Việt Nam và Brazil chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 8/5/1989. Nhằm triển khai hợp tác hiệu quả, hai nước nâng cấp quan hệ lên Ðối tác toàn diện vào tháng 5/2007. Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn coi Brazil là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu ở khu vực Mỹ Latin. Trao đổi thương mại song phương liên tục tăng, kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2022 đạt mức kỷ lục 6,78 tỷ USD, tăng 6,6% so mức năm 2021.
Brazil hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latin và đứng thứ hai tại châu Mỹ, chỉ sau Hoa Kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Brazil gồm điện thoại, linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử, máy móc, phụ tùng, phương tiện vận tải, sắt thép, giày dép, sợi dệt, thủy sản... Ở chiều ngược lại, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ quốc gia Nam Mỹ các mặt hàng như quặng, khoáng sản, bông sợi, thức ăn gia súc, đậu tương, ngô, gỗ và sản phẩm gỗ, nguyên phụ liệu dệt, may và da giày...
Thời gian qua, các bộ, ngành hai nước có nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi, từ đó xác định các tiềm năng và thế mạnh bổ trợ cho nhau, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực sẵn có theo hướng thực chất, bên cạnh mở rộng lĩnh vực hợp tác mới. Sắp tới, Việt Nam và Brazil tiếp tục phát triển thị trường, trong đó tập trung các lĩnh vực như thương mại, du lịch, nông nghiệp, giáo dục, năng lượng tái tạo, khoa học-công nghệ, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, hợp tác trong khuôn khổ Nam-Nam.
Phía Việt Nam hy vọng Brazil quan tâm thúc đẩy, sớm khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) và Việt Nam, nhất là giai đoạn Brazil đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên của khối trong sáu tháng cuối năm 2023. Hai bên cũng hướng tới tăng cường đầu tư, kết nối doanh nghiệp.
Brazil hiện có sáu dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký khoảng 3,83 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến chế tạo (chiếm 68% vốn đăng ký); bán buôn-bán lẻ (26,6%); hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ (2,8%). Việt Nam có hai dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký khoảng 300 nghìn USD tại Brazil.
Theo đánh giá của Ðại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani, nền kinh tế của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh với thị trường rất năng động, hoàn toàn có thể đạt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình trong 10 năm tới. Trong khi đó, Brazil cũng sở hữu nhiều lợi thế để phát triển kinh tế như dân số đông (gần 220 triệu dân), giàu tài nguyên thiên nhiên và có nền nông nghiệp phát triển vượt bậc. Chính vì vậy, Ðại sứ Farani tin tưởng Brazil và Việt Nam có rất nhiều lĩnh vực hợp tác giàu tiềm năng, trong đó nổi bật là sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo.
Trong hợp tác đa phương, Việt Nam và Brazil chia sẻ quan điểm về cải tổ Liên hợp quốc cùng nhiều vấn đề quốc tế khác. Hai bên hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế. Trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp, Việt Nam ủng hộ Brazil vào Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) nhiệm kỳ 2013-2016, Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2017-2019; trong khi Brazil ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018, Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 hay gần đây nhất là Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.
Phát biểu ý kiến tại Lễ kỷ niệm 78 năm Quốc khánh 2/9 tại thủ đô Brasilia (Brazil), Ðại sứ Việt Nam tại Brazil Phạm Thị Kim Hoa nhấn mạnh, đối với Việt Nam, Brazil luôn là đối tác lớn, quan trọng hàng đầu tại Nam Mỹ. Hợp tác kinh tế-thương mại là điểm sáng trong quan hệ song phương. Trao đổi thương mại giữa hai nước không ngừng duy trì đà tăng cấp số nhân trong thời gian qua và đã đạt gần bảy tỷ USD. Trên cơ sở quan hệ Ðối tác toàn diện, giao lưu văn hóa-giáo dục-du lịch giữa hai nước tiếp tục được tăng cường, trở thành nhịp cầu đưa nhân dân Việt Nam và Brazil xích lại gần nhau hơn.
Quan hệ ngoại giao giữa Brazil và Việt Nam dựa trên tình hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau. Với tiềm năng to lớn và nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, Việt Nam là một trong những đối tác lâu dài và quan trọng của Brazil ở khu vực Ðông Nam Á trong các lĩnh vực như: An ninh lương thực, năng lượng, du lịch, văn hóa, hợp tác kinh doanh, giao lưu nhân dân, hợp tác tại các diễn đàn đa phương.
Eduardo Paes Saboia, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Brazil
Hướng tới kỷ niệm 35 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (8/5/1989-8/5/2024), Việt Nam và Brazil sẽ có nhiều hoạt động đa dạng và ý nghĩa, góp phần tăng cường hơn nữa tình cảm đoàn kết giữa chính phủ và nhân dân hai quốc gia.