Công nghệ mã vạch trở nên phổ biến ở các quán ăn, nhà hàng tại Mỹ

NDO -

Tại châu Mỹ, giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc giờ đây đã trở thành nguyên tắc “bình thường mới” ở nhiều nơi và công nghệ mã vạch (QR code) cũng trở nên phổ biến ở các quán ăn, nhà hàng tại Mỹ, nhất là tại các thành phố và bang lớn như New York.

Khu vực gần Quảng trường Thời đại tại New York, Mỹ, ngày 23/7. (Ảnh: Reuters)
Khu vực gần Quảng trường Thời đại tại New York, Mỹ, ngày 23/7. (Ảnh: Reuters)

Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 8 giờ sáng 31/8 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 217.866.337 ca mắc Covid-19, trong đó có 4.522.921 ca tử vong. Hơn 194,71 triệu bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 18,63 triệu bệnh nhân đang điều trị.

Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với hơn 39,94 triệu ca bệnh, trong đó có hơn 656.300 ca tử vong. Hiện mỗi ngày quốc gia này ghi nhận hơn 100.000 ca mắc mới, chủ yếu do sự lây lan của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.

Tiếp đến là Ấn Độ với hơn 32,76 triệu ca mắc, trong đó có hơn 438.500 ca tử vong. Đứng thứ ba thế giới là Brazil với hơn 20,75 triệu ca mắc, trong đó có hơn 579.600 ca tử vong.

Tại châu Mỹ, giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc giờ đây đã trở thành nguyên tắc “bình thường mới” ở nhiều nơi và công nghệ mã vạch (QR code) cũng trở nên phổ biến ở các quán ăn, nhà hàng tại Mỹ, nhất là tại các thành phố và bang lớn như New York.

Để được phục vụ, thực khách dùng điện thoại cá nhân quét lên bảng mã vạch của nhà hàng đặt sẵn trên từng bàn lập tức sẽ truy cập được thực đơn và gọi đồ một cách dễ dàng mà không phải tiếp xúc trực tiếp với nhân viên của quán. Khách hàng cũng có thể tự nhập thông tin thẻ và trả tiền khi dùng bữa xong mà không phải tiếp xúc với bất kỳ ai.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Nhà hàng Mỹ, có tới một nửa số nhà hàng quy chuẩn trên toàn nước Mỹ đã chuyển sang sử dụng thực đơn dùng mã vạch kể từ khi đại dịch xảy ra. Hiệp hội cũng cho biết ứng dụng mã vạch đã giúp các quán ăn, nhà hàng tiết kiệm được tới 30-50% chi phí nhân công lao động, thậm chí có những quán hoàn toàn không thuê nhân viên ghi thực đơn và thanh toán nữa. 

Tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) cho biết Pháp và Liên minh châu Phi (AU) đã thiết lập quan hệ đối tác mới, theo đó Pháp sẽ ủng hộ Quỹ Mua lại vaccine châu Phi (AVAT) 10 triệu liều vaccine của AstraZeneca và Pfizer trong 3 tháng tới. Số lượng vaccine trên sẽ được phân bổ và phân phối bởi sáng kiến AVAT và Cơ chế tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa Covid-19 (COVAX).

Trong thông cáo báo chí ngày 30/8 của Điện Elysee, Tổng thống Pháp Emmanual Macron bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ việc châu Phi cần được tiếp cận công bằng với vaccine. Tháng 4/2021, Pháp trở thành quốc gia đầu tiên chia sẻ vaccine trong khuôn khổ sáng kiến COVAX, với hơn 100.000 liều dành tặng Mauritania. Chính phủ Pháp cam kết đến cuối năm 2021, nước này sẽ hỗ trợ châu Phi ít nhất 60 triệu liều vaccine Covid-19.

Trước đó, ngày 27/8, trong khuôn khổ phiên họp “G20 gắn kết với châu Phi” diễn ra tại Đức, Tổng thống Nam Phi đã thể hiện quan ngại trước thực trạng chỉ chưa tới 2% dân số châu Phi được tiêm ngừa Covid-19, trong khi con số này ở các nước phát triển là khoảng 60%./

Thế giới bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới