho mạng lưới an toàn, vệ sinh viên hoạt động. Khi tiến hành ký thỏa ước lao động tập thể, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc cần thương lượng các điều khoản, nội dung về ATVSLÐ có lợi cho NLÐ...

Phúc Quân