Báo cáo công tác dân số cho thấy, chỉ có duy nhất chỉ tiêu về tuổi thọ trung bình (tính từ lúc sinh) của Việt Nam là 73,8 tuổi là đạt kế hoạch, còn khá nhiều chỉ tiêu không hoàn thành và đứng trước những khó khăn, thách thức. Mức sinh giảm dưới mức sinh thay thế, còn biến động khó lường; hoạt động cung ứng dịch vụ dân số bị gián đoạn; tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn không đạt mục tiêu…
Mất cân bằng giới tính khi sinh là một thách thức với công tác dân số từ nhiều năm nay và đang có dấu hiệu gia tăng. Ước cả năm 2023 là 113,2 bé trai/100 bé gái sinh ra sống, không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm là 111,2 số bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Vẫn là những nguyên nhân chưa khắc phục được gần 10 năm nay, đó là do tâm lý ưa thích con trai và mong có con trai trong gia đình quy mô nhỏ, lạm dụng khoa học-công nghệ để lựa giới tính, việc thực hiện quy định pháp luật chưa nghiêm...
Tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,95 con/phụ nữ, tiếp tục giảm so với năm 2022 và ở dưới mức sinh thay thế, không đạt kế hoạch đề ra (2,1 con/phụ nữ)… Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ hai con và các mô hình can thiệp để nâng mức sinh thuộc vùng mức sinh thấp (các can thiệp đối với đối tượng vị thành niên, thanh niên, dự phòng vô sinh tại cộng đồng đối với nhóm dân số trẻ, khóa học trước khi kết hôn...) đang trong quá trình xây dựng, đề xuất nên chưa đủ mạnh để nâng mức sinh.
Tại các tỉnh có mức sinh cao, còn hạn chế tiếp cận biện pháp tránh thai do thiếu phương tiện tránh thai (thuốc cấy, thuốc tiêm không có); sụt giảm nghiêm trọng kinh phí triển khai chương trình; một số nơi ngân sách địa phương chỉ cấp miễn phí phương tiện tránh thai cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo và bảo trợ xã hội.
Số phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh chủ yếu bằng kỹ thuật siêu âm (tương ứng 69,63%), trong khi đó chỉ có 11,65% phụ nữ mang thai được sàng lọc bằng kỹ thuật xét nghiệm. Nếu chỉ tính tỷ lệ sàng lọc trước sinh bằng siêu âm thì đạt chỉ tiêu giao, nhưng nếu tính sàng lọc trước sinh đủ bốn bệnh là không đạt chỉ tiêu.
Nguyên nhân không đạt là do phần lớn các tỉnh, thành phố chưa có năng lực thực hiện sàng lọc trước sinh bằng kỹ thuật xét nghiệm. Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát (sàng lọc sơ sinh đủ năm bệnh), năm 2023 chỉ mới có 59,91% số trẻ được sàng lọc đủ năm bệnh...
Về kinh phí để triển khai hoạt động khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi còn nhiều bất cập, như chưa bố trí kinh phí; bố trí nhưng ít, không đủ để thực hiện cho tất cả đối tượng người cao tuổi. Có địa phương có kinh phí nhưng chưa ghi rõ nội dung, định mức chi nên không thể thực hiện hoặc lúng túng trong việc sử dụng nguồn kinh phí.
Kết quả giám sát cho thấy hầu hết trạm y tế (tại địa bàn giám sát) đều có cán bộ y tế có khả năng cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản thường xuyên như: khám thai, khám phụ khoa, tiêm thuốc tránh thai, cấy thuốc tránh thai, cung cấp bao cao-su… Tuy nhiên, chỉ một số ít cán bộ y tế được cấp chứng chỉ về đặt dụng cụ tránh thai và cấy thuốc tránh thai, khiến cho việc đáp ứng dịch vụ tại trạm y tế còn hạn chế, nhiều nơi phải mời cán bộ trung tâm y tế, bệnh viện hoặc trạm khác để hỗ trợ khi có nhu cầu. Một số trạm, cán bộ y tế chưa đủ điều kiện thực hiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình theo quy định như siêu âm, xét nghiệm nên không chủ động đáp ứng được yêu cầu của người dân...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình thiếu và yếu về nhiều mặt. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do cơ cấu và tổ chức bộ máy của ngành dân số liên tục gặp biến động, nhất là tuyến cơ sở; đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số thường xuyên thay đổi; kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ vừa thiếu và vừa yếu. Một số địa phương vẫn chưa ban hành đầy đủ văn bản để thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành. Tổ chức bộ máy làm công tác dân số luôn không ổn định, thiếu thống nhất giữa các tỉnh, thành phố kéo theo biến động lớn về đội ngũ công chức, viên chức làm công tác dân số theo hướng giảm dần cán bộ có kinh nghiệm, nhất là cấp huyện trở xuống. Việc giao nhiệm vụ cho viên chức thực hiện nhiệm vụ công tác dân số tại nhiều nơi không hợp lý, không theo vị trí việc làm…
Ðể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao chất lượng dân số tại các tuyến, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các tỉnh, thành phố lồng ghép các yếu tố dân số vào trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong quá trình triển khai, thực hiện; ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, Nghị quyết 137/NQ-CP (đối với các tỉnh chưa ban hành hoặc ban hành chưa đầy đủ); bố trí đủ kinh phí từ ngân sách của địa phương để thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về dân số; ban hành theo thẩm quyền quy định cụ thể đối với một số chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách, các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương, cơ chế đầu tư, chính sách ưu đãi, khuyến khích các cơ quan, đơn vị, cá nhân cung cấp các dịch vụ dân số phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế ở địa phương. Bảo đảm miễn phí biện pháp tránh thai hiện đại cho tất cả người dân có nhu cầu sử dụng. Tổ chức các chiến dịch cung cấp các gói dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản tại các địa bàn; bảo đảm thuốc thiết yếu, trang thiết bị, dụng cụ y tế, phương tiện tránh thai phục vụ chiến dịch đầy đủ và kịp thời. Các địa phương triển khai các mô hình can thiệp, khuyến khích người dân không kết hôn và sinh con quá sớm, không sinh quá dày và nhiều con. Tuyên truyền thực hiện "mỗi gia đình, cặp vợ chồng sinh đủ hai con"; đồng thời huy động các nguồn lực triển khai các mô hình hỗ trợ, khuyến khích sinh đủ hai con...
Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố giữ ổn định tổ chức bộ máy chuyên trách làm công tác dân số các cấp; thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chuẩn hóa đội ngũ làm công tác dân số; đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ y tế, dân số, cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản, người cung cấp dịch vụ.