KTS Phạm Trung Hiếu:  

“Cổng ánh sáng” – Gạch nối giữa Hà Nội của quá khứ với tương lai

NDO -

“Gợi mở những vỉa trầm tích ẩn sâu trong suốt nghìn năm lịch sử, giúp công chúng cảm nhận những giá trị văn hóa hữu hình và vô hình bằng giải pháp công nghệ, chúng tôi mong muốn Cổng ánh sáng sẽ trở thành sợi dây gắn kết giữa Thăng Long vàng son trong quá khứ với Hà Nội hôm nay”. KTS Phạm Trung Hiếu, Chủ nhiệm đồ án vừa giành giải Nhất trong cuộc thi Thiết kế công trình cột mốc KM 0 chia sẻ.

Tượng vua Lê nhìn qua Cổng ánh sáng.
Tượng vua Lê nhìn qua Cổng ánh sáng.

Từ ý tưởng về cánh cổng ước lệ không gian…  

PV: Xin anh cho biết, ý tưởng tái hiện cột mốc KM 0 bằng công nghệ hiện đại 3D Hologram có điểm xuất phát từ đâu?  

KTS Phạm Trung Hiếu: Nhận “đề bài” từ Ban tổ chức (BTC), chúng tôi xác định cột mốc đặt tại “Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn” không chỉ là một chỉ dấu địa lý mà còn phải hiện diện như một biểu tượng văn hóa - vừa hiện đại vừa thể hiện bản sắc của Thủ đô cũng như trở thành điểm nhấn quan trọng trong không gian cảnh quan của hồ Gươm. 

“Cổng ánh sáng” – Gạch nối giữa Hà Nội của quá khứ với tương lai -0
KTS Phạm Trung Hiếu. 

Theo góc nhìn của tôi, từ xưa tới nay, hồ Gươm luôn là không gian lõi, là trung tâm lịch sử và văn hoá của Hà Nội. Với người dân Thủ đô, hồ sở hữu hai nét đẹp đối lập, hoàn toàn khác nhau. Thế hệ đi trước nhìn thấy một vẻ xưa cũ, ẩn giấu những nét trầm tư lắng đọng khi thong dong thả bộ quanh hồ. Họ buồn bã, tiếc nuối khi mặt nước yên ả bị ánh sáng rực rỡ buổi tối cùng vẻ đông đúc ồn ã còi xe ban ngày làm cho nhiễu tạp và luôn hoài niệm những hình bóng êm đềm xa xưa. Lớp trẻ chỉ cảm nhận sức hấp dẫn của địa danh này trong hình ảnh nhộn nhịp phố đi bộ dịp cuối tuần, trong thanh âm rộn rã của một không gian rộng lớn được khai thác theo hướng công năng bề nổi chứ ít để tâm tới chiều sâu ẩn chứa bên dưới. Ý tưởng tạo ra một nhịp cầu kết nối được hai vẻ đẹp ấy, trong góc nhìn của hai thế hệ ấy đã bắt đầu trong tôi từ đó.       

PV: Nghe nói khá nhiều ý kiến phản biện đã được chuyển tới BTC, ngay sau khi thông tin về cuộc thi được công bố rộng rãi? 

KTS Phạm Trung Hiếu: Vâng, nhiều quan điểm đã được đưa ra. Người thì cho rằng chỉ nên bỏ bớt chứ không nên thêm vào gây nhiễu tạp cảnh quan lãng mạn quanh hồ. Người thì quan niệm, bản thân mặt hồ đã là một số không đầy tính biểu tượng. Người thì lo ngại sẽ nhận về một tác phẩm điêu khắc nệ cổ ngập tràn hoa văn thời Lý. Người băn khoăn về vị trí công trình tọa lạc…  

Chính vì vậy, những chuyên gia tên tuổi trong Ban giám khảo (BGK) đã chia sẻ nhiều ý kiến gợi mở để các nhóm tác giả hình dung rõ nét hơn, giúp một yêu cầu ngắn gọn ban đầu trở thành một “đầu bài” hay. TS, KTS Emmanuel Cerise – Viện PRX vùng Paris gợi mở: “Hy vọng cột mốc sẽ trở thành một biểu tượng văn hoá, được lưu trữ trong tiềm thức của người dân”.

Còn PGS, TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam nhấn mạnh: “Hồ Gươm là không gian văn hóa sáng tạo nhất trong cả nước, cuộc thi này cũng là cơ hội góp phần biến Thủ đô thành một thành phố sáng tạo. Cũng cần thay đổi quan điểm về di sản hiện đại, khi ngoài việc lưu trữ và bảo tồn những di sản quá khứ, chúng ta cần tạo thêm những di sản cho tương lai”.  

