Nhưng theo phản ánh của bạn đọc, trong quá trình triển khai, nhiều địa phương đang gặp phải những khó khăn, bất cập.
Tiểu dự án 3, Dự án 5 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 là: Phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi.
Tiểu dự án hướng tới mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả GDNN, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; hỗ trợ lao động là người DTTS tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm; hỗ trợ thanh niên DTTS sau khi tốt nghiệp giáo dục đại học, GDNN tìm được việc làm phù hợp khả năng, nguyện vọng.
Triển khai Dự án phát triển GDNN và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi từ năm 2022 đến nay, các đơn vị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức khai giảng 2 lớp đào tạo nghề trình độ trung cấp cho 60 học viên; 102 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho 3.319 người lao động vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó tập trung đào tạo các nghề may công nghiệp, chế biến và bảo quản chè, chăn nuôi gà, lợn...
Từ lớp học may công nghiệp do Trung tâm Giáo dục thường xuyên-Giáo dục nghề nghiệp huyện Đại Từ tổ chức, nhiều chị em người DTTS đã có việc làm tại địa phương với mức thu nhập ổn định. Chị Phan Thị T, dân tộc Tày, ở xã Phú Cường, huyện Đại Từ cho biết: “Qua lớp học, tôi được biết đến nghề may công nghiệp và cải thiện được tay nghề của mình. Sau đó tôi được nhận vào làm ở nhà máy may tại huyện Đại Từ với mức thu nhập khá ổn định”.
Sau 3 tháng tham gia lớp học nghề điện tử, điện lạnh do Trung tâm Giáo dục thường xuyên-Giáo dục nghề nghiệp huyện Định Hóa tổ chức, anh Trần Văn H, xã Bảo Cường (huyện Định Hóa) đã mở cửa hàng sửa chữa điện tử, điện lạnh ngay tại địa phương. Từ một cửa hàng sửa chữa nhỏ, sau gần 4 năm kinh doanh, cơ sở của anh trở thành địa chỉ tin cậy của người dân trong và ngoài xã, đem lại thu nhập 10-15 triệu đồng/tháng. Theo anh H, lớp đào tạo nghề không chỉ mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm, mà còn giúp anh được gặp gỡ các học viên khác có chung ý tưởng kinh doanh.
Mặc dù đã đạt được kết quả khá tích cực, song trong quá trình triển khai một số nội dung của Tiểu dự án 3, Dự án 5 tại các đơn vị này còn gặp vướng mắc. Theo quy định của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên không phải là cơ sở GDNN, cho nên không được hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng tài sản một số hạng mục công trình, mua sắm máy móc, trang thiết bị, phương tiện đào tạo từ nguồn vốn thuộc ba Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, công tác phối hợp nắm bắt thông tin, báo cáo tiến độ thực hiện Tiểu dự án còn hạn chế. Một số địa phương chưa tổng hợp, báo cáo kịp thời, ảnh hưởng đến việc tổng hợp, đánh giá kết quả chung của tỉnh.
Thời gian tới, để triển khai hiệu quả chương trình giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần tháo gỡ vướng mắc về cơ chế đối với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên tạo điều kiện để các cơ sở này mua sắm trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất, phục vụ đào tạo nghề.
Cùng với đó, chính quyền các địa phương vùng DTTS tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và công tác giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS; các hình thức tổ chức đào tạo nghề cho người lao động phải được triển khai phù hợp điều kiện đặc thù của địa phương, phù hợp tập quán của đồng bào DTTS; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn người DTTS học nghề phù hợp với khả năng, nhu cầu; nghiên cứu tổ chức các khóa, các lớp đào tạo nghề có chương trình, thời gian phù hợp trình độ dân trí, tâm lý học viên là người DTTS; chú trọng đào tạo những kỹ năng chuyên môn theo yêu cầu cho từng vị trí việc làm.
Đối với những địa phương không còn quỹ đất sản xuất để giao cho người dân, cần tập trung xây dựng và thực hiện đồng bộ các chương trình, kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ khoa học-công nghệ, giúp đồng bào DTTS tiếp cận với nhiều nghề phi nông nghiệp, nhanh chóng chuyển đổi nghề để bảo đảm sinh kế, ổn định cuộc sống.