“Cú huých” tăng trưởng từ du lịch sáng tạo

Phá vỡ giới hạn quen thuộc trong tư duy làm du lịch kiểu truyền thống, ngành công nghiệp không khói Việt Nam năm 2018 đã có nhiều khởi sắc với điểm nhấn là sự xuất hiện của các sản phẩm du lịch độc đáo và ấn tượng. Đây cũng là hướng đi được kỳ vọng sẽ tăng cường sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam, nâng tầm thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới.

“Cú huých” tăng trưởng từ du lịch sáng tạo

1. Làm nên “hiện tượng” du lịch Việt Nam trong năm qua phải nhắc tới Cầu Vàng - Đà Nẵng, thỏi nam châm không ngừng hút khách tới thành phố biển được mệnh danh “đáng sống nhất” nước ta (xem ảnh). Với thiết kế táo bạo, tựa dải lụa mềm vắt ngang lưng trời, được nâng đỡ bởi đôi bàn tay khổng lồ của thần núi, ngay sau khi khánh thành (tháng 6-2018), hình ảnh Cầu Vàng đã “đốn tim” hàng triệu du khách trong và ngoài nước, trở thành điểm nhấn của truyền thông quốc tế về du lịch với nhiều bình luận có cánh như: “đem đến trải nghiệm phi thường”, “đẹp nghẹt thở như bước ra từ phim Chúa tể những chiếc nhẫn”, hay “bước đi trên cầu như bước đi trong bàn tay của vị thần quyền năng”… Nửa cuối năm 2018, cơn sốt du lịch Cầu Vàng dường như chưa lúc nào hạ nhiệt, theo ghi nhận từ Sở Du lịch Đà Nẵng, cứ ba khách đặt tua tới thành phố có hai khách yêu cầu check-in ở Cầu Vàng. Điểm đến này nhanh chóng được tạp chí Time của Mỹ bình chọn là một trong 100 địa điểm tuyệt vời nhất thế giới. Tờ Guardians của Anh vinh danh Cầu Vàng trong “tốp 10 cây cầu có kiến trúc độc đáo và đẹp nhất thế giới”. Tiếng vang của Cầu Vàng không chỉ làm rạng danh Đà Nẵng, mà còn trở thành niềm tự hào của du lịch Việt Nam trước bạn bè quốc tế. Theo các chuyên gia du lịch, việc xây dựng Cầu Vàng với sự đầu tư của Sun Group là một trong những bước đi thông minh, nằm trong chiến lược phát triển du lịch theo hướng không ngừng sáng tạo, khi mà trước đó, Đà Nẵng đã lần lượt tung ra nhiều sản phẩm du lịch đẳng cấp và độc bản như: InterContinental Danang Sun Peninsual Resort, kiệt tác nghệ thuật liên tục được World Travel Awards vinh danh ở hạng mục khu nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới những năm gần đây; hay Bà Nà Hills, khu du lịch giải trí đã xác lập nhiều kỷ lục quốc tế…

2. Chính thức ra mắt tháng 3-2018, chương trình “Ký ức Hội An” - điểm nhấn trong Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An do Tập đoàn GAMI đầu tư cũng nổi lên như một sản phẩm du lịch sáng tạo tiên phong, không thể không trải nghiệm khi đến thăm Phố Hội. Chương trình tạo ấn tượng sâu sắc cho du khách bởi sự đầu tư công phu, bài bản với quy mô hoành tráng, kết hợp các công nghệ, kỹ thuật đỉnh cao để tạo tương tác thú vị về văn hóa bản địa, không chỉ thể hiện vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, con người Hội An, mà còn đáp ứng các tiêu chí về nghệ thuật, mang đến hiệu ứng giải trí thực thụ. Xác lập hai kỷ lục “Chương trình biểu diễn nghệ thuật thường nhật có số lượng diễn viên tham gia đông nhất” và “Sân khấu ngoài trời lớn nhất”, Ký ức Hội An nhanh chóng trở thành đòn bẩy thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế đến với địa phương.

“Cú huých” tăng trưởng từ du lịch sáng tạo ảnh 1

Khách du lịch tham quan phố cổ Hội An (Quảng Nam).

