“Có tiếng người trong gió” xoay quanh một vụ án khởi đầu từ việc biến mất của những đứa trẻ vừa được sinh ra trong bệnh viện. Những mạch truyện đan xen nhau của nhiều số phận nhân vật khác nhau mỗi lần lại đưa bạn đọc tới những nút thắt mở liên tục khiến nhiều người không thể bỏ sách xuống khi đã cầm lên. Tuy nhiên, một điểm không hề giống với các tiểu thuyết hình sự khác, là đường dây của câu chuyện gần như đã bộc lộ từ khoảng nửa truyện. “Lộ” sớm, nhưng tính hấp dẫn vẫn không hề mất đi.
TS Chu Văn Sơn là một trong những người đọc “Có tiếng người trong gió” của Nguyễn Xuân Thủy sớm và kỹ. Ông nhận xét, những sáng tác của Xuân Thủy rất gần gũi với điện ảnh, và có thể là một tài nguyên đối với đạo diễn nào muốn dựng thành phim. Ông cho biết: “Xuân Thủy gửi sách cho tôi trước khi ra mắt năm ngày, và đây là một trong những cuốn mà tôi đọc liền mạch không nghỉ, đọc trong thời gian rất ngắn, chỉ trong vòng hơn nửa ngày. Cuốn sách rất hấp dẫn, với một câu chuyện có dáng dấp hình sự, chất liệu là đề tài buôn bán trẻ em, phụ nữ và cướp đoạt tạng người, nhưng đây yếu tố chính thu hút sự tập trung của người đọc là câu chuyện người mẹ đi tìm con và con đi tìm mẹ, một kiểu chuyện không phổ biến”.
TS Chu Văn Sơn phân tích; “Một mạch tình sự và một mạch hình sự đan xen trong tiểu thuyết và tạo ra những không gian cảm xúc khác nhau. Mạch chuyện được đan cài với nhau tạo ra sự lôi cuốn. Trong đó tình mẫu tử là điều đem lại sự lắng đọng sâu sắc về cảm xúc”. TS Chu Văn Sơn nói: “Cuốn tiểu thuyết không còn chỉ là một câu chuyện về thiện ác hay vấn đề cướp nội tạng, mà đã trở thành một câu chuyện về nhân tính”.
Cùng chung suy nghĩ này, nhà văn Nguyễn Đình Tú cho rằng “Có tiếng người trong gió” khai thác đề tài buôn bán nội tạng nhưng với một cách thức hoàn toàn khác, khai thác yếu tố tình đời, và anh chia sẻ rằng, anh nể nhà văn Xuân Thủy vì điều đó: “Xuân Thủy là người rất có trách nhiệm với việc viết, và có phong cách chuyên nghiệp. Với sức sáng tạo dồi dào, "Có tiếng người trong gió" cho thấy một năng lực tiểu thuyết đang được khẳng định cũng như những ám ảnh từ trang viết của anh là kết quả của một tài năng bắt đầu vào độ chín”
Là một trong những người từng được Nguyễn Xuân Thủy chuyển cho bản thảo đọc sớm nhất, tác giả Hoàng Đăng Khoa cho rằng, bản thân anh cũng thấy tác giả “để lộ” đường dây câu chuyện hơi sớm. Tuy nhiên, tác giả đã sớm hồi đáp ngay rằng, về tổng thể, đây là một câu chuyện ám ảnh, không nên hành hạ bạn đọc thêm nữa, “thế là đủ rồi”.
Chia sẻ với bạn đọc về cuốn sách và tác giả, nhà văn Võ Thị Xuân Hà nói: “Cuốn sách này thể hiện phong cách của Nguyễn Xuân Thủy: hiện đại phối hợp với truyền thống, luôn phát hiện cái mới, cái độc, lạ, luôn cập nhật thông tin. Tác giả có lợi thế khi viết những câu chuyện buồn, đau khổ, nhưng vẫn làm người đọc thấy vẫn còn gì đó phía trước, chứ không bị kéo xuống bi lụy”. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà cho hay, trong 10 năm gắn bó với công tác văn trẻ, chị thấy Xuân Thủy là một trong những người mà “nếu thiếu họ thì chúng tôi không hoàn thành nhiệm vụ được”. Có nhiều nhà văn trẻ hiện nay ra sách liên tục, như đang thực hiện một vũ điệu. Chị Xuân Hà nói: “Họ đã cố gắng tìm được hướng đi cho mình, và đang bước được những bước đi vững chắc trên con đường ấy”.