Cột mốc chủ quyền - Địa chỉ đỏ trong lòng Đà Nẵng

NDO - Nhà trưng bày Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng chính thức đi vào hoạt động vào tháng 3/2018, đến nay, đã trở thành một địa chỉ đỏ trong lòng Đà Nẵng với hàng trăm ngàn lượt người dân, du khách đến tham quan. Nhà trưng bày Hoàng Sa là công trình minh chứng cho lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và ý chí bảo vệ cương giới lãnh thổ của tổ tiên, của các thế hệ người Việt đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà trưng bày Hoàng Sa - địa chỉ đỏ trong lòng Đà Nẵng.
Nhà trưng bày Hoàng Sa - địa chỉ đỏ trong lòng Đà Nẵng.

Những ngày này, Nhà trưng bày Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng liên tục tiếp đón các đoàn du khách đến tham quan.

Chúng tôi ghé thăm Nhà trưng bày Hoàng Sa, đúng dịp thầy trò Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) đang tham quan, trải nghiệm và dịp này, 61 học sinh khối lớp 3 là những em học sinh ưu tú nhất toàn khối được kết nạp vào Đội - Tự hào mang lên mình chiếc khăn quàng đỏ.

Thầy giáo Đặng Trọng Lan, Tổng phụ trách Đội nhà trường, chia sẻ: Thực hiện kế hoạch công tác Đội và phong chào thiếu nhi, năm học 2022-2023, được sự nhất trí của Hội đồng đội các cấp, của Ban giám hiệu nhà trường, sáng 18/1, Liên đội Trường Tiểu học Tô Hiến Thành long trọng tổ chức lễ kết nạp Đội cho 61 em nhi đồng khối lớp 3 vào tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam ngay tại Nhà trưng bày Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng.

“Chương trình học tập thực tế tại Nhà trưng bày Hoàng Sa giúp học sinh được tiếp cận trực quan các tài liệu, hình ảnh, hiện vật. Từ đó, hiểu hơn về quá trình khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa qua các thời kỳ lịch sử.

Việc tổ chức kết nạp đội viên cho các em tại địa chỉ đỏ này, thêm một lần nữa giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, biển đảo thiêng liêng cho học sinh”, thầy Lan chia sẻ.

Cột mốc chủ quyền - Địa chỉ đỏ trong lòng Đà Nẵng ảnh 1

Thầy trò trường Tiểu học Tô Hiến Thành, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng trong lễ kết nạp đội viên tại Nhà trưng bày Hoàng Sa ngày 18/1.

Mỗi năm cứ đến dịp này, lãnh đạo huyện đảo Hoàng Sa đều tổ chức thăm hỏi, tri ân những nhân chứng Hoàng Sa hiện đang sinh sống tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam.

Đặc biệt thực hiện lời hứa với các nhân chứng Hoàng Sa, Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa tổ chức thu thập tư liệu, hiện vật để in ấn và phát hành Cuốn tư liệu Hoàng Sa.

Cuốn sách dày 68 trang in màu, với nội dung gồm các tư liệu có tổng quan về Hoàng Sa, tư liệu Hoàng Sa. Đặc biệt trong cuốn tư liệu này còn có lý lịch, hồi ký của 33 nhân chứng lịch sử, là những người từng sống và làm việc tại Hoàng Sa.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa Võ Ngọc Đồng, cuốn tư liệu là những tài liệu, bút ký về Hoàng Sa của những nhân chứng sống.

Cột mốc chủ quyền - Địa chỉ đỏ trong lòng Đà Nẵng ảnh 2

Nhân chứng Phạm Sô (sinh năm 1934) nhận cuốn tư liệu Hoàng Sa từ ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa và ông Lê Tiến Công, Giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa, sáng 11/1.

