Đặc biệt, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cho tới nay, sự bùng nổ nhu cầu làm việc từ xa, dạy học trực tuyến, hội nghị trực tuyến đã kéo theo sự phát triển nhanh chóng của thị trường điện toán đám mây ở đất nước đông dân nhất thế giới.
Theo báo cáo do hãng phân tích thị trường iiMedia Research (Trung Quốc) công bố mới đây, quy mô thị trường điện toán đám mây Trung Quốc năm 2021 đã vượt 230 tỷ nhân dân tệ (khoảng 36 tỷ USD), dự kiến sẽ vượt 300 tỷ nhân dân tệ (khoảng 47 tỷ USD) vào năm 2023.
Những năm gần đây, việc xây dựng nền kinh tế số ở Trung Quốc đạt được những kết quả rõ nét, trong đó điện toán đám mây với vai trò là bộ phận quan trọng của hạ tầng kinh tế số, đã không ngừng mở rộng không gian thị trường, đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ và phát triển ngành nghề với mô hình dịch vụ ngày càng đa dạng.
Cùng với quá trình liên kết, tích hợp với internet và nền tảng đám mây, các ứng dụng của điện toán đám mây ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, góp phần quan trọng vào việc cải cách chất lượng, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế.
Theo ông Giả Tử Quân, chuyên gia Viện nghiên cứu phát triển ngành nghề thông tin điện tử Trung Quốc, qua hơn 10 năm phát triển, điện toán đám mây đã bước vào giai đoạn đổi mới năng động, được phổ cập và ứng dụng rộng rãi. Ngành này sẽ còn tiếp tục hoàn thiện cơ cấu, hướng tới chuỗi ngành nghề bao trùm các lĩnh vực tư vấn, thiết kế, triển khai, vận hành và bảo trì.
Hiện nay, ngành điện toán đám mây Trung Quốc đã hình thành một số doanh nghiệp đầu tàu có tầm ảnh hưởng toàn cầu, trong đó 4 doanh nghiệp lớn nhất là Alibaba, Huawei, Tencent và Baidu, hiện nắm tới 80% thị phần tại Trung Quốc.