Công nghệ tạo cầu nối di sản với cộng đồng

Nhiều loại hình di sản không dễ tạo ấn tượng với công chúng, nhất là công chúng trẻ tuổi. Tuy nhiên, với sự tham gia của công nghệ, các loại hình di sản được giới thiệu theo cách thức hoàn toàn mới, giúp người xem có thể tương tác với di sản, "bước vào" thế giới di sản. Ðiển hình là việc giới thiệu tranh Hàng Trống bằng công nghệ đa phương tiện thời gian qua. Phương thức này mở ra một hướng mới trong giới thiệu, quảng bá di sản, nhất là với đối tượng khách tham quan trẻ tuổi.

Khách tham quan trải nghiệm công nghệ mới khi tham gia triển lãm tranh Hàng Trống.
Khách tham quan trải nghiệm công nghệ mới khi tham gia triển lãm tranh Hàng Trống.

Tranh dân gian Hàng Trống là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Hà Nội. Dẫu vậy, trên thực tế, do chủ đề tranh thờ chiếm một khối lượng lớn, đồng thời, cuộc sống đổi thay, cho nên không phải ai cũng hiểu và thích khám phá dòng tranh này. Nhưng dịp cuối tháng 11, đầu tháng 12, triển lãm Tranh dân gian Hàng Trống (Bảo tàng Hà Nội, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) đã làm thay đổi quan niệm của nhiều người. Không chỉ thu hút đông khách tham quan, mà trong dòng khách đến ngắm tranh, có rất nhiều bạn trẻ. Yếu tố mấu chốt tạo nên sự thay đổi đó là sự tham gia của công nghệ.

Ngoài 50 bức tranh Hàng Trống với nhiều chủ đề khác nhau được nghệ nhân Lê Ðình Nghiên và con trai ông là Lê Hoàn thực hiện được đem đến khán giả, Bảo tàng Hà Nội còn giới thiệu khoảng 100 bức tranh dân gian Hàng Trống bằng công nghệ đa phương tiện. Trong đó nổi bật là công nghệ 3D mapping. Ðây là công nghệ dùng ánh sáng tạo những hiệu ứng hình ảnh 3D đặc biệt trên các bề mặt tiếp xúc, nhằm tạo khối hình ảnh tương tác trong không gian ba chiều. Các chuyên gia đã số hóa tranh Hàng Trống, sau đó "tái tạo" những bức tranh dân gian này bằng máy chiếu 3D. Việc kết hợp hình ảnh 3D với âm thanh để tạo nên những hiệu ứng đẹp mắt khiến khán giả thích thú.

Ðến với triển lãm đa phương tiện tranh dân gian Hàng Trống, khách tham quan còn được "tương tác" với các bức tranh. Bảo tàng Hà Nội đã phối hợp các chuyên gia ứng dụng công nghệ "AI deep learning". Ðây là một ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Ứng dụng công nghệ này, trí tuệ nhân tạo học theo nét vẽ và phong cách vẽ của tranh dân gian Hàng Trống và tạo ra hình ảnh của khách tham quan theo đường nét, phong cách tranh Hàng Trống. Khi bước vào trải nghiệm tại không gian này, sau khi "vẽ" lại, trí tuệ sẽ lập tức đưa hình ảnh của khách tham quan vào tranh. Ðiều đó khiến khách tham quan xuất hiện trong nhiều bức tranh Hàng Trống.

Chị Vũ Thúy Hà (phố Ðội Cấn, quận Ba Ðình) cho biết: "Trước đây, tôi nghĩ tranh dân gian là những gì cổ điển, khó hiểu, khó xem. Nhưng tham quan triển lãm này tôi thấy rất thú vị. Con gái tôi cũng tò mò và thích thú khi thử làm một nhân vật trong tranh. Tôi nghĩ với cách làm này sẽ thu hút được nhiều người đến với tranh dân gian".

Ðây là lần thứ hai Bảo tàng Hà Nội ứng dụng công nghệ 3D mapping và trí tuệ nhân tạo để "vẽ" lại khách tham quan trước khi đưa vào tranh. Trước đó, dịp kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2019), Bảo tàng Hà Nội đã giới thiệu tranh Bùi Xuân Phái kết hợp "thực" và "ảo". Thay vì chỉ xem các bức tranh được treo lên thông thường, khách tham quan được "đắm chìm" trong không gian của Phái "phố". Bản thân mình được "vẽ lại" bằng phong cách của cố danh họa Bùi Xuân Phái và xuất hiện lấp ló đâu đó trong những bức tranh phố cổ liêu xiêu u hoài của danh họa. Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Ðà cho biết: "Với cách tổ chức kết hợp "thực" và "ảo", những người yêu thích ngắm tranh theo cách truyền thống có thể tham quan không gian trưng bày thực. Tuy nhiên, với những người ưa khám phá công nghệ, Bảo tàng Hà Nội đã sử dụng các công nghệ đa phương tiện, kết hợp âm thanh, ánh sáng đặc biệt để tái hiện lại di sản, nghệ thuật một cách riêng. Ðây là cách để thu hút khách tham quan thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau". Từ tối 13 đến 15-12, tại Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục giới thiệu tranh Hàng Trống ứng dụng công nghệ đa phương tiện để phục vụ nhu cầu khám phá của khách tham quan tại khu vực Vườn hoa Lý Thái Tổ.

Trên thế giới, công nghệ đang được ứng dụng ngày một mạnh mẽ hơn vào quảng bá di sản văn hóa. Giới trẻ vốn ham mê công nghệ và thế mạnh công nghệ giúp di sản tiếp cận với giới trẻ một cách thuận lợi hơn. Họa sĩ Ðặng Thị Khuê đánh giá việc sử dụng công nghệ giới thiệu di sản, giới thiệu văn hóa là một bước ngoặt quan trọng trong cả nhận thức và cách quản lý văn hóa, cách làm truyền thông và bảo tàng trong thời đương đại. Kinh nghiệm của Bảo tàng Hà Nội cần được phát huy hơn nữa trong giới thiệu các loại hình di sản, cũng như ứng dụng trong quảng bá văn hóa, nhất là các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác. Tuy nhiên, nhược điểm của ứng dụng công nghệ là khá tốn kém. Trong hai lần tổ chức giới thiệu văn hóa bằng ứng dụng công nghệ 3D mapping và AI deep learning, Bảo tàng Hà Nội phải mượn các loại máy chiếu để phục vụ công chúng nên thời gian phục vụ bị hạn chế. Ðể có thể phát huy hơn nữa vai trò của công nghệ, cần sự đầu tư bài bản hơn.