Có thể điều trị dứt điểm bệnh tăng tiết mồ hôi

NDO - Tăng tiết mồ hôi là một chứng bệnh thường gặp, nhất là ở những người trẻ tuổi. Hiện có khoảng 1-3% dân số mắc bệnh lý này khiến người bệnh tự ti trong giao tiếp, ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt, lựa chọn nghề nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
TS Dương Trọng Hiền, Trưởng khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa khám cho người bệnh.
TS Dương Trọng Hiền, Trưởng khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa khám cho người bệnh.

1-3% dân số mắc bệnh lý tăng tiết mồ hôi

20 năm bị tăng tiết mồ hôi khiến đôi bàn tay luôn trong tình trạng ra mồ hôi chảy ướt sũng khiến chị Phạm Thị Minh Nghĩa (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) lúc nào cũng phải kè kè bên mình giấy ăn để thấm mồ hôi. "Khổ sở nhất là khi học cầm bút viết. Giờ đi làm lại gặp tình trạng mỗi khi lái xe bàn tay ẩm ướt dễ dẫn đến trượt tay ga", chị cho biết.

Chị Nghĩa cho biết thêm, dù đã tìm đến nhiều nơi để khám và điều trị nhưng không mang lại hiệu quả. Ngoài mùa hè lúc nào tay cũng sũng nước, vào mùa đông, khi nào suy nghĩ nhiều hoặc căng thẳng thì tình trạng này cũng tiếp tục lặp lại.

“Tôi vừa được các bác sĩ tư vấn, có thể giải quyết được tình trạng ra mồ hôi tay bằng phương pháp phẫu thuật nội soi với hiệu quả lên đến 95%. Sang tuần tôi sẽ quay trở lại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để phẫu thuật", chị Nghĩa bày tỏ.

Có thể điều trị dứt điểm bệnh tăng tiết mồ hôi ảnh 1

Chị Phạm Thị Minh Nghĩa (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) khổ sở vì mấy chục năm bị tăng tiết mồ hôi tay.

Có mặt tại buổi khám sáng nay, em Phan Trọng Đạt (Hải Dương) luôn cầm trên tay khăn giấy để thấm mồ hôi. Đạt cho hay, đó là vật bất ly thân từ nhiều năm nay, bởi không có khăn giấy thì thậm chí mồ hôi còn chảy nhỏ giọt.

“Khi còn bé, mồ hôi chỉ ẩm tay nhưng càng lớn mồ hôi càng ra nhiều, rất khó chịu, và tự ti với bạn bè. Hơn nữa năm nay em 18 tuổi, chuẩn bị vào đại học, rồi ra trường đi làm, nếu cứ để như vậy thì không ổn. Trước đó, gia đình cũng nghe mách nhiều cách để giảm mồ hôi tay, tuy nhiên đâu vẫn hoàn đấy”, Đạt nói.

Dẫn con trai 14 tuổi đến khám, chị H.T.N (Hà Đông, Hà Nội) cho hay, cháu bé bị tăng tiết mồ hôi bàn tay chân từ khi còn bé khiến cho mùa hè thì liên tục sũng mồ hôi tay, chân, còn mùa đông thì tay chân luôn bị lạnh. "Cháu ở độ tuổi dậy thì nên tình trạng này càng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến lúc học hành và cháu cũng tự ti hơn so với bạn bè", chị N. nói.

Trong số hàng trăm trường hợp đến khám và tư vấn miễn phí bệnh lý ra mồ hôi tay do cường giao cảm tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sáng 20/8, đến 4/5 là các trường hợp tăng tiết mồ hôi không có căn nguyên cụ thể.

Theo TS, BS Dương Trọng Hiền - Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Nội soi, Trưởng khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, ra mồ hôi là vấn đề sinh lý vì mồ hôi giúp điều hòa thân nhiệt. Tuy nhiên, một số người tăng tiết mồ hôi không đúng thời điểm như khi cả trời mát, lạnh hoặc ngay cả khi không hoạt động thể thao.

Có 2 nguyên nhân gây ra tình trạng này. Tăng tiết mồ hôi nguyên phát được đặc trưng bởi sự tăng hoạt động của thần kinh giao cảm mặc dù không có sự kích thích của nhiệt độ môi trường hoặc tăng hoạt động của cơ thể.

Tăng tiết mồ hôi có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý và lúc này tăng tiết mồ hôi là thứ phát. Một số bệnh lý gây tăng tiết mồ hôi như: tiểu đường, tiền mãn kinh, bệnh lý tuyến giáp, nhiễm khuẩn, nhồi máu cơ tim, hạ đường huyết, bệnh lý thần kinh hoặc một số loại ung thư.

Có một triệu chứng đáng chú ý của tăng tiết mồ hôi là quá trình tiết mồ hôi, nó tiết vượt ngưỡng bình thường và thường thấy ở tay, chân, mặt, nách. Với tần suất thường ít nhất tuần một lần và trong quá trình đi bộ. Đôi khi gây gián đoạn các hoạt động thường ngày do cảm thấy stress và xúc động.