Để cụ thể hóa, ThS - KTS Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm gợi ý: “Biểu tượng văn hoá này phải có kết cấu bền vững, mang tính thời đại và không gây xung đột với cảnh quan xung quanh”. Hoạ sĩ Vi Kiến Thành – Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định: “Đây sẽ là một giải pháp kiến trúc chứ không phải là một công trình điêu khắc”. Những gợi mở quý giá này đã giúp nhóm tự tin hơn, với giải pháp thiết kế của mình. 

“Cổng ánh sáng” – Gạch nối giữa Hà Nội của quá khứ với tương lai -0
 Chi tiết Cổng ánh sáng.

PV: Chọn khu vực sân trước Tượng đài Vua Lê Thái Tổ để tạo dựng Cổng ánh sáng, anh có thể chia sẻ nguyên do? 

KTX Phạm Trung Hiếu: Vị trí mà nhóm chọn lựa nằm ở miền giao giữa hai tuyến quan trọng. Tuyến một nối trụ sở UBND thành phố Hà Nội (Tòa thị chính cũ thời Pháp thuộc) và Bưu điện Trung tâm. Tuyến hai là trục chính của vườn hoa Lý Thái Tổ, đi qua tượng đài và hướng tới Tháp Rùa. Với không gian ổn định, mở hướng nhìn ra hồ Hoàn Kiếm thoáng đãng, khó có công trình vật chất nào có thể đóng góp cho không gian chung mà không làm hỏng hiện trạng hoặc gây sai lạc các ý nghĩa lịch sử - văn hoá. Tôi nghĩ, nếu có một điểm nhấn dẫn dắt như một khớp định hướng, kết nối trường không gian theo tuyến bắc – nam của hồ với trường không gian tuyến tính theo hướng đông – tây của vườn hoa thì sẽ hoàn thiện thêm cho tổng thể.

Ngoài ra, còn có một chiều hướng thứ ba nữa mà chúng tôi muốn tích hợp vào phương án là tuyến thẳng đứng, từ dưới lòng đất cổ xưa hướng lên trên. Khớp nối ấy chính là khuôn cửa ánh sáng, là cổng ước lệ không gian nối quá khứ - hiện tại và tương lai. Lấy truyền thống lịch sử - văn hóa tích tụ nghìn năm tại địa điểm làm nền tảng, hữu hình mà không chiếm dụng không gian và không cản trở thị giác. Hình ảnh không nắm bắt được nhưng vẫn tồn tại ấn tượng, để tương đồng với những giá trị phi vật thể đậm đặc quanh hồ.    

... Đến giải pháp công nghệ 3D Hologram hiện đại 
    
PV: 3D Hologram là khái niệm còn rất mới mẻ, với số đông người Việt. Anh có thể giải thích sơ lược được không?

KTX Phạm Trung Hiếu: Để có thực hoá đầy đủ mọi dữ kiện trong “đầu bài” phức tạp kể trên, 3D Hologram là một công cụ lý tưởng. Đây là kỹ thuật độc đáo cho phép ánh sáng tán xạ từ một vật thể được ghi lại, sau đó tái tạo hình ảnh ba chiều trong một chùm tia laser. Tạo ra một ảnh ba chiều lơ lửng trong không khí mà không cần tới màn chiếu, công nghệ giúp người xem quan sát hình ảnh nổi 360 độ mà không cần sự trợ giúp của bất kỳ loại kính đeo chuyên dụng nào. 

Trong 10 công nghệ tạo hình 3D Hologram hàng đầu đang được sử dụng phổ biến trên thế giới, chúng tôi lựa chọn Laser Plasma Hologram để tạo nên Cổng ánh sáng. Yếu tố mới lạ mang dấu ấn công nghệ hiện đại này sẽ thu hút mạnh mẽ khách du lịch, đặc biệt là giới trẻ bởi máy chiếu 3D Hologramm có thể chiếu sáng theo nhiều kịch bản trên nền hình ảnh gốc khiến công trình trở nên sống động và gần gũi.   

“Cổng ánh sáng” – Gạch nối giữa Hà Nội của quá khứ với tương lai -0
 Phối cảnh cổng ban ngày.

PV: Vào buổi tối, sẽ dễ dàng ngắm nhìn cổng ánh sáng, như khung viền tuyệt đẹp cho bức tượng vị vua từng viết chiếu dời đô hay Tháp Rùa, tuỳ theo vị trí tiếp cận. Nhưng trong ánh sáng rực rỡ ban ngày, hình ảnh mà du khách nhận được là gì, thưa anh? 

