Ngày 16-12, tại Hà Nội, Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức họp báo Công bố Quy định 10 điều về Đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đã được Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 5 (khoá X) Hội Nhà báo Việt Nam thông qua ngày 15-12-2015 và thông báo về Chương trình hành động của Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện nghị quyết Hội nghị T.Ư lần thứ 4 khoá XII của Đảng về ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Chủ trì buổi họp báo có các đồng chí: Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Vũ Đình Thường, Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo T.Ư; Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam.
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp báo, đồng chí Hồ Quang Lợi cho biết, trên cơ sở thực hiện Điều 8 của Luật Báo chí năm 2016, sau khi Hội Nhà báo Việt Nam có chủ trương xây dựng Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam cho phù hợp với Hiến Pháp 2013, Luật Báo chí 2016, đáp ứng tình hình mới của đời sống xã hội và đời sống báo chí, suốt tám tháng qua, từ T.Ư Hội đến các Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, các Liên Chi hội và Chi hội trực thuộc đã triển khai nhiều công việc theo đúng lộ trình quan trọng này.
Đồng chí Hồ Quang Lợi công bố 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam gồm:
Điều 1: Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Điều 2: Nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật bản quyền và các quy định của pháp luật. Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác.
Điều 3: Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc.
Điều 4: Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.
Điều 5: Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.
Điều 6: Bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin theo quy định của pháp luật.
Điều 7: Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.
Điều 8: Tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phấn đấu vì một nền báo chí dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại.
Điều 9: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Điều 10: Những người làm báo Việt Nam cam kết thực hiện những quy định trên, đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo.
Tại buổi họp báo, đồng chí Hồ Quang Lợi cũng thông báo Chương trình hành động của Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện nghị quyết Hội nghị T.Ư lần thứ 4 khoá XII của Đảng gồm chín nội dung như sau:
1. Các tổ chức Hội phối hợp với các cơ quan báo chí từ T.Ư đến cơ sở tổ chức nghiêm túc đợt học tập, quán triệt sâu sắc Nghị quyết hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tới toàn thể hội viên, nhà báo.
2. Giữ vững tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí, kiên quyết không để chệch hướng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của báo chí trong tuyên truyền các chủ trương, đường lối quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội.
3. Các cấp Hội phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức học tập, quán triệt và thực hiện nghiêm túc Luật Báo chí 2016 và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, bắt đầu có hiệu lực từ 1-1-2017.
4. Tăng cường kiểm tra, giám sát, có biện pháp phòng ngừa và xử lý kịp thời đối với những hội viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
5. Các cấp Hội mà mỗi hội viên nhà báo nêu cao tinh thần trách nhiệm, góp phần tích cực thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
6. Phối hợp các cơ quan báo chí xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình tuyên truyền nội dung Nghị quyết, tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết ở các địa phương, đơn vị; phát hiện, cổ vũ những cách làm hay, hiệu quả; phê bình những nơi làm qua loa, hình thức.
7. Phối hợp với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan báo chí, tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo chí, xuất bản, in-tơ-nét, mạng xã hội. Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
8. Phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan báo chí chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất; chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt. Khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích; xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm quy định về thông tin, báo chí, tuyên truyền.
9. Phối hợp các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan báo chí, chủ động chuẩn bị các phương án, biện pháp cụ thể, sát với tình hình; xây dựng lý luận sắc bén để đấu tranh, phản bác có hiệu quả với các quan điểm sai trái, luận điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân.