Theo phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Pháp, chiều 25-11, tại Trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) ở Paris (Pháp), Cồng chiêng Tây Nguyên Việt Nam đã được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản phi vật thể nhân loại trong đợt xét duyệt lần thứ ba các kiệt tác di sản tinh thần và phi vật thể của nhân loại năm 2005.
Ðây là loại hình văn hóa phi vật thể thứ hai của nước ta được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản thế giới, sau Nhã nhạc Cung đình Huế năm 2003. Ðể được công nhận là kiệt tác phi vật thể nhân loại, Cồng chiêng Tây Nguyên đã vượt qua sự đánh giá khắt khe và công tâm của các thành viên Hội đồng thẩm định quốc tế nhóm họp trong bốn ngày, từ 21 đến 24-11. Hội đồng thẩm định quốc tế bao gồm các giáo sư, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa nổi tiếng thế giới, làm việc với tinh thần độc lập và công bằng dựa trên tiêu chí đánh giá về mặt nghệ thuật, lịch sử và tầm ảnh hưởng đối với xã hội của kiệt tác.
Trước sự chứng kiến của hơn 300 đại biểu đại diện 107 nước thành viên và một tổ chức phi chính phủ, Tổng giám đốc UNESCO Côi-chi-rô Mát-xư-u-ra đã long trọng trao cho Ðại sứ nước ta bên cạnh UNESCO Vũ Ðức Tâm chứng nhận Kiệt tác di sản phi vật thể nhân loại Cồng chiêng Tây Nguyên. Ông C.Mát-xư-u-ra cho biết, trong đợt xét duyệt lần này, có hàng trăm loại hình văn hóa của các nước được đệ trình, trong đó UNESCO xét duyệt 64 loại hình và công nhận 43 kiệt tác. Ông khẳng định 43 kiệt tác, trong đó có Cồng chiêng Tây Nguyên, là những di sản quý của nhân loại cần được tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát triển theo tinh thần Hiệp ước Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.
Nhân dịp này, UNESCO cũng trao Giải A-ri-rang cho các cá nhân có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển những di sản văn hóa của nhân loại.