"Con rồng An-nam" xuyên tạc lịch sử

Năm 1980, Nhà xuất bản Plon ở Pháp in cuốn hồi ký Le Dragon d'Annam (Con rồng An-Nam) của Bảo Ðại, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn, sống lưu vong ở Pháp (đã từ trần năm 1997). Cuốn hồi ký viết bằng tiếng Pháp, đến năm 1990 Nguyễn Phước Tộc  in lại bản tiếng Việt lấy tên là "Con rồng Việt Nam", không nói rõ do ai dịch, bản tiếng Việt dày 563 trang.

Cuốn sách đầy rẫy những câu chuyện tác giả bịa đặt  để tự tâng bốc mình và xuyên tạc các sự  kiện lịch sử Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua. Rất tiếc  có người viết báo, làm phim đã căn cứ vào "tư liệu lịch sử" ấy đưa lên trang văn, màn ảnh, làm lẫn lộn thật giả.

Có một tờ báo đã dẫn lại một câu của Bảo Ðại trả lời phỏng vấn một nhà làm phim Pháp rằng: "Xin đừng quên rằng Cụ Hồ Chí Minh xuất thân từ một gia đình quan lại, và cụ đã đối xử với tôi như còn làm vua. Cụ cấm những người quanh cụ gọi tôi bằng đồng chí, bằng những tên gọi của giai cấp vô sản và luôn luôn gọi tôi là hoàng thượng". Câu nói bịa đặt lố bịch này đã bị ông Phạm Thanh Quang trên tạp chí Xưa và Nay số 248 ra tháng 11-2005 bác bỏ với nhiều chứng lý.

Có bộ phim đã dựng lên hình ảnh ông Bảo Ðại như là một ông vua rất năng động, có tinh thần đấu tranh nhạy bén, hết cãi cọ với ông Ðại sứ Nhật này đến tranh luận với ông tướng Pháp kia.

Ðọc Hồi ký "Con rồng An-Nam", bất cứ người Việt Nam nào có hiểu biết về lịch sử Việt Nam hiện đại đều dễ dàng nhận thấy rất nhiều điều xuyên tạc sự thật.

Thí dụ, kể lại chuyện Ðại sứ Nhật Bản Yokoyama ở Huế năm 1945 nói với ông ta là "Thiên hoàng đã ra lệnh ngừng bắn và từ nay xứ Nam Kỳ được đặt dưới quyền bệ hạ". Bảo Ðại viết: "Tôi vô cùng cảm động, sự nghiệp mà cha ông tôi đã không làm được thì nay tôi đã hoàn thành"! Sự thật là sau khi thua trận, phải đầu hàng Ðồng minh, Nhật mới bày trò "trao trả xứ Nam Kỳ" để lừa bịp nhân dân ta.

Ngày 30-8-1945, trước thắng lợi rực rỡ của Cách mạng Tháng Tám, ông phải đọc Tuyên ngôn thoái vị tại Lầu Ngọ  Môn trước hơn năm vạn đồng bào ở Huế. Khi trên kỳ đài, cờ vàng của Nhà vua hạ xuống và lá cờ đỏ sao vàng tươi thắm được kéo lên, hàng vạn đồng bào đã vỗ tay, hoan hô như sấm động, nồng nhiệt chào mừng thắng lợi của nền Cộng hòa Dân chủ. Thanh niên ca hát, nhảy múa trên các ngả đường khắp thành phố Huế. Sự kiện lịch sử này đã được các báo thời ấy tường thuật tỉ mỉ. Ấy thế mà trong hồi ký của mình, Bảo Ðại viết là sau khi ông  đọc Tuyên ngôn, khán giả tỏ vẻ "ngạc nhiên cùng cực, nam và nữ đều ngẩn ngơ. Bản Tuyên ngôn thoái vị của tôi như tiếng sét đánh xuống ngang đầu họ, họ lặng người đi. Trong khi tôi hồi cung, đám đông tan rã, không một tiếng kêu"!

Vào cuối năm 1945, khi Chính phủ quyết định cử Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đi thanh tra các tỉnh phía nam, ông nói rằng ông đề nghị cùng đi với ông Giáp "Nhưng có lẽ họ lo ngại sự hoan hô tôi ở mọi nơi, nên đề nghị trên không được chấp nhận". Khi ông Giáp trở về đến gặp ông và nói với ông rằng "Cần phải chịu thằng Pháp vậy" vì "ở miền nam bọn Tây đã phá guồng máy mà bọn tôi đã mất bao công quả để đặt ra. Nay chúng  lại nắm lấy lại được hết. Chẳng bao lâu chúng sẽ đổ bộ ra bắc. Chúng ta làm cách nào để chống lại đây? Chúng ta có quân đội nhưng không có đạn...".

Về cuộc tiến công của quân xâm lược Pháp lên Bắc Cạn cuối năm 1947 ông ta viết như sau: "Ngày 7 tháng 10, quân đội Pháp mở cuộc hành quân đánh lên Việt Bắc ở cả hai miền thượng du và trung du nơi có căn cứ quân sự và Chính phủ Trung ương của Hồ Chí Minh. Cuộc hành quân kéo dài đến cuối tháng 10 đánh một trận quyết liệt đối với kháng chiến Việt Minh làm cho Bộ Tư lệnh và Tổng Tham mưu bị tan rã hoàn toàn".

Về việc quân Pháp thất thủ ở Ðiện Biên Phủ, ông ta viết: "Ðiện Biên Phủ thất thủ, sự hy sinh của biết bao thanh niên như đã lấy máu mình để kiềm ấn vào lời hứa hẹn của Pháp. Từ Paris, tôi gửi cho đồng bào của tôi và cho các bạn Pháp một thông điệp cho hãng AFP đánh đi ngày 8-5:

Dân tộc Việt Nam và dân tộc Pháp vào giờ  phút này, chia nhau nhiều thử thách đau thương, sau kết quả bi thảm của chiến trường anh dũng Ðiện Biên Phủ, trong đó các chiến sĩ Pháp vào Việt Nam đã cho một tấm gương lịch sử về can đảm, về lý tưởng và sự hy sinh cho chính nghĩa tự do..."!

Ông trách Chính phủ Pháp đã dao động khi mất Ðiện Biên Phủ. Theo ông thì "Sự thất thủ ở Ðiện Biên Phủ chẳng phải là một tai họa chiến lược gì. Trên địa hạt quân số, sự mất mát chỉ vào khoảng 5% đối với quân đội của Liên hiệp Pháp. Trên lĩnh vực tinh thần, sự thất thủ một thị trấn xứ Thái quả là nặng nề, nhưng trong  nhiều trường hợp khác, cũng chỉ có tầm quan trọng không hơn gì khi bỏ Hòa Bình (chỉ việc quân Pháp  bị quân ta đánh rút khỏi thị xã Hòa Bình năm 1952). Ông than phiền   là lẽ ra Chính phủ Pháp phải bàn bạc với ông để giải quyết tình hình chiến tranh ở Việt Nam chứ không phải đi thương lượng với Việt Minh. Ông nói: "Nếu tôi được trang bị khả quan hơn thì tôi vẫn quật ngược được tướng Giáp!".

Ông còn bịa ra chuyện, sau khi Hiệp định Geneva được ký kết ngày 20-7-1954, Việt Minh đã cử người đến xin gặp ông, gọi ông là hoàng thượng, là bậc quốc phụ của khắp thần dân Việt Nam, xin hoàng thượng đừng quên là Ngài đứng trên tất cả, Ngài là cha của toàn dân chúng tôi và Ngài có nhiều con đã phải hy sinh và đã chết cho đất nước".

Ông nói, "người ta thường cho rằng tôi rất yếu, chẳng có tý gì để "làm vốn"... Họ đã quên mất một yếu tố quan trọng đó là vị trí chính thống của ngôi Thiên tử của tôi". Trong hồi ký, nhiều lần ông nhắc đến quyền uy tối thượng của một vị thiên tử, nhờ đó mà bao người đến cầu cạnh ông, nài nỉ ông trở về làm Hoàng đế Quốc trưởng. Ông khoe người Pháp cũng phải kính nể "công nhận độc lập và thống nhất của Việt Nam" trong cái gọi là Thỏa ước ngày 8-3-1949. Ông huênh hoang viết về sự kiện đó như sau: "Tôi tin rằng Thỏa ước 8-3 phải là một yếu tố nhất định đưa đến vãn hồi hòa bình. Tôi đã thành công mà Việt Minh thì đã bị thảm bại ở các Hội nghị Fontainebleu và Ðà Lạt!".

Ông rất hãnh diện về thành tích chống Cộng, đã "xây dựng được một đội quân quốc gia có nhiệm vụ đánh Cộng sản" và đã được Thống chế Juin, Tổng thanh tra lực lượng vũ trang Pháp khen rằng: "Ðạo quân của Ngài đánh rất giỏi, nó thương vong nhiều vì chưa được rèn luyện đầy đủ trong chiến tranh". Ông kể, khi tướng De Castires, Cao ủy kiêm Tổng Chỉ huy quân Pháp ở Ðông Dương, lên đường đi Mỹ để xin viện trợ, ông đã gửi bức điện có đoạn: "Những biện pháp động viên của tôi được tất cả mọi công dân đồng tình và rất tự hào được đặt dưới quyền chỉ huy tối cao của Ngài... cho nên quân đội Việt Nam sẽ đem hết nhiệt tình chiến đấu bên cạnh các lực lượng khác của khối Liên hiệp Pháp cho đến thắng lợi cuối cùng và sẵn sàng thay thế họ tùy theo phương tiện được cung cấp".

Ông rất  lấy làm tự đắc được tên tướng phát-xít Franco gửi tặng một khẩu súng "để chứng tỏ tình hữu nghị và lòng biết ơn" đối với thành tích chiến đấu chống chủ nghĩa cộng sản (!).

Hai mươi năm làm vua bù nhìn dưới chế độ thực dân Pháp, ông nổi tiếng là ông vua ăn chơi trác táng. Khi trở về làm "Quốc trưởng" do Pháp dựng lên từ năm 1949 ông đã hoàn toàn là một công cụ của bọn xâm lược Pháp.

Ðến tháng 4-1956, khi tên  lính cuối cùng của thực dân Pháp rút khỏi miền nam Việt Nam, mặc dù còn khoác áo "Quốc trưởng", ông đã không còn một chút quyền hành nào. Tất cả đều tập trung vào Ngô Ðình Diệm. Khi Diệm tuyên bố tổ chức "trưng cầu dân ý" vào ngày 20-10-1956 để chọn người đứng đầu chính quyền miền nam, Bảo Ðại rất tức tối. Ngày 18-10-1956 ông ra "Lệnh chấm dứt nhiệm vụ của Ngô Ðình Diệm" vì "chức Thủ tướng không được trao nhiệm vụ tổ chức loại thăm dò liên can đến chế độ". Oái ăm thay, lệnh của ông ban ra mới hơn một tuần lễ, thì ngày 26-10-1956, Ngô Ðình Diệm tuyên bố giành thắng lợi trong cuộc trưng cầu dân ý, tự xưng "Tổng thống Việt Nam Cộng hòa". Ông Bảo Ðại phải cuốn gói ra đi làm kẻ lưu vong trên đất Pháp. Ai cũng hiểu Mỹ hất cẳng Pháp là như vậy.

Có người nói, cuốn Le Dragon d'Annam (Con Rồng An-Nam) là do hai người Pháp "chấp bút" giúp ông Bảo Ðại và đã từng xảy ra việc tranh giành quyền "tác giả" cuốn sách này giữa hai ông Tây chấp bút. Còn bản tiếng Việt thì không nêu tên ai dịch.

Có người đã vin vào một câu trong Tuyên ngôn  thoái vị ngày 30-8-1945 ở Huế: "Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ" để tụng ca ông là người yêu nước, thương dân.

Ông Phạm Khắc Hòe, nguyên Tổng lý ngự tiền văn phòng triều Nguyễn, nhiều năm làm việc trực tiếp với ông Bảo Ðại, viết trong hồi ký "Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc như sau: "Tôi chưa bao giờ thấy Bảo Ðại tự mình viết được một câu quốc văn nào! Tất cả những lời phê của văn bản bất cứ ngắn hay dài đều do Ngự tiền văn phòng Tổng lý chuẩn bị viết sẵn vào một mảnh giấy đưa cho Bảo Ðại xem. Nếu Bảo Ðại đồng ý (thường là đồng ý) thì ông ta "cốp" lại theo đúng nguyên văn rồi ký tên, còn mảnh giấy mẫu thì phải đốt ngay trước mặt ông ta, vì đó là một "bí mật quốc gia" lớn vào bậc nhất!".

Từ năm 1982, ngay sau khi đọc hồi ký "Le Dragon d'Annam" vừa xuất bản, ông Phạm Khắc  Hòe, một nhân chứng lịch sử, biết rõ "thâm cung bí sử"  triều Nguyễn những năm cuối cùng, đã kịp thời phê phán cuốn hồi ký nói trên trong bài đăng trên Tạp chí Cộng sản, tháng 11 năm 1982. Hồi đó, tác giả hồi ký còn sống khỏe mạnh, nhưng ông ta đã lặng tiếng trước những chứng cứ rành rành mà cụ Hòe nêu ra. Cụ Hòe nhắc lại điều mình đã thuyết phục được ông Bảo Ðại thoái vị để tránh đổ máu những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, viết bản Tuyên ngôn  thoái vị cho Nhà vua đọc. Cụ hy vọng Bảo Ðại sẽ dũng cảm từ bỏ ngai vàng để đi với nhân dân. Nhưng cụ đã thất vọng trước việc ông Bảo Ðại trở lại  làm tay sai cho giặc Pháp.

Những "thành tích" phục vụ quân xâm lược, chống lại cuộc kháng chiến giành độc lập của nhân dân ta mà tác giả "Con rồng An-Nam" khoe trên giấy trắng mực đen - dù chỉ là một phần nhỏ, cũng là những bằng chứng đủ để ghi vào lịch sử những tội lỗi của ông đối với nước, với dân.