KTS Phạm Trung Hiếu: Nhóm đã thiết lập hai kịch bản chiếu sáng, cho ngày và đêm. Logo thành phố Hà Nội ở phần dưới tấm kính, xoay chầm chậm theo chiều kim đồng hồ sẽ là hình ảnh mọi người nhìn thấy, khi tới gần vùng cột mốc được thiết lập. Vòng tròn sáng bao ngoài tượng trưng cho số 0. Còn buổi đêm, máy chiếu hình ảnh lên khoảng không gian phía trên tấm phù điêu đồng. Hình ảnh số 0 cách điệu như một khung cửa vuông vức, mà nhìn qua đó như thể bắt gặp một lát cắt thời gian về quá khứ vàng son, đẹp đẽ của kinh thành Thăng Long xưa. 

“Cổng ánh sáng” – Gạch nối giữa Hà Nội của quá khứ với tương lai -0
 Nhóm KTS đoạt giải.

PV - Ai tới đây cũng muốn có được bức hình kỷ niệm với cột mốc số 0 đầy ý nghĩa. Anh có tính toán tới tác động của công nghệ ánh sáng đến chất lượng của những tấm ảnh, khi đưa ra giải pháp thiết kế này không? 

KTS Phạm Trung Hiếu: Nhóm đã trù liệu cho mọi phương án. Hiệu ứng chụp đêm sẽ giống với hình ảnh chụp ngược sáng, xưa rất phiền nhưng nay rất đơn giản, với mọi máy điện thoại thông minh. Du khách chỉ cần chọn tăng sáng, lấy nét vào gương mặt mình là ổn. Công nghệ này vốn sinh ra để phục vụ quảng cáo nên cường độ tia laser được điều tiết yếu hơn đèn flash của máy ảnh – máy quay chuyên dụng. Và bởi chùm tia được chiếu từ dưới lên, khi chụp sẽ vuông góc nên đáp ứng độ an toàn cho mọi thiết bị, kể cả flycam. Còn với ban ngày, khách đành phải chọn góc chụp từ trên xuống, để có được biểu tượng cột mốc bên dưới tấm kính. 

PV: Một giải pháp kiến trúc có quy mô nhỏ gọn, xây dựng đơn giản, vật liệu thông dụng nhưng mang tính đột phá về mặt tạo hình như một tác phẩm nghệ thuật thị giác (Visual Art) là đánh giá của cá nhân tôi về Cổng ánh sáng. Có lẽ đó cũng chính là lý do giúp đồ án nhận được giải thưởng cao nhất từ Ban giám khảo? 

KTS Phạm Trung Hiếu: Tập hợp những chuyên gia hàng đầu về hội họa, điêu khắc, kiến trúc… nên nhận được sự đồng cảm của BGK là vinh dự lớn của chúng tôi. Những thông điệp thông qua triết lý “trời tròn, đất vuông”, cột mốc là tấm đồng hình vuông được đúc nguyên khối, từ tâm điểm hình vuông tượng trưng cho Thủ đô, 62 đường gờ rãnh bao quanh (nửa nổi nửa chìm) toả ra là biểu tượng cho 62 tỉnh thành còn lại, bên ngoài là đường diềm với phần hoa văn cách điệu từ kho tàng mỹ thuật truyền thống đã nhận được sự nhất trí của BGK. Những ý đồ gửi gắm về Gốc - Ngọn, mối liên hệ Truyền thống - Phát triển được truyền tải khi công nghệ chiếu sáng 3D Hologram được phóng chiếu trên nền tảng tấm phù điêu cũng đã được BGK đánh giá cao. 

- Trân trọng cảm ơn anh!      

Thạc sĩ, KTS Phạm Trung Hiếu sinh năm 1976 tại Hà Nội, hiện là Giảng viên bộ môn Lý luận Bảo tồn di sản Kiến trúc - Khoa Kiến trúc - Trường đại học Kiến trúc Hà Nội. 

Anh cùng các cộng sự từng đoạt Giải Nhất trong cuộc thi thiết kế Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc - Tỉnh Vĩnh Phúc do Sở XD tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức – 2017; Giải Nhất cuộc thi thiết kế “Đền thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hi sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ” do Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên và Hội KTS tổ chức  2018; Giải Nhì (không có Giải Nhất) cuộc thi “Phục dựng, tôn tạo Nhà ngục Kon Tum, tỉnh Kon Tum” năm 2019. 

Anh cũng đã hướng dẫn sinh viên Nguyễn Mạnh Kiên lớp 12k3 đạt giải Nhất Kiến trúc Xanh cho đồ án tốt nghiệp – 2017; Hướng dẫn nhóm sinh viên 13K7 đạt Giải Nhất cuộc thi thiết kế Nhà thờ đạo Tin lành trên Mỏm Pulpit Rock tại Nauy 2017, Giải Nhì cuộc thi Urban Meal Mine thiết kế “New Covent Wholesale Market, London” tại London, Anh  2018; Hướng dẫn nhóm sinh viên 15K7 đạt Giải Nhất cuộc thi phương án "Ý tưởng thiết kế Bệnh viện dã chiến" năm 2020.