Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về buôn bán, bóc lột và lạm dụng tình dục trẻ em, bà Mama Fatima Singhateh vừa trình bày với Hội đồng Nhân quyền những phát hiện thu được sau một thời gian tìm hiểu. Chuyên gia cảnh báo về mức độ phổ biến tình trạng lạm dụng tình dục và bóc lột trẻ em trong ngành giải trí. Số liệu cho thấy, có tới 97% số thanh thiếu niên làm việc trong lĩnh vực giải trí từng bị khách hàng và người sử dụng lao động bóc lột tình dục.
Chuyên gia cảnh báo về mức độ phổ biến tình trạng lạm dụng tình dục và bóc lột trẻ em trong ngành giải trí. Số liệu cho thấy, có tới 97% số thanh thiếu niên làm việc trong lĩnh vực giải trí từng bị khách hàng và người sử dụng lao động bóc lột tình dục.
Cũng theo báo cáo viên, diễn viên trẻ em trong ngành giải trí phải tiếp xúc môi trường có tính tình dục, bạo lực, không an toàn cho sự phát triển toàn diện. Bà Mama Fatima Singhateh nhấn mạnh, bằng những lời “đề nghị mật ngọt”, các đối tượng xấu lợi dụng hy vọng và ước mơ của các em để buôn bán, tuyển dụng thanh thiếu niên làm nghệ sĩ biểu diễn, phục vụ giải trí. Với việc hàng triệu người trên khắp thế giới chạy trốn xung đột, bạo lực.., nhiều trẻ em phải sống xa gia đình và buộc phải làm việc trong ngành giải trí để tồn tại.
Một cuộc khảo sát gần đây do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện cũng cung cấp một góc nhìn về ngành giải trí. Theo đó, 53,7% số người được hỏi gặp phải quấy rối tình dục trong các buổi diễn tập và 46,3% trong các buổi thử giọng hoặc phỏng vấn.
Một nghiên cứu khác vào năm 2017 tại một khu vực thành thị ở một quốc gia cũng cho thấy, tỷ lệ trẻ vị thành niên làm việc trong lĩnh vực giải trí người lớn là khoảng 17%, trong đó hơn 70% là nạn nhân của bạo lực. Hơn 60% trong số họ phải làm việc trong các điều kiện bóc lột tình dục.
Chuyên gia lưu ý, do tính toàn cầu của ngành công nghiệp giải trí, các vấn đề không chỉ giới hạn ở một khu vực địa lý, mà đã phổ biến ra nhiều quốc gia trên thế giới. Đáng chú ý, những tội ác lạm dụng, bóc lột tình dục thường bị bưng bít. Nạn nhân ngại tìm kiếm sự giúp đỡ, một phần do có rất ít thông tin về dịch vụ tư vấn và hỗ trợ. Điều này đặt ra những câu hỏi quan trọng về sự thiếu hụt các giải pháp phòng tránh và bảo vệ nạn nhân hiện nay.
Thực tế, một số phong trào đã tiếp sức mạnh cho nạn nhân đứng lên trình báo, như phong trào #MeToo, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về bóc lột và lạm dụng tình dục trong ngành giải trí.
Theo chuyên gia, để đấu tranh hiệu quả chống lại tình trạng nêu trên, cần có hành động khẩn cấp từ cá nhân đến tập thể. Kêu gọi một lộ trình cụ thể giảm rủi ro cho nạn nhân, chuyên gia đề xuất thực hiện nghiêm chính sách không khoan nhượng đối với những cá nhân lợi dụng và nuôi dưỡng môi trường lạm dụng trẻ em.
Ngoài ra, bà Mama Fatima Singhateh cũng đề nghị các bên thiết lập quan hệ với các chủ doanh nghiệp, nhằm bảo đảm các mô hình kinh doanh an toàn cho trẻ, cũng như tạo ra các thủ tục giám sát và trách nhiệm giải trình. Chuyên gia cũng khuyến nghị thiết lập các biện pháp bảo vệ kỹ thuật trên không gian mạng, với lưu ý rằng trẻ bị lợi dụng trong ngành công nghiệp khiêu dâm trực tuyến có thể liên quan vấn đề buôn bán trẻ em qua biên giới.
Đặc biệt, báo cáo viên kêu gọi xây dựng và thực hiện khung pháp lý để điều chỉnh các hoạt động của ngành giải trí, nhằm bảo vệ nghệ sĩ nhí; đồng thời đưa ra danh sách các quốc gia đã và đang thực hiện điều này. Thí dụ, Slovenia có chính sách chống lại mọi hình thức bóc lột. Ở Bulgaria, giấy phép lao động đối với trẻ vị thành niên có thể bị thu hồi vì lý do sức khỏe và an toàn.
Còn ở Tây Ban Nha, trẻ vị thành niên dưới 16 tuổi phải có giấy phép đặc biệt để tham gia biểu diễn trước công chúng. Luật pháp Tây Ban Nha cũng cấm trẻ vị thành niên làm việc vào ban đêm hoặc trong giờ học… Chuyên gia cũng đề nghị các cơ quan thực thi pháp luật nên thường xuyên kiểm tra các cơ sở giải trí nơi trẻ em làm việc.