"Vắc-xin tự thân" cho doanh nghiệp

Báo cáo "Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố gần đây cho thấy, đại dịch Covid-19 xảy ra từ đầu năm 2020 đến nay đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN.

Doanh nghiệp sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, hơn 87% số DN được khảo sát cho biết bị ảnh hưởng nặng nề, chỉ 11% số DN không bị ảnh hưởng và gần 2% vẫn kinh doanh tốt. Đại dịch Covid-19 đẩy nhiều DN lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn, số lượng DN rời bỏ thị trường tiếp tục tăng cao trong bốn tháng qua với 51.500 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 23,3% so cùng kỳ năm 2020). Tính trung bình mỗi tháng, có gần 12.900 DN ngừng hoạt động, rút lui khỏi thị trường. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ, đồng hành DN, song đến nay, nhiều DN chưa thể thoát khỏi khó khăn. Khi "làn sóng" Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN gần như ngưng trệ hoàn toàn.

Vì vậy, để vừa ứng phó dịch Covid-19 an toàn, vừa sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các DN cần có một liều "vắc-xin tự thân" để tăng khả năng thích ứng. Theo đó, mỗi DN cần xây dựng một hệ thống quản trị linh hoạt, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi số, chuyển hướng sản xuất, kinh doanh, bảo đảm các tiêu chí phát triển bền vững. Trong đó, DN phải thay đổi phương thức sản xuất, sáng tạo, tìm cách tiết giảm chi phí tối đa để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, mở rộng kênh bán hàng, thị trường, quảng bá thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng thông qua in-tơ-nét, sàn giao dịch thương mại điện tử để không bị ảnh hưởng trong thời gian dịch bệnh.

Quan điểm, mục tiêu xuyên suốt, kiên định của Chính phủ là ưu tiên phòng, chống dịch bệnh nhưng vẫn phải phát triển kinh tế, lo cho sinh kế người dân. Chính phủ đang tập trung cải cách, rà soát, xóa bỏ những quy định, chính sách, pháp luật chồng chéo; phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; có cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo. Việt Nam phải kiên quyết thực hiện mục tiêu kép. Đây là điều tiên quyết cho sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội,... Điều mà cộng đồng DN mong mỏi nhất là thực hiện thành công một Chính phủ hành động, tạo sự ổn định về thể chế kinh tế, chính trị xã hội; xây dựng nền tảng vững chắc cho DN Việt Nam trước những biến động trong tương lai. Giai đoạn hiện nay, bên cạnh sự hỗ trợ đắc lực từ Chính phủ, các DN cần chủ động, tích cực, tăng khả năng thích ứng, chống chịu và sống chung với dịch. Chính phủ đã cam kết xây dựng chính sách hỗ trợ DN một cách hiệu quả, bảo đảm thủ tục tiếp cận minh bạch, đơn giản và thuận lợi nhất có thể. Những quy định linh hoạt của Nhà nước sẽ hỗ trợ DN xây dựng mô hình kinh doanh thích ứng thị trường, chống chịu tốt với các yếu tố bất lợi có thể xảy đến trong tương lai, cũng là góp phần tăng khả năng chống chịu cho cả nền kinh tế.