Cử tri tiếp tục quan tâm tình hình Biển Đông

NDO -

NDĐT- Chuẩn bị cho kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổng hợp 3.729 ý kiến, kiến nghị gửi tới Quốc hội. Các kiến nghị tập trung tới nhiều vấn đề như tình hình Biển Đông, chính sách ưu đãi với ngư dân, quy định thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2014…

Bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng. (Ảnh: Đăng Khoa)
Bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng. (Ảnh: Đăng Khoa)

Biển Đông vẫn là vấn đề thời sự

Cử tri và nhân dân tiếp tục quan tâm đến tình hình Biển Đông và mong muốn các cơ quan chức năng của Nhà nước, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng, kịp thời hơn nữa để người dân hiểu đầy đủ về tình hình, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi hơn nữa đối với ngư dân, đồng thời tăng cường các biện pháp đấu tranh kiên quyết, ngăn chặn không để các tàu của nước ngoài đe dọa, thu giữ trái phép ngư cụ, đập phá thiết bị hành nghề của ngư dân hoạt động đánh bắt hải sản trong ngư trường truyền thống của Việt Nam, gây hoang mang cho ngư dân thời gian qua.

Cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng về: nền kinh tế phát triển chưa bền vững, sức mua tăng chậm, việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa đáp ứng yêu cầu, chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động thấp, tái cơ cấu kinh tế, cải cách thể chế còn chậm, tỷ lệ hộ nghèo còn cao ở nhiều tỉnh miền núi, thất nghiệp, dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, tham nhũng, lãng phí.

Cử tri và nhân dân hoan nghênh kết quả bước đầu việc tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và các hoạt động giám sát khác. Những hoạt động giám sát cụ thể này sẽ góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Lo lắng với an toàn hồ chứa, đập thủy điện

Ý kiến của cử tri nhiều nơi cho rằng, mặc dù Bộ Công thương và các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc rà soát, xử lý tình trạng quy hoạch không hợp lý các nhà máy thủy điện, nhưng sự an toàn của các hồ chứa, đập thủy điện, lũ lụt vào mùa mưa, thiếu nước vào mùa khô vẫn là nỗi lo lắng, bức xúc của nhân dân. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan và các địa phương có biện pháp sớm khắc phục tình trạng này.

Thời gian qua, các doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tiếp cận nguồn vốn khó, nhiều doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất làm ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của hàng vạn người lao động và giảm nguồn thu cho ngân sách. Đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp phù hợp hơn nữa để giải quyết tình trạng này.

Bên cạnh đó, tình trạng doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động còn nhiều như nợ lương, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động… Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh chính sách và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giải quyết tình trạng nợ này của các doanh nghiệp.

Cử tri và nhân dân tiếp tục lo lắng trước tình trạng bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, nhất là các loại nông sản, thực phẩm, đồ chơi trẻ em có nhiều hóa chất độc hại, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng và thị trường hàng hóa trong nước; việc kiểm soát, quản lý chất lượng và nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật ở nhiều nơi còn buông lỏng, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm dẫn đến tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng bày bán nhiều nơi gây thiệt hại cho người nông dân và ô nhiễm môi trường sống. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền địa phương làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cấp có liên quan, tăng cường hơn nữa công tác quản lý thị trường, thanh tra, kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm và thông báo công khai, định kỳ cho nhân dân biết về kết quả khắc phục tình trạng này.

Rà soát quy định đóng góp trong chương trình nông thôn mới

Cử tri đề nghị cần rà soát và quy định cụ thể về danh mục, mức trần các loại đóng góp của nhân dân trong Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, tránh việc địa phương yêu cầu người dân đóng góp quá nhiều, không tương xứng với thu nhập thực tế. Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh một số tiêu chí của Chương trình cho phù hợp với từng vùng, từng địa phương để có tính thiết thực và khả thi.

Mô hình sản xuất “Cánh đồng lớn” đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm, giảm giá thành, mang lại thu nhập cao hơn, tạo tiền đề cho người nông dân tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đề nghị Chính phủ tăng mức đầu tư cho nông nghiệp, có chính sách hỗ trợ cho người nông dân và chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp liên kết với nông dân, để hợp tác cùng phát triển phương thức sản xuất “Cánh đồng lớn”.

Việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp cần đẩy nhanh hơn và chú trọng hơn đến phân tích chính sách, đánh giá tác động của các chính sách sẽ ban hành đối với người nông dân, khắc phục tình trạng chính sách ban hành để hỗ trợ nông dân, nhưng người được hưởng nhiều hơn lại là đối tượng khác như: những người sản xuất, kinh doanh các sản phẩm vật tư nông nghiệp và các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu nông sản.