Việc thực hiện cuốn tư liệu này cốt là để từng gia đình nhân chứng lưu giữ lại những hồi ký của chính các nhân chứng. Qua đó, sẽ giới thiệu lại cho con cháu và nhiều người khác, nhắc nhở các thế hệ mai sau rằng Hoàng Sa là của Việt Nam. Đây là món quà đặc biệt mà 1 năm qua, chúng tôi ấp ủ, dành nhiều tâm huyết để thực hiện cũng một phần nhằm tri ân các nhân chứng.

Ông Lê Tiến Công, Giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa, đơn vị chịu trách nhiệm chính thực hiện cuốn tư liệu trên cho hay, khi đón nhận cuốn tư liệu Hoàng Sa, tất cả các nhân chứng, đại diện gia đình đều xúc động và tự hào. Nhiều nhân chứng lật giở từng trang, đọc kỹ từng dòng chữ một như để nhắc nhớ về kỷ niệm một thời ở Hoàng Sa.

Cột mốc chủ quyền - Địa chỉ đỏ trong lòng Đà Nẵng ảnh 3

Nhà trưng bày Hoàng Sa trở thành cột mốc sống, địa chỉ đỏ trong lòng Đà Nẵng.

Trong số các nhân chứng, người có thời gian sinh sống và làm việc ở Hoàng Sa lâu nhất là ông Võ Như Dân (sinh năm 1937, trú phường Bình Hiên, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng - đã mất năm 2021).

Ông Dân là nhân viên trạm quan trắc Hoàng Sa và ở đảo suốt 13 năm kể từ năm 1956 đến năm 1969. Tại cuốn tư liệu này, UBND huyện Hoàng Sa đã trích lại phần hồi ký có tên “Nhớ Hoàng Sa” được ông Võ Như Dân viết khi còn sống.

Trong những dòng hồi ký này, ông Dân kể lại những câu chuyện ngắn ngủi, bình dị trong thời gian sống trên đảo. Ông miêu tả về Hoàng Sa khi đó có “4 cái lô cốt và một miếu Bà xây hướng về thành phố Đà Nẵng”. Trên đảo còn có 4 cái nhà gồm nhà ở, nhà thờ, nhà bếp và có cây cối. Ngoài thời gian làm việc, ông hay đi bắt cá, bắt ốc rồi phơi khô, dành mang về đất liền cho vợ con.

Cột mốc chủ quyền - Địa chỉ đỏ trong lòng Đà Nẵng ảnh 4

Những cây bàng vuông được mang về từ quẩn đảo Trường Sa - đang vươn lên xanh mát phía trước cổng Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Mỗi nhân chứng có một công việc đặc thù không giống nhau nên đã mang lại nhiều câu chuyện khác nhau, qua từng câu chuyện đó, thấy được những sinh hoạt và cuộc sống bình thường trên đảo Hoàng Sa.

Có người là lính, có người là nhân viên khí tượng hay có người là nhân viên kỹ thuật. Có người ra Hoàng Sa 1,2 lần và cũng có người ra đến 10 lần. Họ mang đến một góc nhìn, một câu chuyện, một kỷ niệm về Hoàng Sa. “Đó là những ký ức không thể xóa mờ”, ông Công nói.

Những ngày này, Nhà trưng bày Hoàng Sa liên tiếp đón các đoàn khách tham quan. Và cảm động hơn khi những cây bàng vuông được mang về từ quần đảo Trường Sa, đang vươn lên xanh mát phía trước cổng Nhà trưng bày.

Và với mỗi người dân đất Việt - Hoàng Sa, Trường Sa là một phần máu thịt, không thể tách rời.

Ngày 19/1/1974, Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa. Việt Nam đã kiên quyết, kiên trì phản đối sự chiếm giữ trái phép của Trung Quốc đối với Hoàng Sa.

Bên cạnh đó, Việt Nam luôn duy trì hoạt động quản lý nhà nước đối với Hoàng Sa. Ngày 11/12/1982, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Theo Nghị định số 07/CP của Chính phủ vào ngày 23/1/1997 về việc thành lập đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Đà Nẵng, huyện đảo Hoàng Sa là một trong những quận, huyện của thành phố Đà Nẵng.