Trong 20 năm chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, chúng đã trút xuống Củ Chi 240 nghìn tấn bom đạn và chất độc mầu da cam, dioxin, từng mở nhiều chiến dịch như: "Bóc vỏ trái đất", trận càn "Sedar Fall" trong suốt cả tháng trời với cả chục ngàn quân, hơn 100 xe tăng, xe bọc thép, 80 tàu chiến và nhiều máy bay, kể cả pháo đài bay B52. Nhưng Củ Chi vẫn giữ vững. Với 250 km đường hầm trong lòng đất, du kích Củ Chi đã tạo ra một trận đồ bát quái, bất ngờ từ lòng đất xông lên đánh giặc.
Theo thống kê, quân và dân Củ Chi đã tiêu diệt và làm bị thương 20 nghìn quân địch, phá hủy trên 5.000 xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi, phá hỏng 256 máy bay các loại, bắn chìm và làm cháy 22 tàu chiến của địch. Nhưng chiến thắng nào mà không có hy sinh, mất mát! Mảnh đất này đã thấm máu đào của hơn 44 nghìn liệt sĩ, những người con thân yêu từ khắp mọi miền đất nước.
Sau năm 1975, Củ Chi phải đối mặt với bao khó khăn: đất đai hoang tàn, bom mìn đầy rẫy. Cuộc sống người dân cơ cực, đói ăn, thiếu mặc. Một thời gian dài, Củ Chi được biết đến là một địa phương nghèo nhất của thành phố, của cả nước khi gần 30.000 người dân thường xuyên nhận lương thực cứu đói, hai phần ba tổng số nhà trên toàn huyện là tranh tre tạm bợ, dột nát.
Nhưng giờ đây quê hương đã nhiều đổi thay. Dọc theo những con đường nhựa liên xã hai bên xanh um những hàng cây là nhiều ngôi nhà cao tầng, tường xây, mái ngói đỏ tươi. Chuyện cơm áo, gạo tiền không còn là nỗi lo lớn hằng ngày. Hầu hết người dân quan tâm nghĩ cách làm ăn để kinh tế khá hơn, giàu hơn.
Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã tạo ra nhiều mô hình đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Bắt đầu từ mô hình "hai cây hai con" là cây rau an toàn, cây hoa cảnh, chăn nuôi bò sữa và cá sấu, giá trị sản xuất nông nghiệp của Củ Chi đã tăng đáng kể so với trước. Bình quân bước đầu đạt 35 triệu đồng/ha/năm. Không ít hộ nông dân sản xuất giỏi đã tạo ra giá trị 50 - 100 triệu đồng/ha/năm. Hiện đàn bò sữa Củ Chi đạt được 23.000 con, trong đó gần 8.000 con đang cho sữa đem lại thu nhập hơn 120 tỷ đồng/năm. Ðàn cá sấu phát triển nhanh đạt 16.000 con. Cây rau sạch, rau an toàn phát triển diện tích 885 ha đã đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho nông dân Củ Chi. Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện trong 5 năm tới sẽ nâng diện tích rau sạch, rau an toàn lên 3.000 ha. Hoa lan cây cảnh theo quy hoạch phát triển đến 2010 là 455 ha, hiện đã đầu tư trên 100 tỷ đồng với diện tích 50 ha. Hướng đi đúng, nông nghiệp Củ Chi đã và đang có bước phát triển nhanh chóng. Việc xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha đang trong tầm tay của người nông dân Củ Chi.
Năm năm qua, tăng trưởng kinh tế trên địa bàn huyện Củ Chi đạt 17,96%/năm, vượt 7,5% so chỉ tiêu. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh chóng. Công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 64,31%, nông nghiệp 28,16%, thương mại dịch vụ 7,54%. Củ Chi đã hình thành ba trung tâm công nghiệp tập trung: Tây Bắc Củ Chi, Tân Quy và Tân Phú Trung với tổng diện tích 1.260 ha, thu hút được trên 200 doanh nghiệp đầu tư, trong đó có 65 doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài, giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động địa phương với thu nhập bình quân 1,2 triệu đồng/tháng. Theo quy hoạch từ nay đến năm 2010, Củ Chi tiếp tục đưa vào sử dụng thêm 5 cụm công nghiệp rộng 550 ha với các ngành sản xuất, lắp ráp ô-tô, công nghiệp không gây ô nhiễm môi trường, chế biến thực phẩm,... Tỷ trọng công nghiệp lúc đó sẽ chiếm 74,5% cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chỉ còn dưới 15%.
Trong cuộc sống hôm nay, người Củ Chi luôn phát huy truyền thống cách mạng: kiên cường bám đất xây dựng quê hương giàu mạnh, biến Củ Chi từ một vùng đất hoang tàn thành một nơi "đất lành chim đậu". Ðồng chí Nguyễn Thị Phướng, Phó văn phòng UBND huyện Củ Chi cho biết, nhờ kinh tế phát triển mà bộ mặt nông thôn Củ Chi trong mấy năm trở lại đây đã có sự thay đổi "rất ấn tượng". Nhờ huy động sức dân, Củ Chi đã tạo bước đột phá về phát triển hạ tầng nông thôn.
Trong vài năm trở lại đây, nhân dân đã đóng góp gần 300 ha đất, gần cả trăm tỷ đồng để cùng nhà nước xây dựng 300 km hệ thống giao thông nông thôn, công trình phúc lợi công cộng. Tiêu biểu như gia đình ông Trần Thanh Bình ở ấp Ðồng Lớn, xã Trung Lập Thượng hiến 8.000 m2 đất, bà Lê Thị Bước ở ấp Trung Hưng hiến 7.500 m2, ông Phạm Văn Mí xã Nhuận Ðức hiến 4.000 m2,... Giao thông nông thôn đã cơ bản hoàn thành việc nhựa hóa, sỏi hóa, chấm dứt cảnh "nắng bụi, mưa sình" như một nỗi khổ bao đời nay. Các đường liên xã, liên ấp đều được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng do nhà nước và nhân dân cùng làm. Củ Chi đất thép lộ dần vóc dáng một đô thị mới phía Tây Bắc thành phố.
Sự hồi sinh của vùng "đất trắng" Củ Chi là một thực tiễn chứng minh, nhờ công cuộc đổi mới 20 năm qua, đời sống người dân Củ Chi ngày được nâng cao. Toàn huyện không còn nhà tranh tre nứa lá. 80% nhà ở đã được nâng cấp theo tiêu chuẩn kiên cố. Trong năm năm qua, với sự hỗ trợ của Trung ương, thành phố và các ngành, các cấp, Củ Chi đã xóa hết số hộ nghèo theo tiêu chí cũ, xây dựng 3.800 nhà tình nghĩa, 3.750 nhà tình thương, hỗ trợ 4.200 gia đình vay tiền xây nhà trả góp. Hiện thu nhập bình quân hiện đạt 8 triệu đồng/người/năm, cao hơn bình quân chung cả nước. Ðến cuối năm 2010, Củ Chi sẽ nâng mức thu nhập của người dân lên khoảng 15 triệu đồng/người/năm.
Với sự đổi thay kỳ diệu về kinh tế, năm 2005 Ðảng bộ và nhân dân Củ Chi đã vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời đổi mới. Trong thời chiến cũng như trong hòa bình dựng xây đất nước, Củ Chi xứng danh là vùng "đất thép thành đồng", là huyện hai lần đón nhận danh hiệu Anh hùng, xứng đáng với thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.