Không chuộng lạ, trên con đường đi tìm cho mình ngôn ngữ biểu cảm, Hùng Khuynh tỉnh táo và đắm chìm trong vốn cổ. Thế giới trong tranh của ông là hội hè đình chùa miếu mạo; những nghi trượng điện thờ, hoành phi câu đối trong nhà cho đến đầu đao rồng phượng chim hoa, mọi mô-típ dân gian được ông khai thác từ nhiều góc độ, khi giữ nguyên mẫu, khi vuốt hình đổi sắc nhằm đẩy bật lên những yếu tố có tính nhân văn. Vẽ về "Hội làng Ðồng Kỵ" nhưng ông không có ý định tả như một người quay phim toàn cảnh. Với ông, những nghi trượng tế lễ và sự hồn nhiên dí dỏm của một hai nhân vật trong một bảng mầu đằm thắm, đủ cảm nhận một không gian hồn cốt. Tương tự như vậy khi ông vẽ về "Ðồng quê", "Hổ phù" hay "Tễu". Ở tác phẩm sơn mài khổ lớn "Cội nguồn" Hùng Khuynh đã đưa rất nhiều họa tiết cổ vào một bố cục khéo léo và thấm đẫm chất hoành tráng phương đông của mình, trong ý tưởng hiện thực mà lãng mạn.
Trong chất liệu sơn mài đã trở nên chất liệu chính cho sáng tác, Hùng Khuynh đã tìm được một giọng điệu riêng khi ông đưa vốn cổ vào thế giới nghệ thuật của mình, thổi vào hệ thống hình tượng những tiết tấu cháy bỏng của cuộc sống hiện đại.
Nhiều lần triển lãm cá nhân tại Hà Nội, Huế và thành phố Hồ Chí Minh, nhiều lần triển lãm chung trong nước và quốc tế, hội họa Hùng Khuynh là một điểm nhấn trong diện mạo đa dạng đang khởi sắc của hội họa đương đại Việt Nam.
Họa sĩ
Ðặng Trường Lưu