Đây cũng là vở cuối cùng khép lại Dự án HOPE của Đạo diễn kiêm nhà biên kịch Nguyễn Phi Phi Anh. Dự án HOPE gồm ba vở nhạc kịch Đêm hè sau cuối, Góc phố danh vọng và Mộng ước không xa vời được tổ chức thành 35 đêm diễn vào cuối năm 2016 và đầu năm 2017. Dự án HOPE hướng tới "nhạc kịch không hàn lâm", là sự tổng hợp của nhiều loại hình nghệ thuật phổ thông như ca nhạc, điện ảnh...
Đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh cho biết những hit đình đám của Lady Gaga, Bruno Mars, Britney Spears... sẽ được vang lên cùng những giai điệu kinh điển trong các vở nhạc kịch nổi tiếng như Cabaret, Grease, Nine. Tất cả được viết bằng tiếng Việt, do chính anh thực hiện.
Nguyễn Phi Phi Anh tiết lộ những tính cách, thói quen không tốt, thái độ sống lãnh cảm trước cái xấu, sự thực dụng, tham vọng, có khi điên rồ của một bộ phận người trẻ Việt sẽ được tái hiện qua dự án này. Anh muốn gửi gắm thông điệp về thái độ sống tích cực, luôn có niềm hy vọng và tin vào mộng ước của mình. Để thực hiện dự án, Nguyễn Phi Phi Anh đã huy động 35 diễn viên cho mỗi vở kịch. Ngoài ra, để bảo đảm âm thanh trung thực, sống động, âm nhạc sẽ được chơi "sống" trên sân khấu. Mỗi vở do 17 nhạc công phụ trách.
“Mộng ước không xa vời” tiếp tục là vở nhạc kịch đương đại kết hợp ca hát, vũ đạo và diễn xuất do PPAN viết kịch bản, đạo diễn và sản xuất. Nếu khán giả đã từng được làm quen và trải nghiệm câu chuyện cổ tích qua “Góc phố danh vọng”, câu chuyện đậm màu sắc trinh thám qua “Đêm hè sau cuối”, thì “Mộng ước không xa vời” sẽ tiếp tục là một thách thức cảm thụ cho người xem.
Đây là một câu chuyện đời thường pha chút màu sắc khoa học viễn tưởng, khởi đầu với cuộc trò chuyện phiếm trên một chuyến taxi tự động. Ken và Mina, hai người không quen biết, đã cùng nhau theo đuổi một cuộc du hành kỳ lạ để ngăn chặn đại dịch virus có nguy cơ xoá sổ nhân loại.
Cũng như hai vở trước, “Mộng ước không xa vời” quy tụ 35 diễn viên, 17 nhạc công và 15 kiến tạo trẻ và không chuyên. Bên cạnh những cái tên nửa Việt nửa Tây, trang phục sành điệu, “Mộng ước không xa vời” còn có sự đột phá về việc mở rộng biên độ sử dụng âm nhạc quốc tế. Ngoài sử dụng “nhạc Tây” như hai vở đầu, thông qua các bản hit của Coldplay, Kelly Clarkson… “Mộng ước không xa vời” còn sử dụng cả nhạc Nhật và nhạc Hồng Kông, với phiên bản tiếng Việt do PPAN viết lời.
Trở lại với “Mộng ước không xa vời” - PPAN và các cộng sự của anh tiếp tục chứng minh “HOPE” là “công trình kiến tạo tập thể” gây ngạc nhiên về tài năng và phong cách làm việc, đưa người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Mọi nỗ lực hướng đến đại chúng của những người làm nên “HOPE” không chỉ dừng lại ở tràng vỗ tay ngắn ngủi sau đêm diễn, sự thỏa mãn về trạng mái thưởng thức nghệ thuật. Sau tất cả, “HOPE” hay “Mộng ước” muốn gieo thông điệp mang tính xã hội vượt lên trên cả nghệ thuật là thái độ sống tích cực - mộng ước luôn hiện hữu với những người tin vào nó, đặc biệt là người trẻ: Sống phải có niềm hy vọng, niềm tin và có thêm động lực để thực hiện vào những mộng ước của chính mình.
Vé xem “Mộng ước không xa vời” bắt đầu được bán từ đầu tuần 20-2 trên fanpage http://fb.com/MongUocKhongXaVoi, với giá 400.000đồng/ vé đồng hạng và 199.000đồng/ vé sinh viên.
Tác giả kịch bản, đạo diễn, nhà sản xuất dự án “HOPE” Nguyễn Phi Phi Anh (PPAN): sinh năm 1991 tại Hà Nội, từng giành học bổng du học toàn phần bốn năm tại ngôi trường phổ thông hàng đầu Singapore là Anglo-Chinese School (Independent); bốn năm tại Đại học Hampshire College, Massachusetts, Mỹ, chuyên ngành Sân khấu - Điện ảnh.
Từ nhỏ PPAN sớm bộc lộ khả năng nghệ thuật đa dạng. Về Mỹ thuật, PPAN từng có tranh cá nhân được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Singapore ở tuổi 19. Về Sân khấu, PPAN viết kịch bản, đạo diễn và sản xuất hai vở nhạc kịch với hai phong cách hoàn toàn khác nhau là Góc Phố Danh Vọng, Đêm Hè Sau Cuối vào năm 21 và 22 tuổi. Về Điện ảnh, PPAN đã thực hiện một bộ phim truyện nhựa dài 92 phút, quay hoàn toàn theo chiều dọc ở tuổi 24. Ngoài ra, PPAN từng có kinh nghiệm làm việc tại Walt Disney và tham gia một số dự án điện ảnh tại Hollywood, Mỹ với nhiều vai trò khác nhau như Trợ lý sản xuất, Dựng phim,…
Nhờ sự hăng say trong lao động, sự cởi mở trong tư duy và khả năng sử dụng các nguồn lực một cách tối ưu, PPAN luôn thực hiện các dự án một cách chỉn chu với kinh phí và thời hạn “không tưởng”. Điển hình là năm 2013, chỉ trong bốn tháng hè, “PPAN và đồng bọn” đã tập luyện và sản xuất hai vở nhạc kịch, với mười đêm diễn “cháy vé”, được cả công chúng lẫn những người hoạt động trong ngành Nghệ thuật đánh giá cao. Thành công này giúp PPAN lọt vào Top “30 Under 30” - 30 người trẻ dưới 30 tuổi có đóng góp tích cực cho xã hội - của Forbes Vietnam năm đầu tiên (2015).
Sau thời gian học tập và làm việc tại nước ngoài, PPAN quay trở lại Việt Nam, mang theo mộng ước định hướng khán giả đại chúng tới những tiêu chuẩn thẩm mỹ văn minh, nhưng vẫn bảo tồn được giá trị truyền thống cốt lõi của người Việt. PPAN tập trung xây dựng các tác phẩm vừa mang tính đột phá, vừa có sự thuyết phục và ảnh hưởng tới nhiều tầng lớp khán giả, từ bình dân tới trí thức.