Thỏa thuận giữa Chính phủ Syria và lực lượng người Cuốc diễn ra trong bối cảnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến sâu vào đông bắc Syria. Thỏa thuận này cho phép lực lượng chính phủ Syria triển khai dọc khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ vốn nằm dưới sự kiểm soát của người Cuốc. Đây được xem là bước chuyển “đôi bên cùng có lợi” nhằm tập hợp sức mạnh để đối phó cuộc tiến công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ Syria. Động thái này vượt sự mong đợi của Chính phủ Syria khi Damascus có thể hợp tác với quân nổi dậy người Cuốc mà không cần phải trải qua các cuộc đàm phán vốn khó khăn và gai góc, nhằm tiến tới giải quyết các vướng mắc liên quan vùng lãnh thổ ở phía đông bắc rộng lớn và giàu tài nguyên.
Trong khi đó, lực lượng Nga đã vượt sông Euphrates ở miền bắc Syria và tới các khu vực bên ngoài thành phố Kobani, hướng về phía đông với Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) do người Cuốc dẫn đầu. Truyền hình Nga đã chiếu những hình ảnh đầu tiên của các lực lượng Nga và Syria tiếp quản các cứ điểm trong và chung quanh thành phố Manbij ở miền bắc Syria. Động thái này bước đầu cho thấy, Nga - với vai trò hậu thuẫn quân đội Syria chống khủng bố, đang “gặt hái” những lợi thế bất ngờ sau khi Mỹ rút quân khỏi miền bắc Syria. Thực ra Moscow luôn chủ trương giải quyết cuộc khủng hoảng Syria thông qua đối thoại. Bởi thế, thỏa thuận giữa Chính phủ Syria và lực lượng người Cuốc được cho là bước đi đúng hướng, mở lối cho Chính phủ Syria có thể tiếp cận gần hơn tới các giải pháp với người Cuốc.
Thực địa đông bắc Syria tiếp tục là đề tài gây tranh luận tại các hội nghị, diễn đàn quốc tế bởi mối lo ngại về nguy cơ xung đột lan rộng tại khu vực này. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình nhân đạo sẽ trở nên tồi tệ hơn và sự trỗi dậy trở lại của các tay súng thuộc tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở đông bắc Syria. Sau cuộc họp kín lần thứ hai kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chiến dịch tiến công người Cuốc, 15 thành viên Hội đồng Bảo an đã nhất trí về một tuyên bố với nội dung bày tỏ những lo ngại của cộng đồng quốc tế. Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc K.Cráp kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt việc làm suy yếu chiến dịch chống IS, ngừng tiến công và ngay lập tức tuyên bố lệnh ngừng bắn. Theo kế hoạch, Phó Tổng thống Mỹ M.Pence và Bộ trưởng Ngoại giao M.Pompeo đến Ankara để hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, đáp lại, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Erdogan thông báo không gặp hai quan chức cấp cao Mỹ khi họ tới Ankara.
Trong khi đó, ngoài sức ép ngoại giao, Mỹ tiếp tục gây áp lực với Thổ Nhĩ Kỳ thông qua các lệnh trừng phạt. Tổng thống Mỹ Đ.Trăm cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt có thể tàn phá nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ, nếu các cuộc thảo luận giữa Washington và Ankara về việc chấm dứt chiến dịch quân sự ở đông bắc Syria không thành công. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ cũng lên kế hoạch trình dự luật trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Dù đảng Cộng hòa không kiểm soát đa số tại Hạ viện, song biện pháp này vẫn có cơ hội được thông qua bởi cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ đều lên án hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Đáp lại, Ankara kêu gọi Quốc hội Mỹ nên thay đổi “cách tiếp cận gây hại” và cho rằng, quan hệ giữa hai bên đang ở giai đoạn nguy hiểm. Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẽ trả đũa các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở đông bắc Syria gây nhiều tổn thất cho dân thường và các tay súng người Cuốc. Hơn 275 nghìn người, trong đó có hơn 70 nghìn trẻ em, đã phải đi sơ tán. Cộng đồng quốc tế dù chia sẻ với mối lo an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, song tiếp tục kêu gọi Ankara ngừng chiến dịch quân sự. Cục diện cuộc chiến ở Syria đang có những thay đổi, tuy nhiên không tránh khỏi nguy cơ bùng nổ những va chạm lớn hơn giữa các bên, trong đó không loại trừ cuộc đụng độ giữa quân đội Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Thực tế cho thấy, bất cứ giải pháp quân sự nào đều có thể phá hủy nỗ lực tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria.