Cơm ăn liền của nhóm sinh viên

Mong muốn những người bận rộn nhất vẫn có thể duy trì bữa ăn truyền thống mỗi ngày và nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam, từ đầu năm 2020, nhóm sinh viên Trường đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã lên ý tưởng nghiên cứu quy trình sản xuất cơm ăn liền.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm cơm ăn liền của nhóm sinh viên Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh được trao Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên năm 2022. (Ảnh Nhà trường cung cấp)
Sản phẩm cơm ăn liền của nhóm sinh viên Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh được trao Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên năm 2022. (Ảnh Nhà trường cung cấp)

Chỉ cần sáu phút quay trong lò vi sóng cùng nước, gói cơm ăn liền hút chân không do nhóm sinh viên Dương Thị Hồng Phượng, Võ Thị Hồng Nhung, Trần Thị Huỳnh Như, Lê Thị Yến Lin và Nguyễn Ngọc Diễm Hằng tạo ra đã trở thành bữa ăn nóng hổi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Những hạt gạo Đài thơm 8, vụ đông xuân tại xã Mỹ Hạnh Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang được nhóm chọn kỹ lượng làm nguyên liệu khi đáp ứng được nhiều tiêu chí về giá cả lẫn chất lượng thành phẩm. Chọn được nguyên liệu chính xong, dưới sự hướng dẫn, tư vấn của giảng viên hướng dẫn, nhóm bắt tay vào công đoạn chế biến ngay tại phòng thí nghiệm của trường.

Quá trình sản xuất cơm ăn liền gồm nhiều giai đoạn: tách vỏ trấu, xát nhẹ lớp cám và đánh bóng, sau đó ngâm gạo và hồ hóa thành phẩm một phần bằng hơi nước trước khi sấy khô trên máy để giữ hạt gạo ở trạng thái xốp, hạt cơm không bị vón cục.

Sau nhiều lần thử không thành công, cuối cùng năm thành viên đã thở phào nhẹ nhõm vì sản phẩm đã bảo đảm đúng chất lượng mà nhóm đề ra ban đầu. Công đoạn cuối cùng, cơm được cho vào túi PE, hút chân không theo định lượng quy định sẵn. Không chỉ kỹ càng trong khâu chọn gạo, nhóm còn nghiên cứu kỹ công đoạn hồ hóa tinh bột gạo tươi, quy định thời gian và nhiệt độ sấy cơm ăn liền sao cho thành phẩm có độ dẻo ngọt như cách nấu truyền thống. Sản phẩm được đánh giá cao vì không dùng chất bảo quản và chọn phương pháp sấy hợp lý giúp gói cơm có mầu sắc, hình ảnh đẹp mắt và chất lượng ổn định dù thời gian nấu được rút ngắn tối đa.

Để đi đến kết quả cuối cùng và được ghi nhận bằng giải Nhất lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ tại cuộc thi Khoa học và công nghệ dành cho sinh viên năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, nhóm đã trải qua khá nhiều khó khăn. Ý tưởng được duyệt từ đầu năm 2020 nhưng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến quá trình bàn bạc, thực hiện bị kéo dài. Mãi đến đầu năm 2022, dự án mới được tái khởi động.

Quê tại tỉnh Long An, gia đình chuyên trồng lúa, nhiều lần Trần Thị Huỳnh Như thấy xót xa vì ba mẹ mình và nhiều bà con nông dân lao động vất vả nhưng lợi ích kinh tế chẳng đáng là bao. Lúa bao năm vẫn bị ép giá khiến nhiều người bỏ ruộng đồng. Vậy nên, khi bắt tay vào thực hiện đề tài ý nghĩa này cùng nhóm, Như dành nhiều tâm huyết, thời gian nghiên cứu, làm đi làm lại các công đoạn với mong muốn cơm ăn liền sớm được đón nhận, tạo thêm đầu ra ổn định cho hạt gạo Việt.

“Cái khó nhất mà nhóm đối mặt là quá trình nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm tại phòng thí nghiệm. Các thiết bị, máy móc đa phần quy mô nhỏ và nhiều sinh viên cùng sử dụng nên nhóm phải chia nhau trực tại đây, có khi thức đêm canh thành phẩm. Các công đoạn của một thí nghiệm do đó thường mất khá nhiều thời gian, nhưng cũng nhờ vậy mà các thành viên sát sao hơn trong quá trình theo dõi, đánh giá sản phẩm và thông số kỹ thuật”, Như cho hay.

Một đại diện khác của nhóm cho biết, một túi cơm ăn liền thành phẩm gồm hai gói, tổng trọng lượng 120g. Chỉ cần vài thao tác đơn giản, người dùng đã có hai chén cơm dẻo thơm, nóng hổi. Nhóm khách hàng được hướng tới chủ yếu là người bận rộn, nhân viên văn phòng, sinh viên, học sinh. Cơm ăn liền của nhóm gồm hai loại ngọt và mặn.

Cơm ngọt có vị atiso đỏ hoặc vị trà xanh matcha. Cơm mặn thì gồm cơm rong biển, cơm chà bông, cơm mè đen kèm theo các gói sốt riêng. Không dừng lại ở một loại gạo duy nhất, các thành viên trong nhóm đang tìm tòi thêm nhiều giống lúa mới để đa dạng hóa sản phẩm, từng bước nâng cấp các phiên bản cơm ăn liền trong tương lai. Hiện tại một số doanh nghiệp đã ngỏ ý muốn nhóm chuyển giao công nghệ để sớm đưa sản phẩm ra thị trường.

Thế nhưng, theo ông Nguyễn Hoàng Anh, giảng viên hướng dẫn đề tài “Nghiên cứu quy trình sản xuất cơm ăn liền”, sinh viên còn nhiều việc phải làm, cho nên muốn thương mại hóa sản phẩm, trước hết, các thầy trò cần làm mới đề tài với quy mô lớn, chuyên sâu và chỉn chu hơn nhằm chốt được các thông số kỹ thuật ổn định nhất có thể. Đây là yếu tố được các doanh nghiệp và người tiêu dùng đánh giá cao, giúp tạo nên độ lan tỏa lớn cho sản phẩm này. Hiện nhiều doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm, muốn đẩy nhanh quá trình đại trà sản phẩm nhưng nhóm vẫn chọn hướng “chậm mà chắc” thay vì chuyển giao công nghệ ngay lập tức.

Nhóm cần khá nhiều thời gian hoàn thiện quy trình, thiết kế cho được dây chuyền sản xuất hiện đại, chủ động hơn về nguồn nguyên liệu theo các thông số riêng. Khi làm được như vậy, độ phủ sóng của sản phẩm trên thị trường hứa hẹn sẽ rất khả quan. “Việt Nam có nhiều giống lúa ngon, phù hợp để làm cơm ăn liền dành cho người bận rộn. Từ nền tảng sinh viên đã nghiên cứu, sau thời gian hoàn thiện, nhà trường sẵn lòng chuyển giao công nghệ và hoàn chỉnh các thông số phù hợp với đặc trưng lúa gạo của từng vùng, miền để sản phẩm lúa gạo của mình vươn xa hơn”, ông Hoàng Anh cho biết.