Công tác nhân sự tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội được thực hiện thận trọng, chặt chẽ

NDO -

Công tác nhân sự tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đạt được sự thống nhất rất cao của các đại biểu Quốc hội.

Quang cảnh phiên họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: DUY LINH)
Quang cảnh phiên họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: DUY LINH)

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực phát triển đất nước

Chiều 30/11, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng chủ trì họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Trình bày báo cáo kết quả kỳ họp, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang nêu rõ, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra ngay sau thành công rất tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII để xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Tại phiên khai mạc kỳ họp, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội.

Sau 29,5 ngày làm việc (chia làm 2 đợt), với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, chủ động, khẩn trương và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với việc xem xét 51 nội dung, nhóm nội dung, bao gồm: 33 nội dung thuộc công tác lập pháp, 18 nhóm nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời có 12 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội nghiên cứu.

Công tác nhân sự tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội được thực hiện thận trọng, chặt chẽ ảnh 1

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng chủ trì họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: DUY LINH)

Sau khi xem xét kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết, bên cạnh đó đã cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác; xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; cùng với đó, Quốc hội đã xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia và nhiều vấn đề quan trọng; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, cùng một số nội dung quan trọng khác.

Công tác nhân sự được thực hiện thận trọng, chặt chẽ

Về công tác nhân sự, ông Nguyễn Trường Giang cho biết, Quốc hội đã bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lương Cường; miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội và cho thôi làm đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Bùi Văn Cường thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương.

Công tác nhân sự tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội được thực hiện thận trọng, chặt chẽ ảnh 2

Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang phát biểu tại họp báo. (Ảnh: DUY LINH)

Quốc hội cũng bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội đối với ông Lê Quang Tùng; phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm Bộ trưởng Tài chính nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Văn Thắng.

Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Bộ trưởng Tài chính nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Văn Thắng, bổ nhiệm Bộ trưởng Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Trần Hồng Minh; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với ông Nguyễn Quốc Đoàn và ông Lê Tiến.

Theo Phó Tổng Thư ký Quốc hội, công tác nhân sự được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, bảo đảm đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạt được sự thống nhất rất cao của các đại biểu Quốc hội. Sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch nước Lương Cường đã tuyên thệ, phát biểu nhậm chức theo quy định của Hiến pháp.

Ngoài ra, Quốc hội đã xem xét, thảo luận các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Quốc hội biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội.

Chưa tăng tiền lương khu vực công trong năm 2025

Công tác nhân sự tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội được thực hiện thận trọng, chặt chẽ ảnh 4

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng phát biểu tại họp báo. (Ảnh: DUY LINH)

Tại Nghị quyết số 159/2024/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025: Quốc hội thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 với số thu ngân sách nhà nước là 1.966.839 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.548.958 tỷ đồng.

Mức bội chi ngân sách nhà nước là 471.500 tỷ đồng (tương đương 3,8% GDP); tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 835.965 tỷ đồng.

Đồng thời, Quốc hội quyết định chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025.

Cho phép sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ địa phương khác thực hiện nhiệm vụ này trong trường hợp địa phương không sử dụng hết nguồn; thực hiện chuyển nguồn số kinh phí chưa sử dụng hết sang năm 2025.