Con kênh chết

NDO - Làng tôi có mấy dòng kênh, mương chảy qua, nhưng dài, rộng và đẹp nhất vẫn là con kênh trước nhà.

Con kênh bắt nguồn từ sông Tích, chảy ngoằn ngoèo qua các xóm rồi đổ ra cánh đồng Thôi, tạo nguồn tưới cho những vạt lúa hai vụ tốt tươi. Từ tấm bé chúng tôi gắn bó với con kênh này, bao kỷ niệm vui buồn đến giờ vẫn không quên. Dòng kênh có đoạn khá rộng, hai, ba chiếc thuyền dễ dàng tránh nhau, bốn mùa nước trong xanh và rất sạch. Con kênh còn là 'vựa' cá, tôm, lươn, cua, ốc, ếch... của cả xóm, nơi thả bèo, cấy khoai nước nuôi lợn và là chỗ sống của những bè rau muống, rau dút mát mắt quanh năm.

Dòng kênh thơ mộng nhiều kỷ niệm ấy bây giờ không còn nữa. Những ngôi nhà cao tầng lần lượt mọc lên trên mảnh đất trước kia là ao hồ, nhà chen nhà, ép sát hai bên bờ tạo thành lạch nước nhỏ xíu chiều ngang chưa đầy một mét. Cái lạch đã bé nhỏ, gầy guộc, nông toen hoẻn lại phải oằn mình chứa đủ thứ rác thải của mấy trăm hộ dân các xóm. Hàng trăm dòng chảy từ các hố xí tự hoại đổ vào, hàng chục chuồng lợn, chuồng gia súc thải ra, bao dòng nước thải ở các hộ đổ xuống.

Dòng nước đen, đặc sệt, không thể tự chảy, các túi ni-lông, xác động vật chết nổi lều bều, muỗi, ruồi từng đàn vo ve như đàn ong vỡ tổ. Các loại thủy sinh, kể cả cóc nhái, ễnh ương sống ven bờ không còn, đến giun ở dưới đất cũng phải ngoi lên tìm nơi ở mới.

Con kênh ô nhiễm ấy mới đây thành vấn đề nóng bỏng, đâu đâu trong và ngoài làng cũng bàn luận sôi nổi khi số người mắc bệnh ung thư ở làng tôi cứ tăng lên. Mới đầu người ta đổ tại do đi làm thuê tiếp xúc với độc hại, bụi bặm, do uống rượu 'không nhãn mác', do nghiện thuốc lào, thuốc lá, do ăn thực phẩm không sạch... Nhưng rồi những người không đi làm thuê, không nghiện thuốc, uống rượu cũng bị ung thư phổi, ung thư gan... Thì ra con kênh ô nhiễm là thủ phạm chính. Có nhà ở sát bờ kênh không chịu nổi hôi thối tự làm những tấm bê-tông che đậy, nhưng không giải quyết được tận gốc và cũng chỉ được một số đoạn, trong khi chiều dài con kênh hàng nghìn mét. Làng xóm lại thuê máy xúc dọn bùn rác, thau nước ô nhiễm, nhưng các nguồn đổ vào thì vẫn như cũ. Những suy luận, quy kết là hoàn toàn có cơ sở, bởi những người sống gần kênh hằng ngày, hằng giờ, quanh năm suốt tháng phải tiếp xúc với độc hại, với cả mầm bệnh, xông vào mũi, mắt, xộc vào mồm, miệng và các bộ phận trong cơ thể. Nước ô nhiễm còn thẩm thấu vào giếng đào, rò rỉ xuống mạch ngầm, len lỏi vào giếng khoan, dẫn tới nguồn nước sinh hoạt và ăn uống.

Ðáng lo thay! Con kênh xanh xanh năm nào bây giờ không chỉ là 'con kênh chết' mà còn là mối họa của làng!