Quyết liệt xử lý vi phạm pháp luật an toàn giao thông

Tình trạng hạ tầng giao thông đường bộ ở nhiều nơi xuống cấp do xe quá tải, quá khổ lưu thông nhiều và thiếu vốn để cải tạo, sửa chữa, duy tu; việc kiểm soát tải trọng xe đã được triển khai quyết liệt nhưng vẫn còn tình trạng nhiều xe tải trọng lớn cố tình trốn tránh trạm cân gây hư hỏng đường. Vẫn còn những vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng, nhất là xe khách đường dài, với số người thương vong lớn mà nguyên nhân chủ yếu là vi phạm pháp luật của các cơ sở kinh doanh dịch vụ vận tải và người điều khiển phương tiện.

Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công an, các ngành hữu quan và chính quyền các địa phương cần tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt, cụ thể, thường xuyên nhằm xử lý các hành vi vi phạm pháp luật gây mất trật tự, an toàn giao thông; xử lý nghiêm cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm soát nhưng có tiêu cực, dung túng, bao che cho các đối tượng vi phạm; siết chặt hơn nữa công tác quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện; đồng thời tiếp tục kiên quyết xử lý nghiêm những đơn vị xây dựng, thi công không bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình giao thông.

“Nóng” với quy định thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia

Thời gian gần đây, cử tri và nhân dân rất quan tâm đến phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố ngày 9-9-2014, nhưng đến nay vẫn chưa có quy chế kỳ thi quốc gia và quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Có ý kiến đề nghị, đối với những thay đổi lớn ở quy mô quốc gia như thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển đại học, cần làm thí điểm ở quy mô nhỏ trước, rút kinh nghiệm rồi mới làm toàn quốc.

Về Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010- 2015, cử tri và nhân dân băn khoăn. Mặc dù đến tháng 5-2014, đã có 87% số xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập, song ở cấp tỉnh mới có 18 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi. Cử tri và nhân dân mong muốn việc phổ cập giáo dục mầm non cần có sự quan tâm vào cuộc quyết liệt và đầu tư đúng mức của Chính phủ, các ngành và chính quyền địa phương, nhất là các tỉnh vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án trong năm 2015.

Tham nhũng “vặt” trong khu vực công vẫn phổ biến

Cử tri và nhân dân nhiều nơi nhận xét, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp.

Tình trạng tham nhũng “vặt” trong khu vực công vẫn diễn ra phổ biến, biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền, nhất là trong các ngành, lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan tới người dân, doanh nghiệp; một số vụ tham nhũng được phát hiện trong lĩnh vực y tế, trong việc thực hiện chế độ, chính sách người có công và các chính sách xã hội khác, trong một số cơ sở đào tạo, doanh nghiệp hoạt động công ích của địa phương gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chậm được khắc phục, như: Việc kê khai tài sản mang tính hình thức; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp; việc phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn hạn chế; việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả thấp.

Do đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng và lãng phí; đẩy mạnh các hoạt động giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, nhất là trong việc sử dụng ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty do nhà nước quản lý.

Cần quyết liệt xử lý các dự án “treo”

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp được giao đất nhưng bỏ hoang nhiều năm không sử dụng, trong khi có doanh nghiệp cần mặt bằng sản xuất thì lại phải chờ được cấp phép hoặc phải thuê lại làm mất cơ hội kinh doanh. Ở một số địa phương, bên cạnh diện tích đất đã thu hồi vẫn để trống lại tiến hành thu hồi đất để cấp cho các dự án mới gây bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương có những giải pháp quyết liệt hơn trong việc xử lý các dự án “treo”, sử dụng đất có hiệu quả.

Việc ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, nhà máy và do nước thải chưa qua xử lý vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Tại các vùng nông thôn vấn đề nước thải và rác thải đang ngày càng phức tạp do nhiều cơ sở sản xuất, chế biến được đưa về nông thôn cùng với lượng lớn rác thải trong sinh hoạt của nhân dân chưa được xử lý. Trong khi đó ở nhiều tỉnh, huyện quy hoạch xử lý chất thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp không có hoặc triển khai chậm. Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm về môi trường còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp và chưa được quan tâm đúng mức.

Do đó, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và chính quyền địa phương rà soát các chính sách liên quan, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ hoặc cấm hoạt động đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.