Trong khuôn khổ “Festival Hành trình kết nối Di sản Quảng Nam lần thứ 6”, sáng 12-6, Fetstival văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam – châu Á 2017 diễn ra tại Làng lụa thành phố cổ Hội An. Với chủ đề: “Con đường tơ lụa trên biển”, mục đích của Festival văn hóa tơ lụa, thổ cẩm nhằm khôi phục nghề truyền thống ươm tơ dệt lụa ở các làng nghề nổi tiếng trong cả nước và đưa sản phẩm lụa tơ tằm đến với đời sống hàng ngày.
Lần đầu tiên, một chương trình về lụa với sự tham gia của các nước có nền dệt lụa nổi tiếng trên thế giới, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Thái-lan, Myanmar, Campuchia và Brazil cùng hơn 12 làng nghề dệt lụa và cơ sở dệt lụa, thổ cẩm trong cả nước.
Fetstival văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam quy tụ các nghệ nhân trình diễn nghề dệt truyền thống của Việt Nam như làng nghề dệt Tân Châu (An Giang) với sản phẩm lụa Mỹ Á nổi tiếng một thời. Đặc biệt, với hai nghệ nhân trẻ được truyền nghề từ một nghệ nhân nổi tiếng nhất của làng dệt Vạn Phúc, Hà Đông (Hà Nội). Rực rỡ mầu lụa nhuộm từ thảo mộc thiên nhiên và dệt hoa văn cổ đám cưới của người Chăm (Ninh Thuận). Lụa tơ tằm nổi tiếng của làng dệt Mã Châu, đưa lụa tơ tằm Mã Châu trở lại thị trường, thông qua hình ảnh chiếc áo dài duyên dáng, sang trọng và kỹ thuật pha mầu điêu luyện trong dệt thổ cẩm của dân tộc Cà Tu thuộc huyện Tây Giang (Quảng Nam). Thương hiệu đũi Thái Bình nổi tiếng với bộ sưu tập cách điệu riêng biệt qua bàn tay các nhà thiết kế trẻ. Các nghệ nhân dệt thổ cẩm tại làng dệt Văn Giáo, huyện Tịnh Biên (An Giang) thường sử dụng kỹ thuật dệt ba lớp sợi tơ, với ba mầu khác nhau để làm ra chiếc khăn choàng, xà-rông hay các bức họa, khăn trải bàn phong phú…
Nhiều nghệ nhân và thợ dệt đến từ miền núi cao phía bắc như Hà Giang. Gian hàng thổ cẩm làng Lũng Tám đã làm ngẩn ngơ du khách bởi đôi má ửng hồng của cô sơn nữ bên khung cửi. Cô gái Sùng Thị Dính, ở HTX dệt Hợp Tiến, xã Lũng Tám, huyện Quản Bạ (Hà Giang), cho biết, hợp tác xã chuyên dệt vải lanh, sản phẩm không chỉ là những bộ váy truyền thống rực rỡ dành cho thiếu nữ dân tộc Mông mà còn làm ra những mặt hàng phục vụ du khách trong nước và quốc tế như áo gối, ví, khăn trải bàn, khăn piêu rất được khách hàng ưa chuộng. Hiện HTX dệt Hợp Tiến có khoảng hơn 100 chị em làm việc. Ở vùng núi cao ngoài làm nương, thời gian còn lại dệt thổ cẩm, mỗi tháng thu nhập 2,5 triệu đồng.
Tại Fetstival, triển lãm sản phẩm lụa tơ tằm của các nước Thái-lan, Campuchia, Lào, Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar vào tối 12-6, tại Khổng Miếu, trình diễn 18 bộ sưu tập “Đêm lụa phương Đông” thể hiện dòng thời trang tơ lụa ứng dụng vào đời sống hàng ngày, có sự kết hợp chặt chẽ giữa sáng tạo thời trang và chất liệu lụa, đũi Việt Nam do nhà thiết kế Minh Hạnh đạo diễn… Đây là cơ hội để nghệ nhân các làng nghề dệt lụa trao đổi kinh nghiệm, các đơn vị sản xuất, các nhà thiết kế thời trang bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa lụa tơ tằm, thổ cẩm, góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch với quy mô quốc tế, mở đầu ra cho thị trường lụa Việt và thổ cẩm truyền thống.
Dệt lụa tơ tằm làng dệt Mã Châu, Duy Xuyên (Quảng Nam).
Kỹ thuật dệt hoa văn cổ đám cưới của người Chăm ở làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận).
Quay tơ ở làng dệt Mã Châu, Duy Xuyên (Quảng Nam).
Thiếu nữ Chăm với kỹ thuật dệt hoa văn cổ đám cưới.
Thiếu nữ dân tộc Cà Tu, huyện Đông Giang (Quảng Nam) dệt thổ cẩm.
Khai mạc Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam - châu Á 2017 tại Làng lụa Hội An (Quảng Nam).
Khung cửi của người Khơ-me Tịnh Biên (An Giang).
Thiếu nữ Mông quay tơ dệt thổ cẩm.
Vẽ sáp trên vải thổ cẩm của dân tộc Mông, huyện Quản Bạ (Hà Giang).
Thiếu nữ dân tộc Thái (Nghệ An) dệt khăn thổ cẩm.
Lụa tơ tằm Quảng Nam.
Lụa tơ tằm Vạn Phúc
Du khách phương tây với sản phẩm dệt thổ cẩm.