Khởi hành cung rước từ ngày 6-12 với điểm xuất phát tại Đền thờ Thái Tổ Trần Thừa (Nam Định), lễ rước tôn tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã trải qua chặng đường dài gần 2.000 km qua các địa phương trong cả nước với nhiều lễ hội, sự kiện.
Riêng trong sáng ngày 14-12 (ngày 1 tháng 11 Âm lịch), tôn tượng Phật Hoàng đã được Ban Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kết hợp với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh an vị tại Việt Nam Quốc Tự (TP Hồ Chí Minh) và tổ chức trang nghiêm Đại lễ tưởng niệm 712 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn với sự tham dự của nhiều bậc chức sắc Phật giáo, các tăng ni, phật tử và nhân dân thành phố.
Sáng 18-12, xuất phát từ Việt Nam Quốc tự, đoàn cung rước tôn tượng Phật Hoàng đã tiếp tục hành trình về Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác tại Tiền Giang với chiều dài hơn 80 km. Nhiều hòa thượng, thượng tọa, doanh nhân, chuyên gia, phật tử ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương đã tham gia lễ cung rước.
Sau khi đến Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, trong ngày 19-12, sẽ diễn ra lễ hội chào mừng với chương trình biểu diễn Thiền dưỡng sinh tâm thể Trần Nhân Tông của 500 thiền sinh tại nhiều khu vực của Tứ động tâm, công trình tái hiện mô hình bốn thánh tích đỉnh cao của Phật giáo thế giới trong khuôn viên Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác.
Bên cạnh đó, ban tổ chức và các tăng ni, phật tử và khách du lịch thực hiện lễ phóng sinh, cúng Phật cầu nguyện cho hòa bình, an lạc và lễ thả hoa đăng tại khu vực Tháp Bồ đề đạo tràng. Lễ an vị chính thức tôn tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông sẽ chính thức được tổ chức trọng thể với sự tham gia của các bậc chức sắc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và hàng nghìn tăng ni, phật tử ở các địa phương trong cả nước, được truyền hình trực tiếp trên Butta - mạng xã hội trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và trên trang fanpage Butta.
Các đại biểu cùng nhau cầu nguyện quốc thái dân an, hòa bình, an lạc, tiêu trừ bệnh tật và chia sẻ Phật sự nhiều ý nghĩa văn hóa tâm linh trong cộng đồng, tưởng nhớ và tôn vinh Phật Hoàng Trần Nhân Tông, một biểu tượng văn hóa tâm linh đặc biệt, mang đậm bản sắc Việt Nam.
Cùng ngày, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các chức sắc Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác tổ chức lễ đặt đá khởi công xây dựng quần thể không gian Thiền sư Việt, nơi trưng bày giới thiệu về các bậc thiền sư nổi tiếng của Việt Nam trong 2.000 năm và các bài kinh, kệ của thiền phái Trúc Lâm.