Đại tá Vũ Xuân Tiến, Trưởng ban Thư ký Ban TSQS Bộ Quốc phòng cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng (khóa XI) về “Ðổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; trên cơ sở tổng kết rút kinh nghiệm kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ÐH, CÐ hệ chính quy từ năm 2015 đến 2019, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) tiếp tục tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh ÐH, CÐ hệ chính quy; các học viện, nhà trường quân đội đã không tổ chức kỳ thi tuyển sinh theo phương án riêng, sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Ðáng chú ý, năm 2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song công tác TSQS nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng; sự quan tâm giúp đỡ có hiệu quả của các cơ quan, bộ, ngành ở Trung ương; đặc biệt là tinh thần chủ động của các đơn vị, địa phương và các học viện, trường trong toàn quân; sự đồng thuận của xã hội và thí sinh dự tuyển trong cả nước… Do vậy, năm 2020, số thí sinh đủ điều kiện sơ tuyển vào các trường quân đội đạt gần 25 nghìn thí sinh.
Thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 24-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ÐH, CÐ năm 2020; theo đề nghị của Bộ GD và ÐT, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo bốn trường cử 184 cán bộ, giảng viên thực hiện công tác thanh tra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tại bốn tỉnh, thành phố. Trong đó, Học viện Quân y cử 50 cán bộ, giáo viên làm công tác thanh tra thi tại tỉnh Quảng Nam trong khi địa phương này đang có dịch Covid-19. Ðồng thời, Ban TSQS Bộ Quốc phòng đã chủ động xây dựng phần mềm, chuyển giao cho các trường và các trường triển khai phối hợp cơ quan chức năng của Bộ GD và ÐT kiểm tra, rà soát dữ liệu đăng ký sơ tuyển và xét tuyển, từ đó đã hạn chế sai sót trong đăng ký xét tuyển của thí sinh… Do vậy, năm 2020, tuyển sinh đào tạo sĩ quan cấp phân đội trình độ đại học đạt 99,57% so chỉ tiêu; tuyển sinh đào tạo cao đẳng quân sự đạt 95,83% so chỉ tiêu; nhiều trường có kết quả tuyển sinh cao hơn năm 2019 cả về số lượng thí sinh đăng ký sơ tuyển, xét tuyển và điểm chuẩn, như: Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Quân y, Học viện Biên phòng, Học viện Hậu cần, Trường Sĩ quan Chính trị...
Năm 2021, các trường trong quân đội tiếp tục thực hiện tuyển sinh theo phương án của Bộ GD và ÐT, tổ chức một kỳ thi chung, kỳ thi tốt nghiệp THPT, sử dụng kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ÐH, CÐ. Theo quy định của Bộ Quốc phòng, năm 2021 có 17 học viện, trường đại học, trường sĩ quan tuyển sinh hơn 5.000 chỉ tiêu đào tạo cán bộ cấp phân đội trình độ đại học; Trường Sĩ quan không quân được giao tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng quân sự ngành kỹ thuật hàng không; ba học viện được tuyển sinh đối với thí sinh nữ, gồm: Học viện Kỹ thuật quân sự (33 chỉ tiêu); Học viện Quân y (40 chỉ tiêu); Học viện Khoa học quân sự (8 chỉ tiêu). Năm nay, không tuyển sinh đào tạo ngành tài chính tại Học viện Hậu cần và ngành quan hệ quốc tế về quốc phòng tại Học viện Khoa học quân sự. Thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào hệ quân sự các trường quân đội phải qua sơ tuyển, đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Quốc phòng. Theo đó, từ ngày 1-3 đến 25-4, Ban TSQS cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức sơ tuyển các em có nguyện vọng dự tuyển vào các trường quân đội. Ðộ tuổi tuyển sinh đối với thanh niên ngoài quân đội từ 17 đến 21 tuổi; đối với quân nhân tại ngũ hoặc đã xuất ngũ và công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia công an nhân dân từ 18 đến 23 tuổi…
Trung tướng, GS, TS Trần Hữu Phúc, Cục trưởng Cục Nhà trường, Phó Trưởng Ban TSQS Bộ Quốc phòng cho biết: Ðể nâng cao chất lượng TSQS năm 2021, Ban TSQS Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tích cực triển khai công tác TSQS; trong đó công tác tuyên truyền hướng nghiệp tiếp tục được coi trọng và đẩy mạnh. Theo đó, ngay từ tháng 12-2020, đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền, hướng nghiệp TSQS; xây dựng phim tài liệu, phóng sự và mở các chuyên mục riêng về tư vấn TSQS trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cơ quan chức năng Ban TSQS Bộ Quốc phòng và các học viện, trường quân đội đã phối hợp tham gia tư vấn TSQS tại bảy tỉnh, thành phố; phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, hướng nghiệp. Hiện, Ban TSQS Bộ Quốc phòng in ấn các tài liệu: “Những điều cần biết về tuyển sinh vào đào tạo ÐH, CÐ hệ quân sự trong quân đội năm 2021” và tài liệu “Hỏi-đáp về TSQS vào các học viện, trường trong quân đội năm 2021”, đã phát hành tới 63 tỉnh, thành phố, 713 quận, huyện, thị xã và 4.884 trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên trên toàn quốc, giúp các đơn vị, địa phương, nhà trường làm tài liệu tuyên truyền, hướng nghiệp quân sự; giúp các quân nhân và thanh niên có nguyện vọng đăng ký dự tuyển vào các trường quân đội, nhất là địa bàn các quân khu phía nam, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, người dân tộc thiểu số, có thông tin về ngành, nghề đào tạo, thủ tục, tiêu chuẩn tuyển sinh… vào các trường quân đội, để lựa chọn, hướng nghiệp cho mình. Ðồng thời, giúp các trường quân đội có điều kiện tuyển chọn người có đủ các tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, sức khỏe, trình độ văn hóa để đào tạo thành cán bộ chỉ huy, chính trị, chuyên môn kỹ thuật quân sự có trình độ cao, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.