Bình luận quốc tế

Cú sốc giá cả cản đà tăng trưởng

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo, căng thẳng tại Ukraine và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đã khiến thương mại toàn cầu sụt giảm, đẩy giá năng lượng, thực phẩm lên cao và buộc thể chế này sẽ phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới vào tháng tới.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva. (Ảnh: AFP/VNA)
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva. (Ảnh: AFP/VNA)

Hàng loạt nền kinh tế phát triển cũng hạ dự báo tăng trưởng bởi giá cả leo thang, lạm phát gia tăng, cản đà phục hồi.

Lạm phát tăng mạnh tại nhiều nước đồng nghĩa với xu hướng thắt chặt tiền tệ đang diễn ra sẽ “nhanh hơn và mạnh hơn” dự đoán. Tình hình này được cho là sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho khu vực Mỹ Latin, Caribe, một số nước Trung Đông cùng nhiều nước ở châu Phi.

Tháng 1 vừa qua, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế đối với Mỹ, Trung Quốc và kinh tế toàn cầu do những nguy cơ liên quan đại dịch Covid-19, lạm phát gia tăng, sự gián đoạn nguồn cung và kế hoạch thắt chặt tiền tệ của Mỹ. Thời điểm đó, thể chế này dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 4,4% trong năm nay, giảm 0,5% so với dự báo trước đó. Tuy nhiên, những diễn biến mới liên quan tình hình địa-chính trị ở Đông Âu đang khiến IMF phải xem xét lại dự báo về tăng trưởng.

Các nhà phân tích đã cảnh báo, thị trường có thể phải đối mặt với một cú sốc về giá khi nhiều quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga - nhà sản xuất dầu và khí đốt lớn trên thế giới. Các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ đối với Nga đã khiến kinh tế “Xứ bạch dương” đột ngột suy giảm và đối mặt nguy cơ suy thoái sâu trong năm nay.

Giá tiêu dùng tại Mỹ lên mức cao kỷ lục mới vào tháng 2 vừa qua, trong bối cảnh nền kinh tế đầu tàu thế giới đang đối mặt lạm phát tăng cao và tình trạng này khả năng còn kéo dài. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Mỹ trong tháng 2/2022 cao hơn 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Lao động Mỹ cho biết đây là mức gia tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/1982 khi giá dầu, lương thực và nhà ở đều tăng. CPI tăng đồng nghĩa với việc mức giá trung bình của hàng hóa, dịch vụ tăng. Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định sẽ tăng lãi suất để kiềm chế giá cả leo thang vốn là yếu tố cản đà phục hồi của nền kinh tế.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã hạ dự báo tăng trưởng của khu vực đồng tiên chung châu Âu (Eurozone) năm 2022, từ mức 4,2% trước đó xuống còn 3,7%. Lo ngại quá trình phục hồi kinh tế chậm lại, ECB cũng dự báo GDP của khu vực sẽ chỉ tăng trưởng 2,8% trong năm 2023, thấp hơn mức 2,9% từng đưa ra trong dự báo trước.

Bên cạnh đó, ECB nâng dự báo lạm phát lên đáng kể trong bối cảnh giá năng lượng tăng mạnh. Ngân hàng này dự báo lạm phát tăng lên 5,1% trong năm 2022, từ mức 3,2% được dự báo trước đó. Cho rằng tình hình xung đột Nga-Ukraine đang ảnh hưởng tới kinh tế châu Âu, ECB một lần nữa khẳng định cam kết làm mọi thứ cần thiết để ổn định nền kinh tế.

Trong khi đó, các nhà kinh tế thuộc Tập đoàn dịch vụ tài chính Credit Suisse có cái nhìn không mấy lạc quan về triển vọng kinh tế Eurozone. Tăng trưởng GDP của châu lục này được cho là chỉ đạt khoảng 1% trong năm 2022, trong bối cảnh giá hàng hóa “phi mã” và đứt gãy chuỗi cung ứng. Các nhà kinh tế tại Anh cũng cảnh báo, việc giá hàng hóa tăng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng giảm thu nhập hộ gia đình và khiến tăng trưởng kinh tế “Xứ sở sương mù” giảm.

Theo Tập đoàn tài chính Goldman Sachs, dự báo lạm phát của Anh sẽ vượt mức 9%, giá cả leo thang sẽ khiến thu nhập khả dụng của các hộ gia đình giảm mạnh nhất trong 30 năm qua.

Các nhà kinh tế đã kỳ vọng chi tiêu tiêu dùng sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng năm nay khi nhiều nước bắt đầu mở cửa nhằm phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, những diễn biến mới liên quan căng thẳng Nga-phương Tây đã đẩy giá cả leo thang, khiến chuỗi cung ứng liên tục bị gián đoạn, kéo theo lạm phát gia tăng, gây ra những rủi ro cho tăng trưởng, trong bối cảnh các nền kinh tế lớn đều chịu áp lực mạnh mẽ từ giá dầu và khí đốt tăng cao.

HÀ ANH