Con người là trung tâm, là chủ thể của chiến lược phát triển

NDO -

Quốc hội vừa tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, nhằm tìm các giải pháp tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Với chuyên đề “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”, ông Phạm Trọng Nhân, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương chia sẻ thêm vấn đề an sinh xã hội cho các nhóm dễ tổn thương được dư luận quan tâm.

Ông Phạm Trọng Nhân, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương. (Ảnh: TRỊNH BÌNH)
Ông Phạm Trọng Nhân, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương. (Ảnh: TRỊNH BÌNH)

Phóng viên: Ông nhìn nhận thế nào về chuyên đề “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế” được xem là một một trong những chuyên đề trọng tâm tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021?

Đại biểu Phạm Trọng Nhân:  Những vấn đề đặt ra tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 đã được vị chủ tọa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các nhà lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, đại diện bộ, ngành, đội ngũ chuyên gia thảo luận, phân tích sát sườn, bao trùm. Thông tin và các khuyến nghị từ các chuyên gia, nhà phân tích trong nước và quốc tế giúp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội có thêm cơ sở để thẩm tra và quyết định những nội dung quan trọng tại kỳ họp chuyên đề cuối năm và việc hoạch định chính sách trong thời gian tới.

Những nội dung lớn tại Diễn đàn thể hiện xuyên suốt quan điểm lãnh đạo của Đảng, con người là trung tâm, là chủ thể của chiến lược phát triển, mọi đường hướng, chính sách phải xuất phát từ nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của Nhân dân. Bác Hồ đã từng khẳng định “con người là vốn quý nhất”.

Đại dịch vừa qua không những làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn làm gián đoạn nguồn cung lao động và ảnh hưởng rất lớn tới an sinh xã hội. Chúng ta cần phải đánh giá một cách sâu sắc bởi những tổn thất rất lớn của nó. Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động có mối quan hệ hữu cơ.

Chúng ta cần phải nhìn lại và đánh giá tổng thể toàn bộ chính sách an sinh xã hội không chỉ dành cho người lao động mà cả con cái của họ về nhà ở, việc làm, đời sống tinh thần, vật chất, giáo dục, y tế…

Những gì thiết thân nhất để người lao động có thể an tâm gắn bó với nơi mình đến; làm thế nào để người lao động không còn cảm giác bất an, bất định? Làm thế nào để mọi người nói chung, công nhân lao động nói riêng và con cháu họ trở thành trung tâm, chủ thể của sự phát triển?...  Đó chính là giá trị nhân văn trong đường hướng phát triển quốc gia mà Nghị quyết đại hội XIII đã nhiều lần nhấn mạnh. 

Phóng viên: Qua giám sát, đại biểu nhìn nhận thế nào về sự tác động của đại dịch Covid-19 đối với với nhóm dễ tổn thương, nhất là nguồn lực lao động tại địa phương vừa qua?

Đại biểu Phạm Trọng Nhân: Trong đợt dịch thứ tư, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia nhiều chương trình, nhiều đợt hỗ trợ cho các đối tượng dễ bị tổn thương bị ảnh hưởng từ đại dịch và tôi nghĩ những tác động của đại dịch đối với nhóm dễ bị tổn thương đã được phân tích rất sâu và kỹ.

Riêng nguồn lực lao động tại địa phương, tuyệt đại đa số đã được quan tâm và hỗ trợ rất lớn của hệ thống chính trị. Họ chịu ảnh hưởng rất nặng nề nhưng bên cạnh chính sách hỗ trợ của Trung ương, Bình Dương cũng xây dựng các chính sách hỗ trợ khác, cùng với đó là các nguồn lực rất lớn của xã hội đến từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân, các tỉnh, thành bạn chăm lo cho đời sống người dân, nhất là ở các vùng tâm dịch.

Tôi cho rằng chính những nỗ lực này cùng với quyết tâm bám trụ lại Bình Dương để tái thiết, phục hồi kinh tế thì mức độ tổn thương về mặt kinh tế của người lao động tỉnh là không quá lớn. Hiện nay, hoạt động kinh doanh sản xuất của tỉnh dần phục hồi, người lao động bám trụ lại tỉnh hầu hết đều đã trở lại các công ty, nhà máy, xí nghiệp…

Phóng viên: Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế, ông có thể đưa ra những kiến nghị cần làm gì để hạn chế sự tổn thương đối với các nhóm dễ tổn thương tại các địa phương khác?

Đại biểu Phạm Trọng Nhân: Tôi cho rằng điều quan trọng nhất đối với người lao động, chính là thu nhập, nhà ở, đời sống tinh thần, y tế, giáo dục, mặt bằng giá cả… Thực hiện quy định đông cứng, khóa chặt, ai ở đâu ở yên đó trong khi chỉ quanh quẩn trong phòng trọ vài m2 trong thời gian dài, cùng với điều kiện phòng trọ không bảo đảm thì sự bí bách, bức bối về mặt tinh thần là tất yếu… Do đó, chính sách về nhà ở, thu nhập trong thời gian tới phải giải quyết căn cơ những tồn tại đã lộ rõ qua đại dịch này.  

Việc xây dựng nhà ở xã hội không chỉ để bán mà còn phải cho thuê vì thực tế rất nhiều công nhân lao động cho biết họ không có nhu cầu mua nhà ở tại nơi mình đang lao động. Cần phải cân đối hài hòa vấn đề trên bằng các khảo sát thật kỹ lưỡng, thận trọng để bảo đảm chính sách đi vào cuộc sống, tránh lãng phí nguồn lực, tránh cung và cầu không gặp nhau và lọt đối tượng thụ hưởng. Có thể nói, vấn đề thu nhập hay nhà ở chỉ là điều kiện cần.

Còn điều kiện đủ là phải nâng cao trình độ dân trí, tay nghề để nhóm dễ tổn thương có thể linh hoạt thích ứng với những điều kiện hay những thay đổi của xã hội trong những tình huống bắt buộc như đại dịch. Như vậy, an sinh xã hội chỉ là phần cứng, cơ bản, còn phần mềm đó chính là trình độ dân trí, tay nghề, nhận thức của người lao động, làm thế nào để người lao động không còn thuộc về nhóm dễ tổn thương hay hạ mức độ dễ tổn thương ở mức thấp nhất.

Nhà nước phải tạo những nền tảng để người lao động có thể tự thích ứng và thích ứng một cách linh hoạt trong các hoàn cảnh.    

Phóng viên: Ông có những kiến nghị giải pháp gì về an sinh xã hội để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội bền vững?

Đại biểu Phạm Trọng Nhân: Để thực hiện an sinh xã hội tốt thì cái gốc của nó chính là các dịch vụ về y tế, giáo dục, việc làm, bảo hiểm xã hội… phải tốt. Cùng với đó, khi hoạch định các chính sách về an sinh xã hội, chúng ta cần phải phân loại các mức độ, đối tượng, vì thực tế nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương có nhiều đặc điểm khác nhau…

Trên cơ sở đó, phải chống và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thất thu thuế, chuyển giá để tăng nguồn thu ngân sách để có thêm nguồn lực cho các chính sách an sinh xã hội. Bên cạnh đó là các nguồn tín dụng hỗ trợ cho sản xuất, đất đai, tiền công, tiền lương…

Trong đại dịch vừa rồi, chúng ta đã làm rất tốt công tác an sinh xã hội so với nguồn lực công cũng như nguồn lực từ khối tư nhân. Tuy nhiên, cần phải nhanh chóng đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc chính sách an sinh xã hội để bảo đảm quyền con người và để hiện thực hóa chủ trương con người là trung tâm, là chủ thể của chiến lược phát triển.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Vai trò lập pháp của Quốc hội trong thời gian tới đối với chính sách an sinh xã hội mang tính chất quyết định. Tại kỳ họp vừa qua, lần đầu tiên Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và đã ban hành Nghị quyết kỳ họp thứ 2. Trong đó, yêu cầu Chính phủ khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp nhằm tháo gỡ những tồn tại, hạn chế của chính sách này.

Đây là một trong những bước đi quan trọng không những làm cho chính sách an sinh xã hội được hoàn thiện, nâng cao khả năng chống chọi trong các hoàn cảnh mà còn cụ thể hóa quan điểm con người là trung tâm, chủ thể của sự phát triển mà Nghị quyết đại hội lần thứ XIII đã khẳng định.