Công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của 9 luật

NDO -

Sáng 24/1, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của 9 luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất.

Quốc hội khóa XV thông qua 9 luật tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất. (Ảnh: TTXVN)
Quốc hội khóa XV thông qua 9 luật tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất. (Ảnh: TTXVN)

Cụ thể 9 luật bao gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì buổi họp báo. 

Giới thiệu nội dung của luật, ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Tư pháp nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.

Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng, thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Việc xây dựng, ban hành luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. 

Về phân quyền quyết định chủ trương đầu tư, Điều 1 quy định việc sửa đổi, bổ sung điểm b, c và d khoản 4, Điều 17, bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5, Điều 17 và sửa đổi, bổ sung khoản 8, Điều 25, khoản 4, Điều 82, khoản 1, Điều 83 Luật Đầu tư công, theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.

Điều 2 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 2, Điều 12 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, theo hướng: Quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng vốn ngân sách Trung ương do bộ, cơ quan Trung ương quản lý hoặc sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan Trung ương, cơ quan khác; HĐND cấp tỉnh đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và C theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Đáng chú ý, với mục tiêu tăng cường phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị cho các địa phương, Điều 3 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm g và bổ sung điểm g1 vào sau điểm g khoản 1, Điều 31 Luật Đầu tư để thực hiện phân quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị. 

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: Dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50 nghìn người trở lên. Dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa, không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới.

Nhằm bảo đảm tính thống nhất, thúc đẩy giải ngân, đưa dự án hoàn thành đúng thời hạn, đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ, xây lắp trong các dự án ODA, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, Điều 5 của Luật sửa đổi, bổ sung điểm c, khoản 1, Điều 34 và bổ sung Điều 33a để quy định các hoạt động thực hiện trước đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo hướng: Việc lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về thu hút xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Điều 6 của Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 và bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2, Điều 4 để quy định: Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng; Nhà nước độc quyền trong các hoạt động điều độ hệ thống điện quốc gia; xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh; vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng... 

Luật cơ cấu thành 11 điều, gồm: 9 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật hiện hành, 1 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành. Theo đó, Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022.

“Các chính sách lớn tại luật này đều đã được đánh giá, thẩm định, đã lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động, các điểm sửa đổi đều tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh. Kể cả quy định tốt vẫn có khả năng phát sinh lợi ích nhóm, quan trọng là thực thi đồng bộ để hạn chế tối đa tham nhũng chính sách, rất mong báo chí phát hiện ra dấu hiệu tham nhũng chính sách thì kịp thời phản ánh để các cơ quan xử lý...”.
(Thứ trưởng Tư pháp Phan Chí Hiếu)