"Điều này ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người bệnh. Có người bàn tay luôn trong tình trạng ẩm ướt, vi khuẩn phát triển dễ gây nên viêm, tróc da. Bên cạnh đó, người bệnh có thể tự ti khi ra mồ hôi nhiều, gây ra cơ thể có mùi hôi khó chịu làm ảnh hưởng tới tâm lý trong hoạt động thể chất hàng ngày, hạn chế về mặt tâm lý công việc và nghề nghiệp", bác sĩ Hiền nói.

Có thể điều trị dứt điểm bệnh tăng tiết mồ hôi ảnh 2

TS, BS Lê Việt Khánh - Phó trưởng Khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa tư vấn cho người bệnh.

Theo bác sĩ Hiền, hiện chưa có thống kê con số cụ thể nhưng ước chừng có khoảng 1-3% dân số có hiện tượng tăng tiết mồ hôi ở nhiều mức khác nhau. Tuy nhiên, nhiều người chưa biết hoặc chưa cập nhật thông tin về bệnh lý này nên chưa đến khám.

Có thể điều trị dứt điểm tăng tiết mồ hôi

Theo bác sĩ Hiền, hiện nay có nhiều phương pháp điều trị như sử dụng phương pháp muối nhôm, bôi trên các vùng cụ thể trên cơ thể để làm cho tuyến mồ hôi teo đi, giúp giảm tiết mồ hôi. Hoặc người bệnh được chữa trị bằng biện pháp i-on hóa… cũng làm thay đổi tính chất của tuyến mồ hôi.

"Các biện pháp trên nhằm tác động lên tuyến hệ thần kinh giao cảm, giúp kiềm chế sự hoạt động quá mức hệ thần kinh giao cảm, thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể làm ảnh hưởng đến các chức năng khác như tuyến nước bọt, làm khô mắt", bác sĩ Hiền cho hay.

Biện pháp điều trị dứt điểm hiện nay là phẫu thuật nội soi ít xâm lấn để đốt hạch giao cảm, chi phối cho khu vực chi trên, đặc biệt là bàn tay và một phần nách, giúp hạn chế tiết mồ hôi ở vùng bàn tay, nách.

“Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật nội soi này bằng cách, mở 2 lỗ nhỏ 0,5cm qua bên sườn để có thể đưa các dụng cụ vào phẫu thuật để đốt, cắt hạch thần kinh này. Sau khi cắt, bệnh nhân thấy ngay hiệu ứng bàn tay. Bàn tay sẽ nóng lên, khô, so sánh 2 tay đối diện để cảm nhận ngay trong cuộc mổ”, TS Dương Trọng Hiền chia sẻ.

Thông thường phẫu thuật này đốt ở hạch giao cảm mất một giờ phẫu thuật. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sau ăn uống bình thường và nên trở lại hoạt động mạnh thể chất sau 2 tuần

Có thể điều trị dứt điểm bệnh tăng tiết mồ hôi ảnh 3

TS, BS Bùi Thanh Phúc - Phó trưởng Khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa khám cho người bệnh.

Tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, thông thường một tuần có khoảng 10-12 ca đến khám, trong đó khoảng 30% trường hợp được chỉ định phẫu thuật.

Việc phẫu thuật tiết mồ hôi bàn tay, mồ hôi sẽ ra bù trừ ở chỗ khác như: bụng, lưng... Tuy nhiên, người bệnh chấp nhận hiệu ứng phụ vì đạt yêu cầu về vấn đề giao tiếp và công việc.

"Có đến 95% các phẫu thuật về chứng tăng tiết mồ hôi được chữa khỏi bệnh. Chỉ 5% do thần kinh phụ chi phối. Độ tuổi phẫu thuật chủ yếu trên 15 tuổi", bác sĩ Hiền nói.

Bác sĩ Hiền khuyến cáo, cơ bản những người có tăng tiết mồ hôi nguyên phát nên đến cơ sở y tế để thăm khám, tư vấn. Nếu có nguyện vọng điều trị bằng nội soi sẽ được hướng dẫn làm xét nghiệm và lên lịch can thiệp.

Người dân nên tránh điều trị ra mồ hôi tay bằng việc dùng hóa chất bôi, đặc biệt sử dụng các thuốc có trôi nổi trên thị trường sẽ không bảo đảm về mặt chất lượng thuốc, gây nên tổn thương trên da.

Bên cạnh đó, người dân cần lựa chọn cơ sở uy tín để nạo tuyến mồ hôi, cắt tuyến mồ hôi. Không ít cơ sở thẩm mỹ hiện nay không bảo đảm về thủ thuật vô trùng gây nên nhiễm trùng tại chỗ hay lây truyền bệnh qua dụng cụ chưa được tiệt trùng.