Đối với du lịch, sự tham gia của cộng đồng và các doanh nghiệp giúp tạo ra các sản phẩm, dịch vụ đa dạng, làm nên sức hấp dẫn của điểm đến với những dấu ấn mang tính bản sắc địa phương. Ở chiều ngược lại, du lịch là nguồn lực mang đến cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, địa phương.
Như vậy, phát triển du lịch và sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp có mối quan hệ tương hỗ, thúc đẩy nhau để tạo ra những tác động tích cực. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang cần huy động tổng lực các tiềm năng để tăng cường thu hút khách quốc tế, lấy lại đà phục hồi sau đại dịch Covid-19. Ở nước ta, việc thu hút sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp, đặc biệt ở khối tư nhân vào phát triển du lịch những năm qua đã bước đầu được chú trọng và đạt một số kết quả khả quan.
Tại một số điểm đến, cộng đồng đã trở thành chủ thể phát huy các giá trị văn hóa, tự nhiên của địa phương du lịch, tạo ra những chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn lôi cuốn du khách trong nước, quốc tế, góp phần hình thành thương hiệu du lịch địa phương. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, việc huy động sự tham gia của cộng đồng, khối tư nhân vẫn tồn tại nhiều rào cản.
Về phía cộng đồng, thách thức dễ nhận diện nhất là nhận thức, kỹ năng. Ngay cả ở những địa bàn đang tương đối phát triển về du lịch hiện nay, cộng đồng hầu như chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ du lịch, còn thiếu kỹ năng, trình độ ngoại ngữ phục vụ du khách, không có khả năng tự định hướng, thích nghi với môi trường phục vụ du lịch.
Bên cạnh đó là những khó khăn về nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch, sự hạn chế trong công tác phối hợp với các bên liên quan trong phát triển du lịch. Trong khi đó, doanh nghiệp được coi là đối tượng nhạy bén hơn trong bài toán kinh doanh du lịch, nhưng sau đại dịch lại phải đối diện khủng hoảng về nhân lực và vật lực. Rào cản chung khiến phần lớn chủ doanh nghiệp đau đầu là vấn đề quay vòng tài chính. Sức ép từ lãi suất ngân hàng khiến không ít doanh nghiệp “e ngại” trong việc vay, huy động nguồn vốn.
Thêm nữa là những thách thức về thu hút nguồn khách trong bối cảnh công nghệ phát triển, thị hiếu khách du lịch thay đổi dẫn đến tự đặt trực tiếp dịch vụ mà ít qua các công ty du lịch; cùng với đó sự cạnh tranh gay gắt về điểm đến, khi mà các quốc gia đều phải chịu ảnh hưởng từ biến động kinh tế, chính trị toàn cầu, khu vực. Đó là những trở ngại khiến nhiều doanh nghiệp du lịch khó “ổn định hóa” sau dịch Covid-19, khó mở rộng quy mô cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ du lịch, hệ thống hạ tầng.
Đặc biệt, không thể không kể đến những thách thức do thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, khối tư nhân vào phát triển du lịch. Cụ thể, cơ quan quản lý du lịch vẫn chưa thật sự có đủ sự hỗ trợ cho các tổ chức, cộng đồng địa phương cũng như hầu hết doanh nghiệp tham gia phát triển du lịch. Chính quyền địa phương cũng chưa có kế hoạch tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp, cộng đồng tham gia phát triển du lịch; nguồn nhân lực du lịch cộng đồng còn yếu và thiếu, chưa đủ khả năng kết nối các bên liên quan trong tổ chức phát triển du lịch…
Đứng trước những thách thức này, để đẩy mạnh hơn nữa sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp tư nhân vào phát triển du lịch, nhất thiết cần tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và chính quyền địa phương. Cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành các quy định cụ thể về hợp tác công-tư trong du lịch, có chính sách hỗ trợ, lồng ghép đầu tư, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng sản xuất, hạ tầng phát triển du lịch, đào tạo nguồn nhân lực sản xuất nông nghiệp kết hợp với làm du lịch.
Vấn đề quan trọng là cần làm rõ mối quan hệ hữu cơ, xác định rõ từng vai trò của cộng đồng, doanh nghiệp và các bên liên quan, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng đối với từng điểm đến đặc thù; có định hướng để tránh sự trùng lắp, đơn điệu về sản phẩm, khai thác dựa quá nhiều vào nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, làm ảnh hưởng đến môi trường.
Bên cạnh đó, cần tăng cường sự hợp tác, kết nối, phối hợp của các doanh nghiệp lữ hành với các điểm du lịch cộng đồng, nông nghiệp trong phát triển du lịch. Việc chia sẻ lợi ích cho người dân ở các điểm du lịch cần được các doanh nghiệp kinh doanh du lịch quan tâm thích đáng.
Ngoài ra, sự vào cuộc và kết nối của chính quyền địa phương với các doanh nghiệp, đơn vị liên quan trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp đường giao thông cần được đẩy mạnh... Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức về du lịch cho cộng đồng địa phương, giúp người dân hiểu phát triển du lịch cộng đồng là con đường phát triển kinh tế bền vững nhằm nâng cao sinh kế, giảm sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên hữu hạn, đồng thời quảng bá được nét đẹp văn hóa truyền thống địa phương.
Ngoài ra, không thể thiếu những chính sách hỗ trợ tạo thuận lợi về tài chính để các doanh nghiệp du lịch quay lại chung tay, góp sức phục hồi, phát triển ngành du lịch, chẳng hạn như giảm lãi suất ngân hàng, miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch… Cùng với đó, cần tổ chức đào tạo, tập huấn, tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng, doanh nghiệp trong phát triển du lịch…