Tương tự, chương trình thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” do Công ty CP Tuần Châu đầu tư cũng được đánh giá là sản phẩm du lịch đột phá khi đưa người xem khám phá đời sống văn hóa phong phú của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Với mức đầu tư ban đầu là 800 tỷ đồng, các phân cảnh trong vở diễn đều được dàn dựng công phu, hoành tráng kết hợp sự hỗ trợ của hơn 600 thiết bị âm thanh chiếu sáng trên sân khấu nước rộng hơn 4.000 m2. Đầu tháng 6-2018, chương trình đã được trao giải Vàng Stevie Awards châu Á - Thái Bình Dương tại hạng mục “Đổi mới trong truyền thông, truyền thông thị giác và giải trí trực quan”. Cuối tháng 6-2018, Tinh hoa Bắc Bộ lại được Đài Truyền hình Mỹ CNN lựa chọn giới thiệu trong phóng sự “Destination: Hanoi”. Trong năm, chương trình nhận cú đúp hai kỷ lục Guinness Việt Nam dành cho: “Show diễn có sân khấu mặt nước lớn nhất Việt Nam” (4.300 m2), và “Show diễn có số lượng diễn viên là nông dân đông nhất Việt Nam” (150 nông dân).

3. Trong bối cảnh sản phẩm du lịch Việt nhìn chung còn đơn điệu, trùng lắp, thiếu bản sắc, bị nhận định là một trong những “điểm nghẽn” tồn tại nhiều năm qua, thì sự xuất hiện của những sản phẩm sáng tạo mang tính đột phá kể trên chính là tín hiệu vui cho thấy sự bứt phá trong tư duy làm du lịch. Đây rõ ràng không phải cú ăn may mà là sự đầu tư có tính toán, dựa trên việc xác định rõ lợi ích từ những giá trị mà du lịch sáng tạo mang lại. Có thể thấy, sự tham gia vào thị trường du lịch Việt của những tập đoàn lớn, những nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực kinh tế thời gian gần đây đã mang đến nhiều điều kiện thuận lợi hơn để hình thành những sản phẩm du lịch mới hội đủ tiêu chí: có ý tưởng khác biệt, ấn tượng trong trải nghiệm và tạo giá trị gia tăng cao.

Trong phát triển du lịch, sản phẩm được coi là yếu tố cốt lõi, là lý do, cũng là mục đích của mỗi chuyến du lịch. Sự khác biệt của sản phẩm tạo nên sức hút của điểm đến. Do đó, thu hút du khách bằng những sản phẩm du lịch sáng tạo đang là hướng đi đặc biệt được chú trọng trong nỗ lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, sự xuất hiện của những sản phẩm du lịch sáng tạo sẽ góp phần giảm sự tập trung vào những điểm du lịch truyền thống, giúp phân bố đều không gian du lịch, giảm tình trạng quá tải và mất cân đối như hiện tại. Sáng tạo trong xây dựng sản phẩm du lịch, nếu đi đúng hướng, sẽ nâng tầm giá trị của tài nguyên du lịch, mang đến các giá trị gia tăng và tạo nền tảng khác biệt trong lợi thế cạnh tranh du lịch, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa mạnh. Đây cũng là giải pháp quan trọng để tái cấu trúc ngành du lịch, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.

Tuy nhiên, tính mới, tính sáng tạo không phải yếu tố bất biến; cái mới của hôm nay theo quy luật sẽ trở thành cái cũ của ngày mai. Tương tự, các sản phẩm du lịch sáng tạo cũng sẽ chỉ mời gọi, thu hút du khách trong một thời gian nhất định. Do đó, bên cạnh việc đầu tư xây dựng những sản phẩm mới một cách có chiến lược, còn cần ý thức làm mới các sản phẩm trên nền móng cũ. Và để làm được điều này, cần vai trò kiến tạo chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ chế khuyến khích các ý tưởng sáng tạo trong xây dựng sản phẩm du lịch, sự quyết đoán của chủ đầu tư cũng như vai trò kết nối của các doanh nghiệp du lịch, cộng đồng làm du lịch trong quảng bá, phát huy giá trị sản phẩm.