Công nghệ chống dịch sẽ chỉ còn là câu chuyện một thời...

NDO -

Trải qua 2 năm dịch Covid-19 bùng phát, khoa học và công nghệ đã đóng vai trò quan trọng, giúp giảm gánh nặng cho người dân và lực lượng phòng, chống dịch tuyến đầu thông qua các ứng dụng thiết thực. Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia đã thực hiện thành công sứ mệnh hợp lực giữa ngành y tế và ngành thông tin và truyền thông để cùng hướng tới một mục tiêu chung là đẩy lùi dịch bệnh.

Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia được thành lập tháng 6/2021 để thúc đẩy phát triển công nghệ chống dịch.
Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia được thành lập tháng 6/2021 để thúc đẩy phát triển công nghệ chống dịch.

Và dù sẽ chỉ còn là câu chuyện một thời, nhưng các bài học và kinh nghiệm triển khai công nghệ chống dịch đã thực sự làm nền tảng thúc đẩy công nghệ chuyển đổi số ngành y tế cũng như nhận thức chung về chuyển đổi số cho người dân...

Huy động tổng lực doanh nghiệp công nghệ để chống dịch trong thời gian ngắn

Trong giai đoạn đầu chống dịch, các doanh nghiệp công nghệ đã chủ động phát triển nhiều giải pháp, nhưng mỗi giải pháp lại phát triển theo một con đường riêng, thiếu sự nhất quán với các định hướng chung về phòng, chống dịch của Bộ Y tế, dữ liệu bị phân mảnh khiến cho việc hỗ trợ các quy trình nghiệp vụ dịch tễ của ngành y tế trên quy mô toàn quốc không được hiệu quả.

Ngày 4/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 769/QĐ-BTTTT về việc thiết lập lực lượng công nghệ hoạt động 24/7 phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 với tên gọi Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia.

Trung tâm được thành lập đã tạo ra sự hợp lực về mặt công nghệ giữa rất nhiều doanh nghiệp đang triển khai các giải pháp phòng, chống Covid-19. Dữ liệu của các nền tảng sau khi được quy tụ về Trung tâm đã nhanh chóng được đồng bộ, liên thông, đặc biệt đối với các nền tảng mang tính cốt lõi về chống dịch như khai báo y tế, kiểm soát ra vào bằng mã QR, hay hỗ trợ truy vết lây nhiễm…

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 30/9/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn tất việc phát triển một ứng dụng duy nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Quốc gia lấy tên là PC-Covid.

PC-Covid được phát triển từ nền tảng ứng dụng Bluezone với các tính năng chính: Cấp, quản lý mã QR cá nhân và địa điểm, Quét mã QR, Khai báo y tế, Khai báo di chuyển nội địa, Phản ánh của người dân, Thông tin tiêm vaccine, Thông tin xét nghiệm. Ứng dụng PC- Covid đã được đưa lên Kho ứng dụng Apple và Google vào ngày 30/9/2021 và chính thức được giới thiệu vào ngày 1/10/2021.

Bên cạnh đó, ngày 11/9/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành hướng dẫn về các yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân thuộc các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19. Tài liệu này quy định về các yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân, hướng dẫn về việc cấp và sử dụng mã QR trong các nền tảng, ứng dụng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Công nghệ chống dịch sẽ chỉ còn là câu chuyện một thời -0
 Trung tâm công nghệ phòng chống Covid-19 Quốc gia ra đời với sứ mệnh trước tiên là để cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển từ phòng ngừa sang tấn công Covid-19 bằng công nghệ. 

Nhờ dữ liệu được liên thông và đồng bộ về một kho chung, mà cơ quan quản lý có thể thực hiện công tác phân tích, dự báo tình hình diễn biến dịch. Người dân cũng sẽ không còn băn khoăn về việc nhiều ứng dụng thế này thì nên cài đặt và sử dụng ứng dụng nào. Giải quyết được bài toán đồng bộ dữ liệu chính là lời giải căn cơ nhất để triển khai được các nền tảng công nghệ chống dịch một cách hiệu quả.

Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia đã tìm kiếm, nghiên cứu và phát triển được 19 nền tảng và công cụ hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó bao gồm 3 nhóm:

- Nhóm các công cụ, nền tảng phục vụ chỉ đạo, điều hành: Tổng hợp, phân tích dữ liệu; Đánh giá mức độ giãn cách; Tổng hợp thông tin người từ vùng dịch về…

- Nhóm các nền tảng phục vụ công tác phòng, chống dịch: Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19; Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm và quản lý kết quả xét nghiệm; Nền tảng hỗ trợ truy vết; Nền tảng quản lý cách ly; Nền tảng điều phối nguồn lực y tế;

- Nhóm các công cụ phục vụ an dân: Tổng đài đường dây nóng hỗ trợ người dân; Nền tảng kết nối người dân với bác sĩ, cán bộ y tế, hỗ trợ người yếm thế.

Từ “giải pháp của tôi”, “ứng dụng của anh”, thành “giải pháp của chúng ta"

Theo ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia được thành lập đã tạo ra được sự hợp lực mạnh mẽ giữa ngành y tế và ngành thông tin và truyền thông để cùng hướng tới một mục tiêu chung là đẩy lùi dịch bệnh. Công nghệ vị nhân sinh – công nghệ được sáng tạo ra chính là để phục vụ con người. Khi xã hội có dịch bệnh thì sứ mệnh quan trọng nhất của công nghệ chính là để phục vụ, hỗ trợ ngành y tế chống dịch.

"Có thể nói, Trung tâm chính là cầu nối quan trọng giữa 2 ngành, tạo nên một mối quan hệ hữu cơ giữa một bên đặt đề bài là ngành y tế và một bên hiện thực hóa bằng công nghệ là ngành thông tin và truyền thông. Sự liên kết chặt chẽ này được thiết lập vào đúng thời điểm mà xã hội, người dân cần nhất", Cục trưởng Đỗ Công Anh nhận định.

Trung tâm được thành lập cũng chính là cơ hội để tập hợp được các lực lượng công nghệ, tri thức nhiệt huyết nhất trong cộng đồng ICT và hợp nhất được sức mạnh của các lực lượng này để chung tay tạo ra các giải pháp công nghệ giúp ngành y tế thực hiện được sứ mệnh cứu chữa và bảo vệ được người dân.

Thành viên của Trung tâm còn là hàng trăm, hàng nghìn chuyên gia công nghệ, cán bộ kỹ thuật của những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam ngày đêm xây dựng, phát triển các giải pháp công nghệ mới để đóng góp vào công cuộc phòng, chống Covid-19 của Chính phủ, của xã hội.  

Cùng với sự hợp lực về tri thức, con người, nhiệm vụ đầu tiên của Trung tâm sau khi được thành lập và vận hành chính là tiếp tục tạo ra sự hợp lực về công nghệ. Trước đây, do nhu cầu cấp bách của công tác chống dịch, rất nhiều giải pháp công nghệ đã được phát triển và ra mắt trong thời gian rất ngắn, và lại đi theo những con đường khác nhau, chưa có sự hợp tác, kết nối, hỗ trợ lẫn nhau.

Công nghệ chống dịch sẽ chỉ còn là câu chuyện một thời -0
  Cục trưởng Cục Tin học hóa Đỗ Công Anh. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Khi cùng tham gia vào Trung tâm, thì không còn khái niệm “giải pháp của tôi” hay “ứng dụng của anh" nữa, mà chỉ còn “giải pháp của chúng ta”. Nhờ đó, dữ liệu của các giải pháp được đồng bộ, kết nối vào một kho dữ liệu chung phục vụ công tác chống dịch của ngành y tế.

(Cục trưởng Cục Tin học hóa Đỗ Công Anh)

Các ứng dụng công nghệ đơn lẻ trước đây được tập hợp và phát triển, nâng cấp trở thành các nền tảng công nghệ dùng chung có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng của gần 100 triệu người dân Việt Nam.

Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia là sự hợp lực của nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin gồm:

Nhóm hạ tầng kỹ thuật:

- Viettel, CMC, Sao Bắc Đẩu, VNPT và FPT đã huy động và cung cấp hạ tầng vào khoảng gần 500 máy chủ trên nền tảng cloud. Các doanh nghiệp sẵn sàng nâng gấp đôi năng lực hạ tầng tính toán để phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch.

- Viettel từ tháng 4/2020 đến hết tháng 7/2021 đã triển khai kết nối hệ thống họp trực tuyến hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tới 1.623 bệnh viện trên toàn quốc. Trong tháng 8/2021, Viettel và VNPT trong 3 ngày đã nhanh chóng kết nối thêm 328 cơ sở y tế tuyến huyện ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, bảm đảm phủ tới 100% tuyến huyện phục vụ công tác tư vấn phòng, chống dịch.

- Viettel, VNPT trong 3 ngày đầu tháng 9/2021 đã kết nối hệ thống họp trực tuyến từ Trung tâm chỉ huy tới 2.594 điểm cầu xã, phường, thị trấn của 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội.

Nhóm nền tảng, công cụ:

Trung tâm quốc gia huy động 16 doanh nghiệp (Viettel, VNPT, FPT, BKAV, CMC, Sovico, Zalo, LCS, G-Group, QTSC, An vui, MobiFone, Got It, Kompa, STEAM for Vietnam, Filum AI) tham gia phát triển 14 nhóm nền tảng, công cụ công nghệ phòng, chống dịch với trên 20 ứng dụng khác nhau. Cụ thể gồm:

+ 3 nền tảng bắt buộc áp dụng thống nhất toàn quốc là: Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý QRCode, Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm, Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19;

+ 5 nền tảng lựa chọn áp dụng là: Nền tảng hỗ trợ truy vết, Nền tảng hỗ trợ điều phối chuyển bệnh nhân, Nền tảng hỗ trợ quản lý cách ly, Nền tảng làn xanh vận tải, Nền tảng hỗ trợ kết nối giúp đỡ;

+ 6 công cụ lựa chọn áp dụng là: Công cụ hỗ trợ đánh giá mức độ thực hiện giãn cách, Công cụ hỗ trợ phát hiện người vượt biên trái phép, Công cụ hỗ trợ phát hiện người về từ vùng dịch, Công cụ hỗ trợ theo dõi và xử lý phản ánh của người dân, Công cụ hỗ trợ phân tích dữ liệu, Cẩm nang phòng, chống Covid-19.

Học hỏi kinh nghiệm thế giới để tìm ra hướng đi riêng cho Việt Nam

Theo ông Đỗ Công Anh, phần lớn các quốc gia trên thế giới khi triển khai các giải pháp công nghệ phòng chống dịch cũng đều đã gặp phải tình trạng “lúng túng” về triển khai và sự thiếu ổn định về công nghệ trong giai đoạn đầu.

Ít nhất hiện có đến hơn 50 ứng dụng chống dịch do Chính phủ các nước chỉ đạo phát triển để phục vụ phòng, chống Covid-19 tại quốc gia mình, chưa kể đến vô số các ứng dụng được phát triển cho mỗi địa phương trong một quốc gia, đặc biệt là ở các nước có cơ chế phân quyền tự chủ cho các địa phương rõ rệt.

Về cơ bản các nước đều trải qua tình trạng chung là Covid-19 bùng phát nhanh, các ứng dụng phải được phát triển thần tốc để hỗ trợ ngành y tế cũng như người dân ứng phó với dịch. Và tương tự Việt Nam, tại các nước cũng xảy ra tình trạng nhiều ứng dụng cùng hỗ trợ một tính năng được cung cấp đến người dùng và cũng và cũng phải chấp nhận quá trình phát triển với rất nhiều vấn đề, nhận phải phản hồi chưa tích cực từ xã hội do sự thiếu hoàn chỉnh trong quá trình phát triển.

Ở các nước có ngành công nghệ phát triển, người dân được trang bị tốt về các kỹ năng số, các ứng dụng thực sự tốt, hiệu quả và hoạt động ổn định thì sẽ hữu xạ tự nhiên hương có được lượng người dùng lớn và trở thành ứng dụng phổ biến. Cùng với đó là sự thích ứng nhanh của đội ngũ công nghệ phát triển ứng dụng để có khả năng xử lý các vấn đề, các lỗi phát sinh rất nhanh, giúp người dùng không bị tình trạng gián đoạn khi sử dụng các ứng dụng.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã nhận diện từ sớm các vướng mắc, khó khăn khi xây dựng phần mềm chống dịch dùng chung và xây dựng phương án cả về mặt chính sách và nghiệp vụ để giải quyết triệt để vấn đề khi phát sinh.

