Công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc cấp xã còn nhiều khó khăn

Đã từ lâu, công tác giám sát luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp. Trong những năm qua, nhiệm vụ này được MTTQ cấp Trung ương, tỉnh, thành phố triển khai với nhiều hoạt động cụ thể và phát huy được giá trị thực tiễn. Tuy nhiên, hoạt động giám sát của MTTQ cấp xã tại nhiều nơi đang gặp không ít khó khăn, hạn chế.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. (Ảnh QUANG VINH)
Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. (Ảnh QUANG VINH)

Chính quyền cấp xã là cầu nối quan trọng giữa Nhà nước với nhân dân, là nơi triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chính vì vậy, công tác giám sát của MTTQ cấp xã có vai trò và vị trí quan trọng. Hiện nay, tại nhiều xã, Ban thường trực Ủy ban MTTQ xã đã thành lập Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, Ban thanh tra nhân dân, chủ động phối hợp tham gia thực hiện giám sát những nội dung theo quy định trong Pháp lệnh thực hiện quy chế dân chủ, như:

Giám sát việc thu, chi, sử dụng các loại quỹ do nhân dân đóng góp để xây dựng nông thôn mới; việc bê-tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn; công tác tiếp công dân, tiếp nhận giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân...

Tại tỉnh Tuyên Quang, MTTQ nhiều xã đã chủ trì giám sát và phối hợp giám sát nhiều nội dung, nhất là việc triển khai thực hiện các dự án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sau giám sát, các đoàn giám sát có báo cáo kịp thời về những vấn đề đặt ra. Ngay sau đó, Phòng dân tộc của các huyện đã ban hành các văn bản hướng dẫn Ủy ban nhân dân các xã tăng cường phối hợp, triển khai thực hiện các dự án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng kế hoạch phối hợp Ủy ban MTTQ huyện tổ chức tập huấn cho cán bộ thôn về kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình.

MTTQ xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) đã giám sát đối với các công trình xây dựng đường giao thông nông thôn; thanh tra việc đóng góp xây dựng đường giao thông và thu nộp các loại quỹ tại thôn Trấn Thanh... Công tác giám sát đã giúp việc thi công các công trình trên địa bàn bảo đảm chất lượng, đúng quy định; công tác thu, nộp các loại quỹ bảo đảm công khai, minh bạch, không xảy ra bức xúc trong nhân dân. MTTQ xã còn phối hợp giải quyết hơn 100 đơn thư của công dân, duy trì hoạt động 5 tổ hòa giải cơ sở, giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn trong nhân dân ngay từ địa bàn dân cư không để đơn thư vượt cấp...

Tuy nhiên, những mô hình, cách làm hay trong công tác giám sát của MTTQ cấp xã đối với chính quyền cùng cấp hiện nay chưa nhiều, hiệu quả đời sống, hiệu lực pháp luật chưa cao. Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân chủ và pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Duy Thường cho rằng, vẫn còn tình trạng một số cấp ủy, chính quyền, MTTQ ở cơ sở chưa nắm vững vai trò giám sát của MTTQ cấp xã; nhiều người chưa hiểu rõ tính chất, mục đích, nguyên tắc, đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát, quyền và trách nhiệm của MTTQ trong hoạt động giám sát đã được quy định trong luật… Do vậy, quá trình tổ chức thực hiện công tác giám sát còn có những khó khăn, trở ngại, vướng mắc.

Đáng chú ý, công tác giám sát của MTTQ cấp xã đối với hoạt động của chính quyền cấp cơ sở nhiều nơi còn hình thức. Trong thực hiện giám sát, một số nơi cán bộ Mặt trận chưa thể hiện được bản lĩnh dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vẫn còn nể nang, né tránh; một số nơi thiếu chủ động xây dựng và triển khai các hoạt động giám sát.

Giám sát đối với chính quyền cấp xã là một yêu cầu quan trọng để Mặt trận thực hiện vai trò nòng cốt, qua đó nhân dân được thực hiện quyền làm chủ. Vì vậy, Ủy ban MTTQ các cấp cần tiếp tục làm rõ hơn căn cứ chính trị, pháp lý, sự cần thiết và yêu cầu thực tiễn của MTTQ giám sát hoạt động của chính quyền cấp cơ sở hiện nay.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần chú trọng nghiên cứu, điều chỉnh trong xây dựng kế hoạch, nội dung giám sát cũng như ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ giám sát hằng năm; đề xuất, kiến nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về giám sát của MTTQ Việt Nam đối với hoạt động của chính quyền cấp cơ sở. Đây là cơ sở quan trọng để Mặt trận cấp xã triển khai tốt hơn, hiệu quả hơn nữa việc giám sát.

Theo các chuyên gia, nhà khoa học của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ cấp xã cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về vai trò giám sát của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay, với tính chất là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện công khai, minh bạch, không chồng chéo, không làm cản trở hoạt động của chính quyền cơ sở.

Khi thực hiện giám sát hoạt động của chính quyền cấp cơ sở, MTTQ cấp xã cần chủ động, kịp thời nắm chắc tình hình dư luận cũng như sự giám sát của nhân dân, đồng thời thực hiện tốt việc theo dõi, giám sát và tái giám sát việc giải quyết, khắc phục những kiến nghị sau giám sát. Để bảo đảm điều kiện cho công tác giám sát ở cơ sở, hằng năm. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã phải dự trù kinh phí đầy đủ theo quy định, hướng dẫn của pháp luật về tài chính...

Nội dung giám sát của Mặt trận cơ sở cần tập trung vào các lĩnh vực, như: việc thực hiện chủ trương của Đảng ủy cấp xã; việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước của chính quyền cơ sở liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân địa phương; việc thực hiện pháp luật dân chủ ở cơ sở; chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động giám sát của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng...

Đây là những nội dung quan trọng, gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của không chỉ người dân mà còn của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Bởi vậy, vai trò giám sát của Ủy ban MTTQ cấp xã đối với chính quyền xã, phường, thị trấn cần được xác định là một trong những công tác hàng đầu đối với hoạt động của MTTQ Việt Nam.

Sự ủng hộ, kỳ vọng của nhân dân là yếu tố thuận lợi, đồng thời cũng là áp lực đối với Mặt trận cấp cơ sở trong việc triển khai công tác giám sát. Điều này đòi hỏi Mặt trận phải làm tốt hơn công tác giám sát từ khâu lựa chọn nội dung đến khâu tiến hành giám sát và kiến nghị sau giám sát để hoạt động giám sát thật sự mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân...