Ngày 7-4-2007 là kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của anh Lê Duẩn, Tổng Bí thư BCH T.Ư Ðảng Cộng sản Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, một nhà chiến lược kiệt xuất của Ðảng ta, một trí tuệ lớn, một tài năng lớn của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ 20.
Xuất thân từ một gia đình nghèo làm nghề thủ công, anh Ba đã sớm giác ngộ cách mạng, hăng hái hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đi theo con đường chủ nghĩa Marxism-Leninism, tham gia Hội Thanh niên Cách mạng đồng chí và trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Ðảng Cộng sản Việt Nam.
Từ khi tham gia cách mạng cho đến lúc qua đời, anh Ba đã cống hiến hơn 60 năm cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng, bị địch bắt hai lần, kết án tổng cộng 30 năm tù, bị giam hơn 11 năm ở một số nhà tù khét tiếng độc ác trong nước.
Cuộc đời hoạt động của anh Ba gắn liền với quá trình cách mạng nước ta từ giữa những năm 20 đến những năm 80 của thế kỷ trước.
Trong hơn 20 năm chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị Bí thư thứ nhất BCH Trung ương, từ Ðại hội toàn quốc lần thứ III của Ðảng (năm 1960) đồng thời là trợ thủ đắc lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sau khi Người qua đời (năm 1969) là người đứng đầu Bộ Chính trị, kế tục sự nghiệp của Bác Hồ, anh Ba Lê Duẩn đã có những đóng góp to lớn cùng với BCH Trung ương Ðảng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hoạch định, phát triển và hoàn chỉnh đường lối và phương pháp cách mạng giải phóng miền nam, phát triển và nâng cao nghệ thuật chiến tranh nhân dân, lãnh đạo toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân xây dựng miền bắc thành hậu phương vững mạnh của cả nước, đồng thời tiến hành cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại, giành thắng lợi trọn vẹn cho sự nghiệp giải phóng miền nam, bảo vệ miền bắc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước là chiến công oanh liệt nhất trong lịch sử dân tộc ta; là thắng lợi của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, của trí tuệ và văn hóa Việt Nam được phát huy tối đa trong suốt 30 năm chiến tranh cách mạng cực kỳ anh dũng và đầy gian khổ, hy sinh của quân và dân hai miền nam, bắc. Thắng lợi vẻ vang đó gắn liền với trí tuệ sáng suốt, kiên quyết của Ðảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, dưới sự lãnh đạo anh minh, tài giỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đồng thời cũng gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ huy nhạy bén, sắc sảo của Bộ thống soái tối cao của cách mạng Việt Nam sau khi Bác Hồ qua đời, gồm những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những nhà chính trị, quân sự tài năng, mưu lược, dũng cảm mà người đứng đầu là anh Ba Lê Duẩn kính mến.
Trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Lê Duẩn thấm nhuần những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có những cống hiến lớn lao về phát triển lý luận chiến tranh nhân dân, trước hết trong việc giải quyết đúng đắn và sáng tạo các mối quan hệ giữa cách mạng và chiến tranh cách mạng, giữa quy luật đấu tranh cách mạng và quy luật chiến tranh, phát triển lý luận về sức mạnh tổng hợp và về so sánh lực lượng giữa ta và địch, sáng tạo nghệ thuật quân sự cách mạng, đặc biệt là nghệ thuật chỉ đạo chiến lược trong thực tiễn cuộc kháng chiến.
Trong khi ưu tiên, tập trung sức lực vào việc chỉ đạo hằng ngày cuộc đấu tranh cách mạng ở miền nam, anh Ba cũng dành thời gian cần thiết suy nghĩ giải quyết nhiệm vụ chiến lược đưa miền bắc đi lên CNXH xuất phát từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ là chủ yếu, mong tìm ra hình thức, biện pháp, bước đi thích hợp. Sau khi đất nước thống nhất, tại Ðại hội lần thứ IV (năm 1976) và tại nhiều Hội nghị Trung ương khóa IV, khóa V, anh Ba cùng với Bộ Chính trị và Trung ương Ðảng đã đề ra một hệ thống luận điểm về cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Theo đó, cuộc đấu tranh giữa hai con đường ở nước ta về cơ bản là đấu tranh đưa sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn, là tiến hành công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa; là nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng; cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng về khoa học- kỹ thuật, cách mạng về tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng khoa học- kỹ thuật là then chốt, nhằm đi tới mục tiêu xây dựng chế độ mới, xây dựng nền kinh tế mới xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa.
Hoài bão của anh Ba là tìm ra những quy luật khách quan từ sản xuất nhỏ đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Ước mơ cháy bỏng của Anh là nhanh chóng xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam, để nhân dân ta sớm có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cần làm nhanh để tranh thủ thời cơ lớn sau chiến thắng chống xâm lược, cần thắt lưng buộc bụng, vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa từng bước công nghiệp hóa đất nước, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật ban đầu của một nền kinh tế độc lập, tự chủ để có đủ sức đối phó với những bất trắc có thể xảy ra.
Do phải tập trung toàn lực vào kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sau khi nước nhà thống nhất, công cuộc xây dựng lại sau chiến tranh vừa mới bắt đầu thì quân và dân ta đã phải tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế đối với nhân dân Cam-pu-chia anh em; do đó ta đã kéo dài quá mức cần thiết việc áp dụng mô hình chủ nghĩa xã hội thời chiến trong phạm vi cả nước. Tác động của những thách thức khách quan đó cộng với những khuyết điểm sai lầm chủ quan, duy ý chí đã khiến cho sự nghiệp xây dựng CNXH trong cả nước chẳng những không phát triển được như mong muốn mà còn phát sinh mâu thuẫn, để đất nước lâm vào khủng hoảng trầm trọng về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, từ Ðại hội lần thứ V của Ðảng, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bước đầu đã có sự điều chỉnh, và trong hoàn cảnh đất nước bị bao vây, cấm vận, phải tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, kế hoạch 5 năm 1981 - 1985 vẫn đạt được những thành tựu quan trọng: Tổ quốc và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia được bảo vệ vững chắc. Một số công trình lớn về công nghiệp, nông nghiệp như: điện lực, dầu khí, xi-măng, giao thông, thủy lợi, khai hoang, phục hóa... và một số xí nghiệp then chốt về công nghiệp nhẹ, xây dựng trong 10 năm sau chiến tranh, có những công trình sang những năm 90 mới hoàn thành và phát huy hiệu quả, chẳng những là những cơ sở vật chất - kỹ thuật ban đầu tối cần thiết cho đất nước, mà còn là nơi đào tạo cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề rất quan trọng cho thời kỳ đổi mới sau này. Nói rộng ra, cần khẳng định rằng chính nhờ có những cơ sở vật chất - kỹ thuật bước đầu của CNXH, nhờ có sự vững vàng về chính trị, an ninh quốc phòng, nhờ những thành tựu về văn hóa, về đạo đức cũng như những quan hệ tốt đẹp giữa người với người do chủ nghĩa xã hội đem lại, nhân dân ta mới đứng vững trước những biến động chính trị to lớn của thời cuộc, từng bước tiến hành công cuộc đổi mới, đưa đất nước tiến lên như ngày nay.
Là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, anh Ba Lê Duẩn đồng thời là một nhà lý luận lớn rất năng động sáng tạo. Anh Ba thường nhắc câu nói của Lenin: Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo và cho rằng Ðảng lãnh đạo ở mỗi nước phải độc lập, tự chủ giải quyết những vấn đề cách mạng của nước mình, không máy móc làm theo sách hoặc bắt chước cách làm của nước ngoài.
"Là một người Marxist-Leninist chân chính, đồng chí Lê Duẩn luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi, xuất phát từ tình hình thực tế, phân tích giải quyết những vấn đề mới do cuộc sống đề ra. Sự sáng suốt của đồng chí thể hiện nổi bật trước những bước ngoặt của lịch sử và những tình huống phức tạp" (1).
Anh Ba rất chú ý phát huy yếu tố chủ quan của con người. Theo anh, vai trò năng động chủ quan của con người được thể hiện rõ nhất ở phương pháp tiến hành cách mạng. Anh Ba nêu rõ: "Không lĩnh vực nào đòi hỏi người cách mạng phát huy trí sáng tạo nhiều như lĩnh vực phương pháp tiến hành cách mạng. Cách mạng là sáng tạo; không sáng tạo thì cách mạng không thể thắng lợi. Xưa nay không có và sẽ không bao giờ có một công thức duy nhất về cách tiến hành cách mạng thích hợp với mọi hoàn cảnh, mọi thời gian. Một phương thức nào đó thích hợp với nước này lại có thể không dùng được ở nước khác; đúng trong thời kỳ này, hoàn cảnh này song sẽ là sai nếu đem áp dụng máy móc vào thời kỳ khác, hoàn cảnh khác. Tất cả vấn đề tùy thuộc ở những điều kiện lịch sử cụ thể" (2).
Chính vì vậy, trong chỉ đạo chiến tranh cách mạng, anh Ba không tự hạn chế trong những phương thức tiến hành chiến tranh thông thường mà luôn luôn tìm tòi những phương thức mới, những cách đánh mới để giành thắng lợi nhiều hơn, đưa kháng chiến đến đích nhanh hơn.
Trong chiến tranh Việt Nam, nhà cầm quyền Mỹ đã thực hành nhiều chiến lược chiến tranh xâm lược, với nhiều biện pháp chiến lược hiểm độc. Nếu ta không có phương pháp tiến hành chiến tranh linh hoạt, biến hóa, không đề ra được những quyết sách độc đáo, sáng tạo thì ta không thể đánh thắng được quân xâm lược. Phương pháp tiến hành chiến tranh chống Mỹ, cứu nước đã được anh Ba tổng kết như sau: "Sử dụng bạo lực cách mạng với hai lực lượng: lực lượng chính trị của quần chúng và lực lượng vũ trang từ nhân dân mà ra; tiến hành khởi nghĩa từng phần ở nông thôn, từ khởi nghĩa phát triển thành chiến tranh cách mạng; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao; kết hợp khởi nghĩa của quần chúng với chiến tranh cách mạng, nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy; đánh địch trên cả ba vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn đồng bằng và thành thị; đánh địch bằng ba mũi giáp công: quân sự, chính trị, binh vận; bằng kết hợp ba thứ quân, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; kết hợp đánh lớn, đánh vừa và đánh nhỏ, thực hiện làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ; nắm vững phương châm chiến lược đánh lâu dài,
đồng thời biết thắng địch từng bước cho đúng, biết tạo thời cơ, nắm vững thời cơ mở những trận tiến công chiến lược làm thay đổi cục diện chiến tranh, tiến lên thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, đè bẹp quân địch để giành thắng lợi cuối cùng"(3).
Phương pháp cách mạng nói trên thể hiện một chiến lược tổng hợp gồm nhiều nhân tố, kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng khác nhau ở hai miền nam, bắc, động viên lực lượng lớn nhất của toàn dân, toàn quốc vào sự nghiệp cứu nước; đoàn kết chiến đấu với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia anh em, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại tạo nên sức mạnh tổng hợp thần kỳ để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Ở anh Ba, dũng khí cách mạng gắn liền với tư duy sáng tạo năng động. Nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công đồng thời vận dụng nghệ thuật đánh thắng từng bước. Biết mở đầu chiến tranh một cách khôn khéo, biết điều khiển chiến tranh một cách chủ động sáng tạo, và biết kết thúc chiến tranh khi xuất hiện thời cơ lịch sử.
Về lý luận cách mạng Việt Nam, tức là lý luận về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân phát triển lên cách mạng xã hội chủ nghĩa ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, có nhiều vấn đề đã được anh Ba làm sáng tỏ về mặt lý luận và đã được thực tiễn kiểm nghiệm là khoa học và sáng tạo. Ðó là những minh chứng khẳng định rằng trong toàn bộ cống hiến của anh Ba vào sự nghiệp cách mạng của Ðảng và của dân tộc, nổi bật lên công lao to lớn và trí sáng tạo của anh đối với sự nghiệp giải phóng miền nam, bảo vệ miền bắc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước quá độ lên con đường của chủ nghĩa xã hội.
Song về cách mạng xã hội chủ nghĩa, ngoài vai trò căn cứ địa mà miền bắc đã làm tròn đối với cả nước, tức là vai trò của chủ nghĩa xã hội thời chiến đối với cuộc chống Mỹ, cứu nước thì còn nhiều vấn đề chưa thể hoàn thiện và trở thành hiện thực trong hoàn cảnh chiến tranh, thậm chí có điểm chỉ mới ở bước thử nghiệm chưa đi vào cuộc sống, chưa đem lại thành công. Ðiều chủ yếu toát lên từ tấm gương của anh Ba Lê Duẩn, đó là một nhà lãnh đạo suốt đời say mê tìm tòi, sáng tạo, luôn luôn nêu cao phong cách tư duy độc lập, tự chủ, không sáo mòn, rập khuôn, luôn luôn xới lật vấn đề, khuyến khích tranh luận để tìm cho ra chân lý. Ðó là phương pháp tư duy khoa học và cách mạng. Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường - Chinh và nhiều đồng chí lãnh đạo xuất sắc khác của Ðảng ta, anh Ba Lê Duẩn là hiện thân trí tuệ của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ 20.
Là một nhà cách mạng chuyên nghiệp, anh Ba suốt đời làm công tác Ðảng. Anh hết sức chăm lo công tác xây dựng Ðảng, dành nhiều công sức tổng kết thực tiễn, nâng cao công tác lý luận, xây dựng đường lối chính trị đúng đắn kết hợp với công tác tư tưởng và công tác tổ chức, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Ðảng ngang tầm đòi hỏi của cách mạng trong những tình thế hiểm nghèo.
Anh Ba Lê Duẩn vừa là nhà yêu nước lớn vừa là một người quốc tế chủ nghĩa trong sáng. Ði theo con đường của Lenin và noi gương Bác Hồ vĩ đại, Anh luôn luôn vun đắp tình đoàn kết chiến đấu và quan hệ hợp tác với các nước trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa, chăm lo góp phần củng cố và tăng cường tình đoàn kết quốc tế "có lý có tình" giữa các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới. Về mối quan hệ giữa nhân dân ta với nhân dân hai nước Lào và Campuchia anh em, anh Ba không ngừng xây dựng, vun đắp khối liên minh đặc biệt đó suốt mấy chục năm ròng và đến năm 1975, cả ba nước đều được giải phóng hoàn toàn khỏi ách đế quốc Mỹ trong cùng một thời điểm lịch sử. Ðó là một thành tựu rực rỡ, hiếm thấy của khối liên minh giữa các nước láng giềng cùng chung cảnh ngộ.
Anh Ba Lê Duẩn là tấm gương lớn về lòng tận tụy, trung thành, hy sinh, xả thân vì sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, thống nhất đất nước, vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao cả. Phẩm chất cách mạng cao quý của anh Ba được thể hiện ở tinh thần cách mạng tiến công không ngừng, luôn xông pha nơi đầu sóng ngọn gió, đối mặt với quân thù, bất chấp mọi thử thách khốc liệt của nhà tù đế quốc, của cuộc sống gian khổ kéo dài ở các chiến khu, của những năm tháng hoạt động bí mật trong vùng địch kiểm soát, nêu cao nghị lực kiên cường, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Anh Ba là một nhân cách lớn, sống trung thực và giản dị, không ham danh lợi địa vị, ghét bệnh phô trương hình thức, ghét thói quan dạng kênh kiệu. Anh luôn gần gũi đồng bào, đồng chí, dễ hòa mình với nhân dân lao động. Anh đến với mọi người bằng tình thân yêu tha thiết, chân thành, bằng lòng nhân hậu, khoan dung, cảm hóa thuyết phục họ bằng tình thương và lẽ phải. Anh quan tâm đến ý kiến và nguyện vọng của nhân dân, đánh giá cao năng lực cách mạng và sáng kiến của quần chúng, coi trọng việc tổng kết kinh nghiệm của quần chúng và xuất phát từ những kinh nghiệm quý báu đó mà đề ra những chủ trương, chính sách.
Kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của anh Ba Lê Duẩn, chúng ta tưởng nhớ đến cuộc đời - sự nghiệp, đến công lao - cống hiến của một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của Ðảng và nhân dân ta, một nhà lý luận giàu sáng tạo, một người học trò, một người cộng sự xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tấm gương sáng về lý tưởng và phẩm chất cách mạng cao quý của một chiến sĩ thuộc lớp cận vệ đầu tiên của Ðảng đã trọn đời hy sinh phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho tự do hạnh phúc của nhân dân, cho lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.
Anh Ba đã đi xa hơn 20 năm. Nhưng hình ảnh của anh sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của Ðảng và nhân dân ta. Lịch sử mãi mãi khẳng định công lao to lớn và cống hiến nổi bật của anh.
Tấm gương của anh Ba mãi mãi tỏa sáng như Tổng Bí thư Trường-Chinh đã nói trong lễ truy điệu anh Ba ngày 15-7-1986.
ĐỐNG NGẠC
-------------------------
(1) Ðiếu văn do đồng chí Trường - Chinh đọc tại lễ truy điệu đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, báo Nhân Dân ngày 16-7-1986.
(2) Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Ðảng... Nxb Sự thật 1975, tr34.
(3) ÐCSVN: Báo cáo chính trị của BCHT.Ư Ðảng tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV- Nxb Sự thật, Hà Nội 1977, tr 25-26.
Ðảng viên phải là những người tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của giai cấp công nhân và của Ðảng, gắn bó mật thiết với quần chúng, chiến đấu quên mình, kiên cường và không mệt mỏi vì lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc... vì thắng lợi của lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Mỗi đảng viên phải thông qua việc chấp hành các chính sách của Ðảng, thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, mà không ngừng tự rèn luyện mình về lập trường, tư tưởng, đạo đức, tác phong, không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn. Ðảng viên phải thật sự hòa mình với quần chúng, đi đầu, làm gương cho quần chúng trong sản xuất và chiến đấu, không bao giờ được phép tự cho mình có bất cứ đặc quyền, đặc lợi gì đối với quần chúng nhân dân, phải "chí công vô tư", phải vừa là người lãnh đạo quần chúng, vừa là đày tớ của quần chúng, đúng như lời dạy của Hồ Chủ tịch.
|
|