Công tác khuyến nông

NDO - Gần 20 năm kể từ ngày Chính phủ ban hành Nghị định số 13/1993/NÐ-CP ngày 2-3-1993 quy định về công tác khuyến nông, đến nay hệ thống tổ chức khuyến nông đã hình thành và phát triển từ Trung ương tới cấp tỉnh, huyện, xã và đến tận thôn, bản. Cả nước hiện có hơn 33 nghìn cán bộ làm công tác khuyến nông các cấp, trong đó có hơn 2.100 cán bộ khuyến nông cấp tỉnh, gần 3.800 cán bộ khuyến nông cấp huyện, hơn 9.300 khuyến nông viên cấp xã và hơn 18.400 cộng tác viên khuyến nông tại các thôn, bản.

Hằng năm, bằng nguồn ngân sách khuyến  nông Trung ương, Trung tâm Khuyến  nông  quốc  gia  phối hợp với các đơn vị, cơ quan nghiên cứu, đào tạo về nông nghiệp, các hội, đoàn thể trong và ngoài ngành nông nghiệp và 63 tỉnh, thành phố triển khai, xây dựng hàng nghìn điểm mô hình, chuyển giao khoa học công nghệ; tổ chức đào tạo tập huấn viên khuyến nông, nông dân chủ chốt và hàng triệu lượt nông dân sản xuất nông nghiệp; phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng Trung ương, địa phương và ngành tuyên truyền chủ trương, chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn của Ðảng và Nhà nước, phổ biến kiến thức và các mô hình, điển hình sản xuất nông nghiệp trên toàn quốc. Ðặc biệt, công tác xã hội hóa khuyến nông được nâng lên rõ rệt và có hiệu quả. Nhiều viện nghiên cứu, doanh nghiệp đã hỗ trợ nguồn lực chuyển giao mạnh mẽ các tiến bộ kỹ thuật cho sản xuất và giải quyết đầu ra nông sản cho nông dân. Công tác khuyến nông không chỉ đơn thuần là hoạt động chuyên môn kỹ thuật nông nghiệp, mà còn là công tác chính trị, xã hội, góp phần thay đổi nhận thức, nâng cao kỹ năng sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho nông dân.

Thực tế những năm qua cho thấy, các tổ chức khuyến nông luôn đồng hành cùng bà con nông dân giành được nhiều thắng lợi trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên để hoạt động khuyến nông phát huy được hiệu quả hơn nữa, cần xây dựng hệ thống chính sách khuyến nông dựa trên nhu cầu của nông dân và gắn với chiến lược phát triển của ngành, địa phương; các văn bản hướng dẫn, văn bản pháp quy về công tác khuyến nông cần phù hợp, linh hoạt hơn và sát với thực tiễn sản xuất; xây dựng hệ thống khuyến nông đông về lực lượng, mạnh về tổ chức, giỏi về nghiệp vụ và chuyên môn. Trước mắt, để tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của công tác khuyến nông, cần xem xét sử dụng nguồn kinh phí khuyến nông Trung ương hỗ trợ các địa phương bảo đảm công bằng giữa các vùng, miền, khu vực, nhất là các huyện nghèo, địa phương bị thiệt hại về thiên tai; có chính sách ưu đãi đối với cán bộ làm công tác khuyến nông ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo. Hệ thống khuyến nông cần làm tốt hơn nữa vai trò thông tin tuyên truyền, đào tạo huấn luyện, xây dựng mô hình trình diễn, tư vấn, dịch vụ và hợp tác quốc tế, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, nâng cao trình độ kỹ thuật, canh tác cho nông dân; chuyển tải kịp thời mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước về phát triển sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn.