Con đường âm nhạc: Nguyễn Văn Tý  với Dư âm

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.

Những người thực hiện chương trình cho biết, “Dư âm” sẽ mang đậm dấu ấn phong cách âm nhạc Nguyễn Văn Tý , nhưng được làm mới qua các giọng ca đang được ưa thích và cách phối khí mới.

Ca khúc Dư âm sẽ mở màn chương trình với sự trình diễn ấn tượng của nghệ nhân Kim Sinh và ca sĩ Thanh Lam. Sau đó là lần lượt các ca khúc đã làm nên tên tuổi của Nguyễn Văn Tý như Mẹ yêu con, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Dáng đứng Bến Tre... Bên cạnh đó, những ca khúc về ngành nghề, về phụ nữ… hết sức thành công của ông như Em đi làm tín dụng, Bài ca năm tấn, Cô nuôi dạy trẻ, Bài ca phụ nữ … cũng được thể hiện lại.

Thiếu vắng những giọng ca gắn liền với một số ca khúc nổi tiếng của Nguyễn Văn Tý như nghệ sĩ Kiều Hưng, NSND Thu Hiền, cố NSND Lê Dung, nhưng đêm nhạc cũng hy vọng chinh phục khán giả qua sự thể hiện mới mẻ của các ca sĩ Thanh Lam, Trọng Tấn, Phương Thảo, Lan Anh, Đăng Dương, nhóm AC&M và phần phối khí của các nhạc sĩ Đỗ Bảo, Sơn Thạch.

 Đặc biệt, phần trò chuyện với chính ông, người nhạc sĩ 81 tuổi đã trải qua cả đời mình trong tình yêu với âm nhạc, sẽ là điểm nhấn của chương trình. Bên cạnh đó là phần video clip với các hình ảnh mới nhất về cuộc sống đời thường cũng giúp người xem hiểu hơn về nhạc sĩ đa tài này.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thời trẻ.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh ngày 5-3-1925 tại Vinh, Nghệ An, quê ở Vĩnh Phúc. Ông là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Từ năm 1945, ông tham gia sáng lập và xây dựng đoàn kịch thơ, kịch nói của Thanh niên Cứu quốc Nghệ An. Ông bắt đầu hoạt động âm nhạc ở Liên khu IV. Năm 1948, ông ở đoàn văn hóa tiền tuyến thuộc Quân huấn cục. Sau đó, năm 1950, ông nhận nhiệm vụ đi xây dựng Ðoàn Văn công của Sư đoàn 304 và làm Trưởng đoàn.

Năm 1951, ông giải ngũ và chuyển về công tác ở Chi hội Văn nghệ Liên khu IV. Thời kỳ này, ông viết bài tình ca Dư âm nổi tiếng. Công chúng ở vùng đất này còn nhớ những bài hát đầu tay của ông như Ðàn bà bầy tui, Ai xây chiến lũy và sau đó là Vượt trùng dương, Pha màu luống cày. Ðầu năm 1961, ông được biệt phái về Hưng Yên. Thời gian này, ông đã viết một số ca khúc như Chim hót trên đồng đay ..

Năm 1967, ông về Hội nhạc sĩ Việt Nam. Và năm 1975, ông chuyển về Viện nghiên cứu âm nhạc, Bộ Văn hóa, cơ sở II tại TP Hồ Chí Minh.

Nguyễn Văn Tý là một nhạc sĩ có bề dày đáng trân trọng trong sáng tác ca khúc. Nhiều tác phẩm của ông đã để lại dấu ấn một thời.