Trước hết, về việc các địa phương chưa áp dụng đồng bộ các nền tảng công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông ngay từ những ngày đầu triển khai, song song với các hoạt động về kỹ thuật, Bộ đã sớm thành lập các nhóm công tác thường xuyên giữu Trung tâm với các Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Y tế các tỉnh, thành phố để phổ biến, tuyên truyền, kết hợp với hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật để đội ngũ thực thi tiếp cận và sử dụng thành thạo các nền tảng công nghệ trong nghiệp vụ của mình một cách nhanh nhất, sớm loại bỏ tâm lý “ngại thay đổi”, quen với các quy trình cũ trên giấy tờ. Các nhóm này đã hoạt động rất hiệu quả, trong thời gian gắn về cơ bản 63/63 tỉnh đều đã thống nhất triển khai 3 nền tảng công nghệ phòng, chống dịch dùng chung toàn quốc là nền tảng tiêm chủng, nên tảng xét nghiệm và quản lý ra vào bằng mã QR (khai báo y tế).

Đồng thời, Bộ đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật để khắc phục vấn đề dữ liệu thiếu đồng bộ. Các dữ liệu cũ sẽ được xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để đảm bảo độ chính xác. Với những dữ liệu không đủ thông tin để xác thực với các Cơ sở dữ liệu, sẽ xây dựng phương án triển khai xác minh tại địa phương. Lực lượng Công an và Y tế cơ sở sẽ phối hợp để xác minh thông tin. Triển khai kênh phản ánh dành cho người dân: ai kiểm tra không thấy có chứng nhận điện tử hoặc thông tin bị sai thì có thể lên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 tại địa chỉ tiemchungcovid19.gov.vn để phản ánh. Thông tin phản ánh sẽ được chuyển về cơ sở y tế liên quan đến xác nhận và duyệt thông tin. Trong thời gian chờ cơ sở y tế xác nhận, thông tin tiêm do người dân phản ánh sẽ được hiển thị tạm thời trên ứng dụng và người dân chịu trách nhiệm về các thông tin đã khai.

Về vấn đề bảo mật thông tin, trong quá trình phát triển các ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch bệnh, Bộ Thông tin và Truyền thông luôn coi bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin người dùng là yếu tố quan trọng hàng đầu. Chính vì vậy, sau khi đưa các nền tảng vào vận hành, Bộ đã nhanh chóng phát động chiến dịch tìm kiếm lỗ hổng bảo mật cho các nền tảng công nghệ qua nền tảng BugRank để khuyến khích các chuyên gia về bảo mật, các hacker “mũ trắng” phát hiện các lỗ hổng bảo mật và báo cáo lại Bộ, để từ đó có giải pháp khắc phục kịp thời.

Công nghệ chống dịch sẽ chỉ còn là câu chuyện một thời -0
 Ảnh: THÀNH ĐẠT

Việc các chuyên gia công nghệ phát hiện ra các lỗ hổng bảo mật của các nền tảng công nghệ phòng chống dịch thực tế là một điều rất tích cực cũng chính là mục tiêu mà chiến dịch tìm kiếm lỗ hổng bảo mật mà Bộ phát động hướng đến,

Cục trưởng Tin học hóa Đỗ Công Anh cho hay.

Tận dụng đại dịch để nâng cao nhận thức và kỹ năng số của người dân

Theo ông Đỗ Công Anh, công nghệ phát triển để phòng, chống dịch Covid-19 có lẽ sẽ chỉ mang tính thời điểm vì rồi sau này dịch bệnh sẽ kết thúc. Tuy nhiên, trong đại dịch việc triển khai rộng khắp các nền tảng công nghệ chống dịch đã không chỉ thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Y tế mà còn góp phần nâng cao nhận thức về kỹ năng số của người dân.

Theo ông Đỗ Công Anh, các nền tảng công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch sẽ là tiền đề vững chắc cho chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số lĩnh vực y tế, trong giai đoạn sắp tới.

Bên cạnh đó, với việc Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng chống Covid-19, thì một trong những giá trị rất lớn có được đối với người dân sau khi dịch bệnh qua đi chính là sự nâng cao đáng kể về về kỹ năng số. Đây cũng sẽ là một nền tảng quan trọng để hiện thực hoá các mục tiêu về xây dựng xã hội số trong tương lai gần.