Sớm nhận thức được vai trò quan trọng của ngành công nghệ sinh học trong phát triển kinh tế-xã hội, cũng như trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã ưu tiên đầu tư, nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng ngành công nghệ sinh học. Tuy đã đạt được một số kết quả quan trọng, nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận kết quả đạt được vẫn chưa được như kỳ vọng đề ra.
Được xem là cái nôi khoa học-công nghệ cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều thuận lợi để trở thành trung tâm nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất về công nghệ sinh học. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 130 phòng thí nghiệm phân tích chất lượng sản phẩm công nghệ sinh học thuộc nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, thực phẩm, dược phẩm, môi trường… Những phòng thí nghiệm này từng bước được xây dựng đồng bộ, hiện đại, bước đầu đáp ứng nhu cầu nghiên cứu phát triển.
Đáng chú ý, thành phố có Trung tâm Công nghệ sinh học trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh; đây là hai đơn vị chủ lực để nghiên cứu, ươm tạo, ứng dụng và triển khai các tiến bộ công nghệ sinh học. Trên địa bàn thành phố cũng tập trung nhiều viện nghiên cứu, trường đại học uy tín, có thế mạnh về nghiên cứu khoa học-công nghệ... Những lợi thế trên đã giúp thành phố tạo được những thành công bước đầu trong nghiên cứu, phát triển công nghệ sinh học.
Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, đã chọn tạo được nhiều giống cây trồng mới như: Hoa lan, dưa lưới, dưa leo, cà chua bi, cà chua, khổ qua, ớt cay; xây dựng các quy trình nhân giống và canh tác rau, hoa kiểng và dược liệu. Nghiên cứu ứng dụng vi sinh vật và công nghệ nano trong trồng trọt đã tạo ra được nhiều chế phẩm sinh học có tính ứng dụng thực tiễn cao.
Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong lai tạo giống, quy trình nuôi dưỡng, điều trị, phòng bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi cũng có nhiều bước tiến vượt bậc. Trong lĩnh vực thủy sản, thành phố tập trung nghiên cứu tạo giống cá cảnh quý hiếm, có giá trị cao để xuất khẩu; nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống, nuôi thương phẩm, phòng chống bệnh thủy sản. Ứng dụng vi sinh vật để xử lý các phế phụ phẩm trong nông nghiệp, chất thải rắn hữu cơ, xử lý ô nhiễm môi trường, cải tạo đất nông nghiệp. Đối với lĩnh vực y dược, nghiên cứu một số hoạt chất từ thực vật, cây thuốc để phát triển các chế phẩm ứng dụng làm thuốc chống ung thư, làm thuốc điều trị u xơ tuyến tiền liệt...
Theo dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, đến năm 2030, thành phố đặt mục tiêu số doanh nghiệp công nghiệp sinh học tăng 50% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng, thay thế ít nhất 50% sản phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu; đóng góp 7% vào GRDP của thành phố. Công nghệ sinh học đạt trình độ tiên tiến trên một số lĩnh vực quan trọng, dẫn đầu cả nước về sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học...
Để xây dựng ngành công nghệ sinh học thành một trong những ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GRDP, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; xây dựng chính sách phù hợp, các cơ chế bảo đảm mối liên kết, gắn bó giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học. Đồng thời, chú trọng hơn việc phát triển nguồn nhân lực bằng cách xây dựng chính sách ưu đãi để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học; phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm xuất sắc giúp giải quyết các bài toán lớn trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Cùng với đó, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học theo hướng hiện đại...