Cơn bão giá

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, cuộc xung đột ở Ukraine sẽ tác động kinh tế toàn cầu bằng cách làm chậm tăng trưởng, cũng như có thể tái định hình trật tự kinh tế toàn cầu trong dài hạn. Tình trạng gián đoạn nguồn cung dầu mỏ, nguy cơ mất an ninh lương thực cùng với giá cả, lạm phát leo thang khiến thế giới chật vật hơn trong nỗ lực phục hồi kinh tế.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Bất ổn ở Đông Âu đã giáng một đòn mạnh đối với nền kinh tế toàn cầu, gây tổn hại đến tăng trưởng và làm giá cả gia tăng. Theo IMF, ngoài việc tạo ra những dòng người di cư lịch sử, cuộc xung đột đang đẩy giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, thúc đẩy lạm phát và làm xói mòn giá trị thu nhập, đồng thời làm gián đoạn thương mại, chuỗi cung ứng và kiều hối ở các nước láng giềng của Ukraine.

IMF cũng lưu ý rằng, cuộc xung đột có thể làm suy giảm niềm tin kinh doanh và tạo ra sự không chắc chắn đối với các nhà đầu tư, điều này sẽ làm giảm giá tài sản, thắt chặt các điều kiện tài chính và có thể kích hoạt dòng vốn chảy ra từ các thị trường mới nổi.

Các quốc gia phải đối mặt những nguy cơ trực tiếp về thương mại, du lịch và tài chính sẽ cảm thấy áp lực ngày càng lớn, nhất là ở những khu vực như phía nam sa mạc Sahara châu Phi, Mỹ Latin, Trung Á và Caucasus (Cáp-ca-dơ). Tình trạng mất an ninh lương thực có khả năng gia tăng hơn nữa tại các khu vực của châu Phi và Trung Đông, nơi các quốc gia như Ai Cập nhập khẩu tới 80% lúa mì từ Nga và Ukraine.

Giá lương thực và năng lượng tại Mỹ Latin và Caribe cũng leo thang, làm gia tăng lạm phát. Theo các chuyên gia của IMF, Mỹ Latin và Caribe có thể chịu tác động đáng kể trong cơn bão giá, trong bối cảnh năm nền kinh tế lớn ở khu vực là Brazil, Mexico, Chile, Colombia và Peru vốn đã ghi nhận tỷ lệ lạm phát hằng năm vào khoảng 8%.

Riêng lạm phát ở Argentina, nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực, đã tăng hơn 52%. Các chuyên gia dự báo tình hình này buộc các ngân hàng trung ương phải đẩy mạnh cuộc chiến chống lạm phát, một vấn đề làm xói mòn sức mua của tiền lương và ảnh hưởng nhu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, tác động của bão giá đối với mỗi nền kinh tế Mỹ Latin và Caribe là không đồng đều. Các nước nhập khẩu ở Trung Mỹ và Caribe chịu thiệt vì giá dầu tăng, trong khi các nước xuất khẩu dầu thô, đồng, quặng sắt, ngô, lúa mì và kim loại được hưởng lợi và nhờ đó xoa dịu những tác động tiêu cực đối với tăng trưởng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế IMF cảnh báo, mặc dù hiện nay các điều kiện tài chính vẫn tương đối thuận lợi, song tình hình có thể xấu đi nếu xung đột leo thang, dẫn đến các quốc gia phải thắt chặt hơn chính sách tiền tệ trong nước.

Nền kinh tế số một thế giới cũng đứng trước sức ép lạm phát chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng phạm vi lãi suất cơ bản, triển khai lần đầu trong số những biện pháp có thể về một loạt các đợt tăng lãi suất nhằm chống lạm phát.

Việc tăng lãi suất diễn ra gần đúng hai năm sau khi FED cắt giảm lãi suất xuống gần bằng 0 và bắt đầu mua hàng tỷ USD trái phiếu kho bạc và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp mỗi tháng để kích thích nền kinh tế vượt qua cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, do chịu tác động của các yếu tố bên ngoài khác, trong khi lạm phát cao được giới hạn ở một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự thiếu hụt nguồn cung cụ thể vào đầu năm 2021, giá thực phẩm, năng lượng, nhà ở và một loạt các dịch vụ đã bắt đầu tăng với tốc độ nhanh hơn trong những tháng gần đây.

Chủ tịch FED đã gọi lạm phát cao là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ và thừa nhận với các thành viên Quốc hội Mỹ rằng ngân hàng này đã đánh giá sai thời gian diễn ra lạm phát. Lạm phát hằng năm được đo bằng chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo "ưa thích" của FED, đạt 6,1% vào tháng 1/2022 - gấp ba lần mục tiêu trung bình hằng năm của FED là 2%.

Lạm phát gia tăng tiếp tục tác động đến các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), tuy nhiên nền kinh tế của liên minh sẽ không rơi vào suy thoái do tình hình căng thẳng tại Ukraine. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự báo, tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong năm 2022 sẽ thấp hơn dự báo trước đây 0,5% do cuộc khủng hoảng tại Ukraine, tuy nhiên vẫn đạt mức tăng trưởng 3,7% và giảm nhẹ xuống 2,8% năm 2023. ECB cũng dự báo lạm phát trung bình sẽ là 5,1% trong năm 2022, cao hơn nhiều mức mục tiêu 2%.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế thuộc Tập đoàn dịch vụ tài chính Credit Suisse đã hạ dự báo tăng trưởng của châu Âu, theo đó nhận định tăng trưởng GDP của châu lục này chỉ đạt khoảng 1% trong năm 2022, trong bối cảnh giá hàng hóa tăng nhanh và đứt gãy chuỗi cung ứng. Credit Suisse cũng dự báo GDP của Nga có thể thấp hơn nhiều dự báo trước đó là từ 2-2,5%.

Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ được dự đoán ổn định hơn, với tăng trưởng kinh tế có thể chỉ giảm 50-100 điểm cơ sở, vẫn ở mức khoảng 3%. Các nhà phân tích của Citigroup cũng cho rằng, việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine sẽ khiến tăng trưởng toàn cầu giảm tốc khi giá dầu và hàng hóa tăng cao.

Như vậy, trong dài hạn, cuộc xung đột ở Ukraine về cơ bản có thể làm thay đổi trật tự kinh tế và địa chính trị toàn cầu nếu thương mại năng lượng thay đổi, chuỗi cung ứng được cấu trúc lại, mạng lưới thanh toán chia rẽ. IMF cũng cho rằng, châu Âu có thể đối mặt tình trạng gián đoạn về nhập khẩu khí đốt tự nhiên, cũng như gián đoạn chuỗi cung ứng lớn hơn. Trong đó, khu vực Đông Âu sẽ phải đối mặt những tổn thất tài chính cao hơn do hiện có khoảng ba triệu người đã từ Ukraine đến khu vực này.

Các nước tại khu vực Trung Á và Caucasus, vốn có hệ thống thanh toán và thương mại liên kết chặt chẽ với Nga, sẽ bị tác động mạnh hơn do ảnh hưởng từ những lệnh trừng phạt đối với Moskva, với những hạn chế về kiều hối, thương mại, đầu tư và du lịch. Ở châu Á, những nước nhập khẩu dầu mỏ có nguy cơ chịu tác động lớn nhất, nhưng một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc có thể giảm bớt được tác động này nhờ các chính sách trợ cấp nhiên liệu mới.

Mặc dù nhiều nước đã đưa ra các biện pháp nhằm hạ nhiệt cơn sốt giá cả, song diễn biến địa chính trị căng thẳng đang tác động tiêu cực tới các thị trường. Trước những rủi ro khó lường, IMF dự kiến sẽ giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 được đưa ra trước đó ở mức 4,4%.